Nhu cầu mỹ phẩm cũng như các sản phẩm làm đẹp ở Việt Nam ngày càng tăng cao. Thế nhưng, có tới 90% hàng mỹ phẩm trên thị trường là nhập ngoại.
Theo báo cáo của Euromonitor, năm 2016, Việt Nam chi ra 1,2 tỷ USD để nhập khẩu các loại hóa mỹ phẩm làm đẹp trong khi năm 2011 mới chỉ là 500 triệu USD. Dự báo, năm 2018, con số này sẽ đạt mức 2,35 tỷ USD, đồng nghĩa với việc Việt Nam là quốc gia có tỷ suất tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Theo tính toán, cho đến năm 2020, tầng lớp trung lưu là những người chi tiêu mạnh cho mỹ phẩm sẽ gia tăng nhanh chóng, lên con số 33 triệu người. Đánh giá này được nhìn thấy nhờ nền kinh tế phát triển cao với GDP trên 6% và đặc biệt, người trẻ dưới 35 tuổi chiếm trên 60% dân số.
Điều đáng nói, có tới 90% thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam đang thuộc về các nhãn hàng nước ngoài mà trong đó đứng đầu là Hàn Quốc. Theo khảo sát của Mintel, thị phần mỹ phẩm Việt Nam đang thuộc quyền sở hữu của các thương hiệu nước ngoài như Avon, Lancom, Vichy, Oriflame, The Face Shop… 10% còn lại, nằm ở phân khúc bình dân và cấp thấp, là sân chơi của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thị trường mỹ phẩm Việt Nam có 90% là hàng nhập khẩu. |
Nhiều thương hiệu hàng Việt được xuất khẩu ra thế giới nhưng thất bại ngay trên sân nhà. Đa phần các hãng mỹ phẩm nội địa Việt Nam thiên về mảng chăm sóc da với chiết xuất thiên nhiên làm chủ đạo. Một lý do nữa khiến các hãng Việt Nam không nổi trội bằng nước ngoài là do chưa xem trọng khâu quảng cáo – dù đây là điều được các hãng tên tuổi trên thế giới đầu tư khá mạnh.
Đơn cử như Thorakao với sự xuất hiện ổn định ở nhiều thị trường nổi danh khó tính như Nhật, Mỹ, Dubai hay Hàn Quốc.
Tuy vậy, tại thị trường trong nước, thương hiệu Thorakao vang danh năm xưa chỉ còn lưu lại trong ký ức của người Sài Thành. Thiếu hụt cả danh tiếng và hệ thống phân phối, Thorakao không có chỗ đứng trong nhóm khách hàng ở "độ tuổi vàng" - những người trẻ thường xuyên dùng mỹ phẩm.
Mẫu mã không có gì bắt mắt, cộng với việc không có đủ tiềm lực để chi cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo, hoạt động lại chỉ tập trung vào sản xuất rồi xuất khẩu, rất dễ lý giải cho sự xuống dốc của Thorakao. Việc bán hàng trong nước cũng chủ yếu qua kênh online và đại lý phân phối để tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều sản phẩm mỹ phẩm Việt được đầu tư bài bản hơn như thương hiệu Vedette với sự xuất hiện tại các khu trung tâm thương mại. Hãng mỹ phẩm này nổi trội với sản phẩm mặt nạ đắp mặt có chất lượng tốt được nhiều người tin dùng. Ngoài ra, hãng còn nhiều sản phẩm khác như sữa rửa mặt, sữa tắm cũng được khách hàng ưa chuộng.
Ngoài ra, một số sản phẩm hàng Việt được nhiều người phản hồi tốt như mỹ phẩm Lana - doanh nghiệp mỹ phẩm tư nhân đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP do Bộ Y tế công nhận, hay hãng dược phẩm Thái Dương …
Trong ngành hàng tiềm năng với sự phát triển chóng mặt này, rào cản của DN Việt Nam là chưa sản xuất được trọn bộ sản phẩm, tức là chỉ có thể chuyên về một loại sản phẩm như mặt nạ, chăm sóc da, hay trang điểm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt còn yếu về mảng mẫu mã, bao bì sản phẩm – điều mà các doanh nghiệp ngoại có thế mạnh vượt trội. Việc thiết kế bao bì sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị không kém chất lượng sản phẩm.
Nếu khắc phục được các vấn đề cơ bản trên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển trên sân nhà – nơi mà nhu cầu làm đẹp bản thân đang ngày càng được chú trọng như một thói quen của cuộc sống.
Minh Thư (T/h)