(ĐSPL) - “Chính phủ kiến tạo” thường đi đôi với liêm chính, minh bạch và trong sáng của chính phủ. Đó là một chính phủ trong sạch và chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và trước nhân dân” - GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với phóng viên.
Tại hội nghị cải cách hành chính diễn ra ngày 17/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo phục vụ dân.
Nhân dịp Chính phủ ban hành Nghị quyết 100 – Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 vừa có hiệu lực vào ngày 18/11/2016, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Đăng Dung - Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề Chính phủ kiến tạo, liêm chính
PV: Ông có thể nói rõ hơn về thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra là xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính?
GS.TS Nguyễn Đăng Dung: “Chính phủ kiến tạo” và liêm chính là một thuật ngữ mới ở Việt Nam nhưng không xa lạ với thế giới. Khái niệm đó là về một chính phủ được tổ chức và hoạt động trên tinh thần xây dựng tạo ra một môi trường cho mọi chủ thể có cơ hội tìm kiếm và thực hiện mưu cầu hạnh phúc của mình, mà không trực tiếp làm tất cả mọi việc cho người dân. Một chính phủ/ cả nhà nước không phải như thời trước đây - tất cả đều trông chờ vào nhà nước. Chúng ta thường thấy trong các bản báo cáo hàng năm của nhà nước Mỹ, thường có con số mỗi năm Chính phủ tạo ra được bao nhiêu việc làm. Đấy là minh chứng rõ nét nhất cho việc Chính phủ của họ kiến tạo sự phát triển. Chính phủ không tự làm mọi thứ cho người dân, mà chỉ tạo ra môi trường chủ yếu là môi trường pháp lý để mọi người dân chủ động sáng tạo, để làm cho mình hạnh phúc hơn. Cách đây gần 200 năm, trong tác phẩm Bàn về tự do J. S Mill đã chỉ ra rằng, cho dù có kết quả như nhau, một thứ do người khác làm cho, và một thứ do con người tự mình làm ra thì với tư cách là con người, người ta vẫn thích và tự hào với cái của mình làm ra hơn.
Khái niệm “Chính phủ kiến tạo” thường đi đôi với liêm chính, minh bạch và trong sáng của chính phủ. Đó là một chính phủ trong sạch và chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và trước nhân dân. Những tính chất đó của Chính phủ thường gắn liền hữu cơ với nhau, không liêm chính, không thể có Chính phủ kiến tạo.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội |
PV: Những nguyên tắc của “Chính phủ kiến tạo” là gì, thưa GS?
GS.TS Nguyễn Đăng Dung: “Chính phủ kiến tạo” ở đây theo quan điểm của tôi là dùng ở nghĩa rộng cho cả bộ máy nhà nước, nhưng trong đó Chính phủ ở nghĩa hẹp nhất bao gồm Thủ tướng và các Bộ trưởng thành viên Chính phủ là trung tâm. Để đạt được một chính phủ kiến tạo và liêm chính thì phải bắt đầu bằng việc đầu tiên: Chính phủ và các cơ cấu tổ chức của chính phủ cùng các cơ cấu khác của bộ máy nhà nước phải làm những phần việc đúng chức năng vốn có của mình, tức là những nhiệm vụ quyền hạn đã được Hiến pháp và Luật quy định. Chính phủ phải biết phân tích và hoạch định chính sách quốc gia. Đưa các chính sách đó vào trong pháp luật chứa đựng những khuôn khổ thể chế cần thiết để cho công việc làm ăn của người dân ngày một dễ dàng hơn. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản phải được bảo đảm; sự minh bạch phải được tăng cường; các cam kết hợp đồng phải được tôn trọng; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả; cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh tế, cũng như mọi hoạt động khác phải được bảo đảm.
PV: Để đạt được những điều trên, phải cụ thể hóa bằng chương trình hành động như thế nào?
GS.TS Nguyễn Đăng Dung: Đúng là dù chuyển sang cơ chế thị trường nhưng cung cách làm việc vẫn còn quen theo tư duy cũ ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương kiến tạo và liêm chính của Chính phủ. Trong một nền kinh tế thị trường các quy định của các Bộ và cơ quan ngang bộ cần phải giảm bớt, để giành tính chủ động cho người dân và các doanh nghiệp. Mọi chủ thể kinh doanh chỉ cần tuân thủ theo Luật của Quốc hội đã ban hành, cực chẳng đã mới có hướng dẫn kèm theo của các ban ngành của Chính phủ, nhưng phải được sự cho phép của Quốc hội ghi rõ trong văn bản luật. Tránh tình trạng như lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính như Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các nghị định hướng dẫn thực hiện luật DN và luật Đầu tư, việc xóa bỏ các thông tư về điều kiện kinh doanh… đã có nhưng nhưng quá trình triển khai rất chậm, không hiệu quả…
PV: Vậy cần gì để đẩy nhanh “quá trình triển khai rất chậm” như vừa GS nói?
GS.TS Nguyễn Đăng Dung: Tốt nhất là Chính phủ không tham gia vào công việc kinh doanh, tức là “không vừa đá bóng vừa là người thổi còi”. Cần thiết trước tiên phải từ bỏ khái niệm các doanh nghiệp trực thuộc các cơ quan nhà nước, các công ty trực thuộc các bộ. Trong trường hợp còn sự trực thuộc này thì không thể có sự công bằng giữa các chủ thể kinh doanh. Đã từ lâu chúng ta đã đưa ra chủ trương bỏ khái niệm bộ chủ quản. Nhưng cho đến tận hôm nay công việc thực hiện chủ trương này vẫn không tiến triển được bao nhiêu. Các bộ và cơ quan ngang bộ cũng như các cơ quan ban ngành của trung ương đều không muốn bỏ các tổng công ty, công ty, cục, tổng cục trực thuộc, ngược lại các tổng công ty, các công ty, cục, rồi tổng cục đều muốn trực thuộc các bộ ban ngành trung ương để hưởng một sự bao che, bảo trợ nhất định. Cổ phần hóa cũng là một chủ trương đúng để các doanh nghiệp bình đẳng với nhau cũng được tiến hành một cách rất chậm chập. Các cơ quan các tổ chức cứ tầng tầng lớp lớp trực thuộc lẫn nhau. Nếp sống và làm việc theo cơ chế bao cấp, tập trung ảnh hưởng rất lớn làm méo mó thị trường, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể, và lợi ích nhóm có điều kiện sinh sôi nẩy nở.
PV: Làm thế nào để các cấp, các ngành, địa phương thực sự thấm nhuần và thực hành nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo”?
GS.TS Nguyễn Đăng Dung: Việc triển khai Chính phủ kiến tạo và liêm chính lẽ đương nhiên về cơ bản phải được tiến hành bắt đầu từ trung ương, từ Quốc hội cho đến Chính phủ bao gồm cả Thủ tướng và các bộ trưởng bằng các chủ trương chính sách chứa đựng trong các văn bản luật và dưới luật của Quốc hội và Chính phủ. Nhưng chủ thể thực hiện trực tiếp thì lại chủ yếu ở các cơ sở địa phương nhất là các quận, huyện, các ban ngành ở cơ sở nơi trực tiếp với người dân.
Vì vậy vấn đề truyên truyền chủ trương Chính phủ kiến tạo và liêm chính của các phương tiện thông tin đại chúng là rất cần thiết. Trong mọi trường hợp người dân phải biết quyền của mình là gì để đòi hỏi được thực thi thì mới có khả năng đảm bảo được các cơ hội làm giàu của mình.
Xin cảm ơn GS.
Mai Tuân / Ngọc Anh