Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chính phủ kiến tạo ở tầm cao hơn Chính phủ điều hành

(DS&PL) -

Chính phủ kiến tạo phát triển là mô hình Chính phủ mà Chính phủ có xu hướng không tham gia quá sâu vào công tác trực tiếp điều hành hay quyết định các công việc cụ thể mà

(ĐSPL) – “Chính phủ kiến tạo phát triển là mô hình Chính phủ mà Chính phủ có xu hướng không tham gia quá sâu vào công tác trực tiếp điều hành hay quyết định các công việc cụ thể mà phải đề ra được những chính sách bao quát, có tầm nhìn phát triển và tiến hành các biện pháp bảo đảm hệ thống cơ quan cấp dưới hiện thực hoá được các chính sách đó” – Đó là ý kiến của PGS.TS.Tô Văn Hòa về Chính phủ kiến tạo phát triển.

Tại hội nghị cải cách hành chính diễn ra vào tháng 7 năm 2016, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển.

Nghị quyết số 100/NQ-CP về “Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021” do Chính phủ ban hành, vừa có hiệu lực vào ngày 18/11/2016 cũng xác định “Xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ…với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển”.

Phóng viên có cuộc phỏng vấn PGS.TS, Trưởng khoa hành chính Hiến pháp của Đại học luật Hà Nội về “Chính phủ kiến tạo phát triển” – Thông điệp mới của Chính phủ nhiệm kỳ mới.

PV: Cần hiểu nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” như thế nào cho phù hợp với tinh thần cuả Nghị quyết 100/NQ-CP?

PGS.TS.Tô Văn Hòa:Chính phủ kiến tạo phát triển là một khái niệm dùng để chỉ Chính phủ ở Bộ máy Nhà nước hiện đại, là một cách thức hoạt động của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ  phải có tầm nhìn để đưa ra những chính sách và hoạch định được những chính sách cho sự phát triển ở trung hạn, dài hạn.  Tức là, Chính phủ có tầm nhìn đúng đắn thì sẽ đưa ra được những chính sách đúng đắn. Chính phủ kiến tạo, về khía cạnh kiến tạo, trên cơ sở tầm nhìn đã hoạch định, Chính phủ không phải là người trực tiếp“đi làm”, trực tiếp “động chân động tay” vào các công việc cụ thể mà bằng công cụ pháp luật, công cụ về mặt cơ chế tạo ra khuôn khổ để cho cơ quan cấp dưới thực hiện, chuyển tầm nhìn vào thực tiễn. Cơ quan cấp dưới bao gồm Bộ máy hành chính của các Bộ, Bộ máy hành chính ở địa phương.

Chính phủ kiến tạo phát triển là mô hình Chính phủ mà Chính phủ không làm,tham gia vào các công việc cụ thể nhưng có hướng đi bao quát được toàn bộ công việc để bảo đảm hướng đi đúng. Điều đó có nghĩa là Chính phủ vạch ra được hướng đi, thể chế hóa hướng đi một cách đúng đắn và thực hiện công tác giám sát, đôn đốc để bảo đảm là các cấp, các ngành sẽ hiện thực hoá hướng đi ấy.

Chính phủ kiến tạo phát triển tương phản với Chính phủ điều hành từng công việc cụ thể. Đây là mô hình Chính phủ mà vai trò của Chính phủ ở tầm cao hơn, hạn chế tối đa việc quyết định các công việc cụ thể, nhưng lại bảo đảm được các công việc cụ thể theo hướng đi mà Chính phủ đã vạch ra bằng cách sử dụng các công cụ pháp lý, chính trị. Nó liên quan rất nhiều đến công tác xây dựng thể chế là vì thế. Kiến tạo và phát triển là như vậy cũng đúng nghĩa của Chính phủ là cơ quan hành pháp – cơ quan chấp hành của Quốc hội. Vì nếu như sa vào hoạt động điều hành những công việc cụ thể thì sẽ chỉ nhìn thấy cây thôi chứ không quan tâm đến rừng. Trong khi kiến tạo phát triển tầm nhìn phải ở tầm vĩ mô, tầm cao, nhưng phải đảm bảo công việc không đi ra ngoài lộ trình, khung khổ mình đã vạch ra, cho nên công tác xây dựng thể chế pháp luật và công tác giám sát là các công tác cực kỳ quan trọng. Tinh thần của Chính phủ kiến tạo phát triển theo tôi là như vậy.

PGS.TS.Tô Văn Hòa.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về hướng đi, về tầm nhìn mà Chính phủ kiến tạo phải đặt ra, phải hướng tới?

PGS.TS.Tô Văn Hòa: Bối cảnh của Việt Nam khác với nhiều quốc gia khác. Việt Nam theo mô hình một Đảng lãnh đạo. Ở các quốc gia khác, mỗi Chính phủ có thể sẽ có một hướng đi khác, một tầm nhìn khác nhau, tùy vào sự phát triển của từng quốc gia. Ở Việt Nam, không theo mô hình đa Đảng, vì vậy, nếu nói về tầm nhìn thì tầm nhìn đó phải thống nhất với tầm nhìn mà Đảng đã đặt ra, thể hiện ở Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, báo cáo chính trị của các đại hội đảng. Trên thực tế, Chính phủ cũng đã đóng vai trò chính trong việc xây dựng các nội dung văn kiện của Đảng về các lĩnh vực mà Chính phủ phụ trách như kinh tế, xã hội, y tế, nông nghiệp…

Do đó, tầm nhìn của Chính phủ được đề cập ở đây phải có sự kết hợp, đặt trong mối quan hệ với chủ trương, chính sách lớn của Đảng.

PV: Nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển có mối quan hệ như thế nào với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân? 

PGS.TS.Tô Văn Hòa: Nhà nước pháp quyền có một số đặc điểm nổi bật như tính tối cao của hiến pháp, sự thượng tôn pháp luật, vai trò lãnh đạo của Đảng, tôn trọng quyền con người, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh …

Nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển có một số mối quan hệ trực tiếp, gián tiếp với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Thứ nhất, Đối với Chính phủ kiến tạo phát triển,khi xác định hoạt động để xây dựng chủ trương này, thì phải có tầm nhìn để phát triển. Chú trọng vấn đề tầm nhìn phát triển tức là góp phần để xây dựng là môt xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Thứ hai, Chính phủ kiến tạo phát triển thì bắt buộc phải chú trọng pháp luật. Pháp luật là công cụ không phải chỉ quản lý xã hội mà còn là công cụ để kiểm soát Nhà nước, bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước đúng theo khuôn khổ tầm nhìn kiến tạo của Chính phủ kiến tạo đã đặt ra trong các lĩnh vực. Chính phủ kiến tạo đặt ra tầm nhìn, sau đó xây dựng khung thể chế, để các cơ quan quản lý ở dưới điều hành công việc của Nhà nước theo tầm nhìn đó. Và Chính phủ kiến tạo phát triển sẽ phải giám sát được tiến trình đó bằng pháp luật. Như vậy, với Chính phủ kiến tạo, phát triển, pháp luật không chỉ là công cụ để cơ quan nhà nước quản lý xã hội mà, quan trọng hơn, đó chính là công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước, kiểm soát các cơ quan nhà nước. Đó chính là tinh thần thượng tôn pháp luật, cốt lõi ủa Nhà nước pháp quyền XHCN.

PV: Làm thế nào để nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển thực sự đi vào thực tiễn trong thời gian tới?

PGS.TS.Tô Văn Hòa: Vấn đề này đòi hỏi quá trình, không phải cứ đưa ra chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển là hình thành ngay được Chính phủ kiến tạo phát triển.

Hoạt động của Chính phủ nước ta lâu nay rất coi trọng những công việc mang tính chất điều hành cụ thể, ngay cả lãnh đạo Chính phủ cũng thường xuyên phải giải quyết những vụ việc cụ thể, thể hiện thông qua những điều hành cụ thể như lấy ý kiến từ cấp dưới đi lên cấp trên hoặc là vấn đề của riêng một bộ ngành nào đó, nhưng mà trình Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ để xin ý kiến, quyết định, không chỉ là công tác xây dựng thể chế mà cả những công việc cụ thể. Điều này phần nào đã trở thành thói quen. Cho nên, Chính phủ kiến tạo phát triển bắt buộc Chính phủ có sự chuyển biến mạnh mẽ ở cách thức làm việc và năng lực làm việc.

Chính phủ là khái niệm đa nghĩa, bởi vì, trong Chính phủ có nhiều thành viên và có nhiều loại thành viên. Một mặt, Chính phủ là một cơ quan tập thể; mặt khác trong Chính phủ có Thủ tướng, các phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ. Bộ trưởng một mặt là thành viên Chính phủ, nhưng mặt khác bộ trưởng là những người đứng đầu Bộ máy hành chính của từng lĩnh vực, đối với bộ trưởng phải điều hành công việc cụ thể là bình thường. Nhưng đối với Thủ tướng, Phó Thủ tướng, là những người đứng đầu Chính phủ, nếu điều hành những công việc cụ thể sẽ làm san bớt đi nguồn lực tập trung  cho những công việc mang tính tầm nhìn. Mấu chốt của vấn đề là cần có sự phân công trách nhiệm rất rạch ròi giữa các thành viên của Chính phủ. Thủ tướng, Phó Thủ thủ tướng, là những người lãnh đạo Chính phủ cần tập trung nhiều hơn vào các công tác xác định tầm nhìn chính sách, định hướng chính sách, quan tâm nhiều hơn công tác xây dựng và bảo đảm thi hành thể chế và chính sách hơn so với các thành viên khác. Các Bộ trưởng vừa phải có nhiệm vụ đề xuất tầm nhìn trong lĩnh vực của Bộ, vừa có nhiệm vụ điều hành công việc cụ thể.

Tóm lại để thật sự chuyển mình thành mô hình Chính phủ kiến tạo phát triển, thì phải có sự chuyển biến mạnh mẽ mà cốt lõi là sự phân công trách nhiệm trong các thành viên Chính phủ.

PV: Trân trọng cám ơn Phó giáo sư./.

Tin nổi bật