Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thước đo Chính phủ kiến tạo phát triển (tiếp)

(DS&PL) -

"Trong sạch, liêm chính, không có tham nhũng, lãng phí, thực hiện tốt cải cách hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, lấy sự hài lòng của người dân,

(ĐSPL) – "Trong sạch, liêm chính, không có tham nhũng, lãng phí, thực hiện tốt cải cách hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo năng lực và hiệu quả của Chính phủ" - đó là ý kiến của ông Vương Bình Thạnh – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về “Chính phủ kiến tạo phát triển”.

Nghị quyết số 100/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021” có hiệu lực ngày 18/11/2016 cũng xác định rõ mục tiêu của Chương trình hành động là “Xây dựng Chính phủ kiến tạo hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả; hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.

Phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Vương Bình Thạnh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về thông điệp “Chính phủ kiến tạo phát triển” của Chính phủ, và thực tiễn triển khai chủ trương này ở An Giang.

PV: Nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” trong xây dựng tổ chức bộ máy cần hiểu cụ thể như thế nào trong điều kiện cụ thể tại địa phương ?

Đồng chí Vương Bình Thạnh: Dưới sự chỉ đạo mạnh từ Tỉnh ủy, quyết tâm cao của UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương trong xây dựng và phát triển tỉnh nhà, thời gian qua chính quyền các cấp tỉnh An Giang với vai trò là “người cầm lái con thuyền”, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung xây dựng bộ máy, đào tạo cán bộ công chức cả về chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng trong quản lý hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ, xây dựng các chương trình, kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng xoay quanh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Trong phạm vi thẩm quyền của địa phương, thời gian qua UBND tỉnh đã thực hiện hàng loạt các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, như:

Một là, đối với hoạt động quản lý nhà nước về sản xuất kinh doanh, chính quyền tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Để thực hiện yêu cầu này, địa phương phải đẩy mạnh thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa. Đồng thời, hình thành các tổ chức giúp chính quyền địa phương hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển theo đúng chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Thời gian qua, địa phương đã tiến hành chuyển đổi loại hình Doanh nghiệp nhà nước sang Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Công ty TNHH MTV) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hướng tới An Giang tiếp tục triển khai cổ phần hóa các Công ty TNHH MTV theo đúng lộ trình Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Hai là, đối với hoạt động sự nghiệp dịch vụ công, địa phương sẽ tiến hành đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các sự nghiệp dịch vụ công và giao quyền tự chủ về tổ chức nhân sự, tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành, các cấp ở địa phương, nhằm huy động tối đa sự tham gia mọi nguồn lực vào việc cung cấp các dịch vụ công có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân, đồng thời chính quyền địa phương có điều kiện để tập trung chăm lo cho những vùng khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh, công tác xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công đã được triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, thể dục thể thao, môi trường; tỉnh triển khai thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ; các trường học tư nhân, giáo dục mầm non, các Công ty Môi trường đô thị, các hoạt động du lịch sinh thái miệt vườn ở các địa phương không ngừng phát triển; nhiều loại hình thể dục, thể thao tư nhân được hình thành hoạt động hiệu quả như: sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, các môn cầu lông, bóng bàn, tennis (quần vợt) tạo sân chơi bổ ích rèn luyện sức khỏe cộng đồng, v.v….

Ba là, đối với bộ máy cơ quan hành chính nhà nước địa phương, theo nguyên tắc của Chính phủ kiến tạo phải đảm bảo được tổ chức tinh gọn, chịu sự kiểm tra, giám sát, đánh giá của nhân dân và phải hành động khẩn trương để đáp ứng kịp thời yêu cầu hợp pháp, chính ađáng của nhân dân. Tỉnh đã tập trung rà soát sắp xếp, hợp nhất các tổ chức tư vấn, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn đầu mối, giảm được số lượng biên chế đáng kể, góp phần tiết kiệm chi tiêu cho ngân sách địa phương.

Ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

Để thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Chương trình, Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh An Giang, ban hành nhiều quy định liên quan đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm như: Quy định giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, thành lập Trung tâm tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tỉnh, củng cố nâng chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND cấp huyện, cấp xã; ban hành các Chương trình hành động, các Kế hoạch về nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI), chương trình hành động về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ; Chương trình hành động nâng cao hiệu quả công tác quản trị và hành chính công tỉnh An Giang (Chỉ số PAPI). Theo đó, UBND tỉnh thành lập các Ban chỉ đạo để đẩy mạnh chỉ đạo đối với từng chương trình cụ thể, do Thường trực UBND tỉnh – Trưởng ban trực tiếp điều hành như: Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Ban chỉ đạo PCI, Ban Điều hành PAPI, thành lập Trung tâm Khởi nghiệp tỉnh An Giang; thành lập Ban Hỗ trợ doanh nghiệp, Câu lạc bộ cà phê doanh nhân; tại đây lãnh đạo tỉnh trực tiếp lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp thông tin về những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại An Giang, ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp, qua đó lãnh đạo tỉnh chỉ đạo trực tiếp cho Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành tháo gỡ ngay những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh tại An Giang.

PV: Với cách hiểu trên về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”, đánh giá, nhìn lại thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy của địa phương thời gian qua, Đồng chí đánh giá như thế nào về những mặt còn tồn tại, hạn chế ?

Chủ tịch Vương Bình Thạnh: So với nguyên tắc của Chính phủ “kiến tạo phát triển”, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước các cấp của An Giang còn một số hạn chế sau:

1. Tiến độ cổ phần hóa các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ còn chậm.

2. Việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự đảm bảo chi thường xuyên chưa thật sự quyết liệt. Tuy nhiên, chủ yếu các đơn vị tự chủ được toàn bộ hoặc một phần kinh phí chi thường xuyên, chưa có đơn vị nào tự chủ được kinh phí trong chi đầu tư.

3. Công tác xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp công thực hiện chậm, việc mở rộng mạng lưới trường ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn, qui mô các cơ sở giáo dục ngoài công lập còn nhỏ, chất lượng chưa cao, tỷ lệ học sinh theo học hệ này ở các cấp học còn thấp và chưa đạt kế hoạch, tỉnh chưa có mô hình trường công lập hoạt động tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP, do đó các trường rất lúng túng trong việc huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh trong việc cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục; việc tăng cường nguồn thu của các trường công lập vẫn thực hiện chủ yếu bằng hình thức thu học phí các lớp dạy thêm, học thêm và huy động sự đóng góp của các mạnh thường quân, chưa có mô hình về tổ chức các họat động dịch vụ công có hiệu quả; phong trào xây dựng xã hội học tập còn ít được xã hội quan tâm; các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động kém hiệu quả, một số nơi mang tính hình thức.

4. Tổ chức bộ máy hành chính nhìn chung vẫn còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ vẫn còn trùng lắp, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, vẫn còn tồn tại cùng một vấn đề có nhiều cơ quan quản lý, như quản lý an toàn thực phẩm hiện tại cả 3 ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có chức năng tham gia quản lý trong khi đó thực phẩm bẩn, thực phẩm mất an toàn vẫn là vấn đề dư luận luôn bức xúc.

Nguyên nhân bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh là thời gian qua Chính phủ chưa quy định cơ quan tham mưu giúp Chính phủ quản lý thống nhất về tổ chức bộ máy cơ quan hành chính các cấp (Bộ Nội vụ), vì vậy, Bộ ngành nào cũng ban hành quy định về bộ máy của ngành đó, từ trung ương đến địa phương, dẫn đến tình trạng bộ máy cơ quan hành chính liên tục phình to. Để tránh tình trạng bộ máy hành chính liên tục phình to, đề nghị Chính phủ giao Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý toàn diện về tổ chức bộ máy cơ quan hành chính các cấp, bộ ngành; địa phương muốn mở rộng bộ máy (thành lập thêm đơn vị trực thuộc) đều phải trình Chính phủ quyết định (thông qua Bộ Nội vụ thẩm định).

5. Với nhiều nỗ lực cải cách hành chính thời gian qua, khẳng định chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính địa phương đã cải thiện đáng kể, tuy nhiên, một số thủ tục hành chính người dân, doanh nghiệp vẫn cho rằng còn rườm rà, thời gian giải quyết kéo dài, thủ tục hành chính trễ hạn (đặc biệt lĩnh vực đất đai); sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính để giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp chưa thật sự nhịp nhàng, vẫn còn chi phí không chính thức trong giải quyết thủ tục hành chính, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có thái độ giao tiếp ứng xử chưa tốt, còn có biểu hiện gây khó khăn phiền hà người dân, vi phạm thời giờ làm việc (sử dụng thời giờ làm việc cho việc riêng).

PV: Thời gian tới, căn cứ vào những nội dung trong Nghị quyết 100/NQ-CP, địa phương có xây dựng chương trình hành động riêng, để xây dựng nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”? Nếu có, đơn vị nào sẽ được giao nhiệm vụ chủ trì và dự kiến khi nào sẽ được ban hành ?

Chủ tịch Vương Bình Thạnh: Ngay đầu năm 2017, UBND tỉnh sẽ xây dựng Chương trình hành động của An Giang để thực hiện Nghị quyết 100/NQ-CP của Chính phủ, trong đó, chính quyền các cấp trong tỉnh phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để mọi người dân có cơ hội tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.

Tinh thần Nghị quyết 100/NQ-CP của Chính phủ về “Chính phủ kiến tạo phát triển” sẽ được bổ sung vào Chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh để triển khai thực hiện đồng bộ và “Chính phủ kiến tạo phát triển” cũng dược đưa vào chương trình công tác hàng năm của UBND tỉnh để triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Sở Nội vụ là cơ quan thường trực tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý, điều hành công tác cải cách hành chính, vì vậy, UBND tỉnh tiếp tục giao Sở Nội vụ cơ quan chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Công thương và các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thật sự hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về “kiến tạo phát triển” trên địa bàn tỉnh An Giang.

PV: Trân trọng cám ơn đồng chí.

Tin nổi bật