Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chính phủ kiến tạo, liêm chính – Con đường từ chủ trương đến hành động

(DS&PL) -

(ĐSPL) - GS.TS. Lê Hồng Hạnh: “Chính phủ kiến tạo, liêm chính là thông điệp chính sách rất ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc…”.

(ĐSPL) – GS.TS. Lê Hồng Hạnh: “Chính phủ kiến tạo, liêm chính là thông điệp chính sách rất ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc…”.

Tại hội nghị cải cách hành chính diễn ra ngày 17/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo phục vụ dân.

Nhân dịp Chính phủ ban hành Nghị quyết 100 – Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 vừa có hiệu lực vào ngày 18/11/2016, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TS.Lê Hồng Hạnh về vấn đề Chính phủ kiến tạo, liêm chính.

GS.TS. Lê Hồng Hạnh là một trong những chuyên gia hàng đầu về pháp luật tại Việt Nam, là Luật sư, Trọng tài viên, là giáo viên nhân dân từng tham gia giảng dạy ở các trường Đại học danh giá, đồng thời là chủ nhiệm, tác giả của rất nhiều đề tài cứu khoa học và các công trình về Pháp luật và Tư pháp có giá trị. 

GS.TS.Lê Hồng Hạnh.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính?

GS.TS. Lê Hồng Hạnh: Đây là thông điệp chính sách của người đứng đầu Chính phủ. Thông điệp này nhấn mạnh đến việc xây dựng một Chính phủ mà hoạt động quản lý, điều hành của nó hướng tới việc tạo môi trường thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp tức là các chủ thể của nền kinh tế. Một Chính phủ kiến tạo được môi trường cho sự phát triển nói chung và doanh nghiệp nói riêng chỉ có thể là Chính phủ liêm chính, tức là Chính phủ không vì lợi ích nhóm, Chính phủ không tham nhũng. Nếu một Chính phủ đã hành động vì lợi ích nhóm, một Chính phủ tham nhũng thì đừng bao giờ hy vọng đó là Chính phủ kiến tạo.

[poll3]155[/poll3]

PV: Ðể đạt được mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính, Chính phủ phải cụ thể hóa bằng chương trình hành động như thế nào?

GS.TS. Lê Hồng Hạnh: Để đạt được mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính thì chương trình hành động của Chính phủ phải hướng tới việc giải quyết những vấn đề cụ thể sau:

Phải xây dựng được những thể chế để giải phóng nguồn lực xã hội, hướng chúng vào việc giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế xã hội. Thể chế tốt là nguồn tài nguyên quyết định cho sự phát triển. Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng thể chế. Nhiều lãnh đạo, nhiều cơ quan tổ chức  hiểu thể chế là pháp luật hoặc chính sách hay cả pháp luật và chính sách. Hiểu như vậy chưa đúng và chưa thể thấy hết vai trò của thể chế. Thể chế cần hiểu là toàn bộ những ràng buộc mà con người tạo ra để định hướng cho những tương tác giữa người với người. Điều đó có nghĩa là thể chế bao gồm chính sách, pháp luật, các cơ chế và phương thức tương tác giữa các chủ thể trong xã hội.

Phải cải cách triệt để lĩnh vực cán bộ nhằm loại bỏ tình trạng bộ máy nhà nước chỉ toàn là quan mà không có chuyên gia giỏi, một tình trạng lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ theo những tiêu chí tiêu cực như phả hệ (con ông cháu cha), quan hệ (thân hữu, bè cánh), tiền tệ (mua quan bán chức) còn trí tuệ, đạo đức chỉ là tiêu chuẩn sau cùng. Không có những cán bộ có năng lực, có đạo đức thì Chính phủ không thể liêm chính và không thể kiến tạo được. Đó là điều chắc chắn.

Phải thực sự tạo được niềm tin của người dân, của doanh nghiệp vào vai trò của Chính phủ trong điều hành đất nước. Tôi được biết nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nhiều dự án của các địa phương thực hiện chính sách đổi đất lấy hạ tầng hay thu hút đầu tư vào hạ tầng. Họ đã ký với chính quyền địa phương những hợp đồng chuyển nhượng đất khi các địa phương này gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư. 15, 17 năm sau, thanh tra Chính phủ vào thanh tra và kết luận đất được chuyển nhượng theo giá quá rẻ và yêu cầu phải truy thu của doanh nghiệp, của nhà đầu tư thay vì làm rõ trách nhiệm của chính quyền lúc đó. Truy thu doanh nghiệp thì dễ nhưng làm rõ trách nhiệm của cán bộ chính quyền thì khó do họ về hưu hoặc lên chức cao hơn. Chính phủ chọn cách thứ hai. Cách hành xử này của Chính phủ khó có thể nói là kiến tạo và vì vậy khó tạo được niềm tin. Hoặc Chính phủ nếu để tình trạng các Bộ, Ngành dễ dàng tạo ra những hạn chế doanh nghiệp, hạn chế cạnh tranh dưới vỏ bọc là “kinh doanh có điều kiện” thì Chính phủ không thể được coi là kiến tạo. Và điều này được thực hiện vì lợi ích nhóm thì cũng không thể coi là Chính phủ liêm chính.

PV: Thách thức lớn của cuộc cải cách là vẫn còn tư tưởng bảo hộ, cơ chế xin – cho… của các bộ ngành, có phải việc kỷ luật thực thi không nghiêm làm vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ? 

GS.TS. Lê Hồng Hạnh: Đúng như vậy. Thực ra cơ chế xin cho là sản phẩm của nền kinh tế chỉ huy, nền kinh tế bao cấp tồn tại khá lâu ở Việt Nam. Cơ chế này bám rể sâu vào tư duy và hành động của một bộ phận không nhỏ cán bộ và người dân. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là việc cơ chế này đang chế ngự tư duy và hành động của cán bộ lãnh đạo các cấp. Lý do là nó đang làm thui chột sự năng động, tính sáng tạo và tư duy hiệu quả của cán bộ của họ.

Căn nguyên của cơ chế xin cho là việc nguồn lực ngân sách không được sử dụng theo nguyên tắc hiệu quả. Với những người theo tư duy xin cho thì dự án càng lớn càng tốt. Chỉ cần nhiều tiền để đầu tư, còn hiệu quả không ai kiểm tra, không ai đánh giá và không ai phải chịu trách nhiệm. Nếu có vấn đề thì cậy nhờ vào sự phù hợp với “qui trình” duyệt dự án được tạo ra bởi chính những người thích sử dụng cơ chế xin cho này. Đã có ai phải chịu trách nhiệm về Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Đạm Ninh Bình v.v…hay chưa dù hàng trăm nghìn tỷ bị mất một cách quá đau xót. Cơ chế xin cho với các qui trình thiếu minh bạch, thiếu giám sát xã hội như vậy đang làm hại sự phát triển của đất nước, đang lãng phí tài nguyên quốc gia. Tiền xin được thì tiêu kiểu gì cũng xong, miễn có lợi cho quan chức chạy xin dự án. Hiệu quả của các dự án đầu tư bằng tiền xin cho như thế nào thì ai cũng rõ.

PV: Làm thế nào để các cấp, các ngành, đến các địa phương, từ tỉnh đến huyện đến xã, có chuyển biến trong công cuộc xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính?

GS.TS. Lê Hồng Hạnh: Chính phủ phải có những nhà quản lý, những chuyên gia kinh tế giỏi thì mới đủ sức xây dựng những thể chế kiến tạo. Phải bắt đầu từ trên xuống mới tạo ra chuyển biến của toàn bộ Chính phủ. Chính phủ trong thông điệp của Thủ tướng chắc phải được hiểu rộng hơn, đó là hệ thống của cơ quan hành pháp từ Trung ương đến địa phương. Tôi nghĩ rằng muốn làm cho các cơ quan hành pháp ở địa phương từ tỉnh đến huyện có chuyển biến thì trước hết Chính phủ hiểu theo nghĩa hẹp là nội các của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải chuyển biến trước. Trong Chính phủ phải có những Nhà quản lý, những chuyên gia kinh tế giỏi thì mới có đủ sức xây dựng những thể chế kiến tạo. Không thể bắt một anh cả đời là tuyên truyền, điều tra sang giải quyết các vấn đề như cạnh tranh, chống bán phá giá, chứng khoán, tái cơ cấu ngân hàng. Phải bắt đầu từ trên xuống mới tạo ra chuyển biến của toàn hệ thống được. Đầu máy ộc ệch, cồng kềnh thì không thể kéo con tàu đi nhanh được.

 PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của cơ quan thông tấn báo chí trong việc giám sát thực thi triển khai chương trình này?

GS.TS. Lê Hồng Hạnh: Báo chí có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy nhận thức xã hội và từ đó là những hành động quyết liệt của tất cả các chủ thể trong việc thực hiện thông điệp chính sách mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra. Trong bối cảnh hiện tại của đất nước, báo chí cần định hướng vào việc nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, sự giám sát xã hội đối với các hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện thông điệp này. Sức ỳ của các cơ quan hành pháp vẫn đang trở thành trở ngại lớn cho việc xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính. Cần một sự tác động từ kiểm soát xã hội và phản biện xã hội và điều này thì báo chí có góp phần tạo ra. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần phát huy sức mạnh tổng hợp của của các cơ quan đoàn thể, các tổ chức và nhân dân để nâng cao hiệu quả giám sát.

Xin cám ơn những ý kiến đóng góp của GS./. 

Ngọc Anh/Mai Tuân

Tin nổi bật