Báo Công thương đưa tin, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 21/5 được áp dụng theo phiên điều hành ngày 11/5 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, giá xăng RON 95-III giảm xuống mức 21.000 đồng, giảm 1.320 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 20.130 đồng, giảm 1.300 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel 17.650 đồng/lít, giảm 600 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 17.970 đồng/lít, giảm 550 đồng; dầu mazut giảm 640 đồng, có giá mới là 14.860 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập 300 đồng/lít với xăng E5, RON95 và dầu DO, dầu hỏa, dầu mazut.
Nhà điều hành cũng không chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít với các loại xăng E5 và RON95, trích lập 300 đồng/lít với các mặt hàng dầu.
Như vậy, giá xăng đã giảm lần thứ ba liên tiếp. Đáng chú ý, giá nhiên liệu này đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 tháng. Vào ngày 10/9/2021, xăng E5 RON92 có giá 20.143 đồng/lít, xăng RON95 có giá 21.397 đồng/lít.
Tính từ đầu năm, xăng dầu đã trải qua 14 lần điều chỉnh giá. Trong đó, 7 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên, theo VTCnews.
Giá xăng trong nước có thể tăng trở lại - Nguồn: VTCnews.
Được biết, trước diễn biến giá xăng giảm sốc tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 11/5 vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có đơn gửi Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành Nghị định về xăng dầu. Nhóm này cho biết hầu hết doanh nghiệp đang rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng, việc kinh doanh bấp bênh kéo dài vì những bất cập tại Nghị định 95/2021.
Cụ thể, các chủ cây xăng cho rằng Nghị định 95 được xây dựng trên cơ sở có lợi cho doanh nghiệp đầu mối. Trong quá trình xây dựng Nghị định, doanh nghiệp bán lẻ không được mời tham gia góp ý dù họ là thành phần rất lớn tham gia thị trường, đồng thời doanh nghiệp bán lẻ bị coi nằm trong hệ thống của doanh nghiệp đầu mối.
Doanh nghiệp bán lẻ dẫn chứng, đợt giảm giá ngày 11/5 vừa qua, giá xăng giảm 1.300 đồng/lít thì trước đó, doanh nghiệp đầu mối tăng chiết khấu lên 1.000 - 1.200 đồng/lít để xả hàng giảm lỗ và gọi điện kêu mua hàng để giảm lỗ. Khi giá có xu hướng điều chỉnh tăng thì họ giảm chiết khấu xuống xấp xỉ 0 đồng và tiến hành bán hạn chế, bán theo tiến độ, thậm chí thông báo hết hàng. Nhưng ngay sau khi điều chỉnh tăng giá xong, được hưởng chênh lệch thì báo có hàng và bán tự do.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán lẻ không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức đáng được hưởng, vì trong Nghị định 95 quy định không rõ ràng, không ghi cụ thể tỷ lệ phân chia.
Một bất cập nữa là Nghị định cho phép nhà cung cấp (thương nhân phân phối) lấy hàng nhiều nơi đổ cùng một bồn để bán nhằm quản lý được chất lượng, trong khi doanh nghiệp bán lẻ không được phép lấy hàng từ nhiều nguồn vì sợ không đảm bảo chất lượng, theo báo Dân trí.
Phương Linh (T/h)