Đóng

Cất bằng kỹ sư IT về quê chăn lợn, trai Thái Nguyên bị cả làng chê "gàn dở" và cái kết choáng váng

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Tạm gác lại tấm bằng kỹ sư Công nghệ thông tin và những cơ hội làm việc nơi thành thị, anh Nguyễn Quốc Hoàng quyết định trở về quê nhà ở Thái Nguyên để khởi nghiệp với... đàn lợn rừng.

Tạm gác lại tấm bằng cử nhân ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên và những ngã rẽ công việc khác nhau, anh Nguyễn Quốc Hoàng đã quyết định lựa chọn một con đường riêng, trở về quê hương tại xã Yên Trạch, tỉnh Thái Nguyên mới (trước sáp nhập tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Thái Nguyên, xã Yên Trạch thuộc huyện Phú Lương) để khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Giờ đây, anh được biết đến với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tiên Phong, một mô hình kinh tế xanh đang ngày càng khẳng định được giá trị.

Anh Nguyễn Quốc Hoàng cất bằng kỹ sư IT về quê khởi nghiệp nuôi lợn. Ảnh: Dân Việt 

Khởi điểm khác biệt

Khởi điểm của anh Hoàng không giống với nhiều hộ chăn nuôi đặt lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu. Anh đến với mô hình nuôi lợn rừng xuất phát từ một mong muốn giản dị nhưng đầy tâm huyết: tạo ra nguồn thực phẩm sạch và an toàn trước hết là cho chính gia đình mình. Anh chân thành chia sẻ trên báo Dân Việt: “Triết lý của tôi rất đơn giản. Mình ăn phải ngon trước đã. Khi mình thấy yên tâm, khỏe mạnh với sản phẩm mình làm ra thì mới tự tin nghĩ đến việc bán ra bên ngoài.”

Với tâm niệm đó, cách đây hơn 6 năm, anh Hoàng đã bắt tay vào gầy dựng đàn lợn rừng đầu tiên ngay trong khu vườn rộng rãi được rào chắn cẩn thận của gia đình. Toàn bộ quy trình chăn nuôi được anh thiết kế một cách tỉ mỉ, chú trọng vào việc tái tạo môi trường sống gần nhất với tự nhiên. Con giống được anh tuyển chọn kỹ càng từ một HTX chăn nuôi uy tín tại xã Phủ Lý (huyện Phú Lương) với giá khoảng 1,5 triệu đồng mỗi con. Ban đầu, lợn được nuôi nhốt trong chuồng để tiện chăm sóc, nhưng khi đạt trọng lượng từ 25-30kg, chúng sẽ được thả ra vườn để tự do chạy nhảy, đào bới và kiếm ăn.

Lợn rừng được anh Hoàng thả vườn rộng. Ảnh: Dân Việt 

Điểm khác biệt lớn nhất trong mô hình của anh Hoàng nằm ở chế độ dinh dưỡng “nói không với cám công nghiệp”. Ở giai đoạn đầu, lợn được ăn cám ngô, cám gạo kết hợp một lượng rất nhỏ cám công nghiệp để đảm bảo cứng cáp và hình thành hệ miễn dịch tốt. Tuy nhiên, khi lợn đạt ngưỡng 20-25kg, anh Hoàng cắt hoàn toàn cám công nghiệp và chuyển sang 100% thức ăn tự nhiên, bao gồm cám mạch, bỗng rượu, chuối và các loại rau củ.

Đặc biệt, anh còn tự tay nghiền nhỏ các loại thảo dược để trộn vào thức ăn, giúp tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi một cách tự nhiên. “Khi vật nuôi được nuôi bằng thức ăn sạch, kết hợp với thảo dược, sức khỏe rất tốt, gần như không bị bệnh,” anh khẳng định.

Nhờ quy trình chăm sóc khoa học và thuận tự nhiên, HTX của anh Hoàng duy trì đàn lợn ổn định, xuất chuồng khoảng 30-40 con mỗi năm theo hình thức gối đầu, đảm bảo nguồn cung luân phiên. Chất lượng thịt lợn rừng của anh được người tiêu dùng đánh giá cao vì thịt chắc, thơm ngon và ít mỡ. Sản phẩm có giá bán ổn định quanh năm, dao động từ 110.000 – 120.000 đồng/kg hơi cho khách lẻ và 100.000 đồng/kg cho khách buôn.

Niềm tin vào tương lai

Thông tin trên Báo Thái Nguyên, không chỉ dừng lại ở việc chăn nuôi lợn rừng, Giám đốc Nguyễn Quốc Hoàng còn phát triển HTX Nông nghiệp Tiên Phong theo hướng đa ngành, xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp gắn liền với dược liệu. Hiện tại, HTX đang trồng và chế biến các loại cây quý như trà mướp đắng (khổ qua), ba kích, khôi nhung, cà gai leo. Các loại cây này sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, phơi sấy và đóng gói thành dạng trà thảo dược hoặc cao uống tiện lợi, phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ngoài chăn nuôi lợn rừng, anh Hoàng còn trồng mướp đắng rừng để chế biến ra sản phẩm trà mướp đắng rừng. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Một hướng đi mới đầy tiềm năng cũng đang được anh Hoàng triển khai là mô hình nuôi đuông dừa. Đây là một loại côn trùng giàu dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng, có quy trình nuôi đơn giản bằng xơ dừa sạch, lớn nhanh và dễ tiêu thụ. Dù mới triển khai chưa lâu, mô hình này đã bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, mở ra một cơ hội mới cho sự phát triển của HTX.

Nhìn xa hơn, anh Hoàng đang ấp ủ kế hoạch phát triển thêm mô hình nuôi gà thả vườn bằng nguồn thức ăn hoàn toàn tự nhiên. Điểm đặc biệt của kế hoạch này là HTX sẽ tự sản xuất giun quế – một loại thức ăn cực kỳ giàu đạm – để cung cấp cho đàn gà, kết hợp với các loại thảo dược.

Anh tin rằng, phương pháp này không chỉ giúp gà phát triển khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm thịt sạch với hương vị khác biệt. Anh đúc kết: “Giun quế và thảo dược đều là những thứ mình tự làm, đảm bảo an toàn. Khi mình kiểm soát được nguồn đầu vào thì chất lượng đầu ra sẽ khác biệt.”

Tin nổi bật