Đóng

Bỏ việc lương cao về quê nuôi loài ưa sạch sẽ, thích ăn cháo đầu gà, 9X lãi mỗi năm đến nửa tỷ

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Từ bỏ công việc văn phòng lương cao ở thành phố để về quê nuôi loài ưa sạch sẽ, thích ăn cháo đầu gà, 9X lãi mỗi năm 400 - 500 triệu đồng tiền lãi.

Tốt nghiệp chuyên ngành tài chính ngân hàng và có một công việc ổn định với mức thu nhập đáng mơ ước, nhưng cuộc sống văn phòng không thể níu chân anh Huỳnh Viên Mãn (SN 1994, ở TP.Đà Nẵng). Tự nhận mình là người có "máu chạy", không thích sự gò bó trong một khuôn khổ nhất định, anh Mãn đã quyết định từ bỏ tất cả để tìm một hướng đi mới đầy táo bạo.

Anh Huỳnh Viên Mãn bỏ phố về quê nuôi chồn. Ảnh: Dân trí 

Hành trình khởi nghiệp "ba phen bốn bận"

Năm 2016, qua tìm hiểu trên Internet, anh Mãn bị thu hút bởi mô hình nuôi cầy hương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh quyết định đầu tư nuôi thử vài cặp giống. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm thực tế, việc chăn nuôi không mấy tiến triển, buộc anh phải rã đàn trong tiếc nuối.

Thất bại không làm anh nản chí. Theo báo Dân trí, với khát khao học hỏi, anh Mãn đã không quản ngại đường xa, lặn lội vào các tỉnh thành phía Nam để trực tiếp tham quan những cơ sở nuôi cầy hương thành công, từ đó học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm nguồn con giống chất lượng.

Đến năm 2018, sau khi được các cơ quan chức năng cấp phép và tích lũy đủ kiến thức, anh Mãn tự tin khởi nghiệp lại. Lần này, anh xây dựng mô hình một cách bài bản, vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn. "Kiến thức sách vở là một chuyện, nhưng khi đưa vào thực hành lại là vấn đề khác. Từ khí hậu, nguồn nước cho đến kỹ thuật phối giống sao cho hiệu quả cao… tất cả đều là trở ngại. Tôi cũng đã 'ba phen bốn bận' trầy trật mới có được thành quả như ngày hôm nay," anh Mãn tâm sự.

Chuồng nuôi chồn sinh sản được làm theo dãy dài, chia ra thành nhiều ô nhỏ. Ảnh: Dân trí 

Từ một trại nuôi ban đầu, đến nay anh đã hợp tác cùng một người bạn mở rộng quy mô lên đến 6 khu chuồng trại, chuyên cung cấp con giống và thịt thương phẩm.

Theo anh Mãn, để nuôi cầy hương hiệu quả, người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về kỹ thuật và đầu tư bài bản.

Chuồng được thiết kế dạng lồng sắt, cao khoảng 70cm, rộng từ 1m² trở lên tùy vào giai đoạn phát triển. Toàn bộ lồng được đặt trên giá đỡ cách mặt nền 1 - 1,5m để đảm bảo thông thoáng và dễ dàng vệ sinh. Trang trại của anh còn được trang bị camera theo dõi, máy đo nhiệt độ và hệ thống nước uống tự động. Các khu được phân chia rõ ràng khu nuôi cá thể, khu nuôi cặp "vợ chồng", và khu chăm sóc chồn sơ sinh.

Lãi nửa tỷ mỗi năm

Anh Mãn chia sẻ trên báo VietNamnet, khó khăn lớn nhất khi nuôi cầy hương là chúng không có thuốc đặc trị khi bị ốm. Vì vậy, công tác phòng bệnh là ưu tiên số một. Chuồng trại phải luôn sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, được khử trùng và rải vôi hàng tuần. "Người chăm sóc phải am hiểu đặc tính của loài, thậm chí biết được 'cá tính' của từng con để có chế độ chăm sóc riêng, từ chồn con, chồn sinh sản cho đến những con biếng ăn," anh cho biết.

Thức ăn chủ yếu, yêu thích của chồn hương là chuối chín, cá tươi, cháo đầu gà...Ảnh: VietNamnet 

Cầy hương là loài ngủ ngày, ăn đêm. Mỗi ngày, anh Mãn chỉ mất khoảng một tiếng vào lúc 19h để cho chúng ăn. Thức ăn yêu thích chủ yếu gồm chuối chín, cá tươi, cháo đầu gà... Khẩu phần được điều chỉnh tùy theo giai đoạn phát triển để chồn tăng trọng nhanh, thịt săn chắc và lông mượt. Chi phí thức ăn trung bình chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/con/ngày.

Thịt chồn hương đã trở thành đặc sản được nhiều nhà hàng, thực khách trên cả nước săn đón, khiến nguồn cung luôn không đủ cầu. Giá thịt thương phẩm dao động từ 1,4 - 1,5 triệu đồng/kg. Con giống có giá từ 8 - 12 triệu đồng/cặp tùy trọng lượng. Để đạt trọng lượng xuất chuồng (2,5 - 4kg), một con chồn non cần được chăm sóc trong khoảng 10 - 12 tháng.

Vào thời kỳ cao điểm, tổng đàn của trang trại anh Mãn lên đến 300 - 350 con. Trung bình mỗi năm, mô hình này mang về cho anh doanh thu gần 800 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí, anh lãi khoảng 400 - 500 triệu đồng.

Chia sẻ về dự định tương lai, anh Mãn cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đàn. Đồng thời, anh dự định tận dụng đất trống trong trang trại để trồng chuối, chủ động nguồn thức ăn sạch cho vật nuôi. Anh cũng bày tỏ sự sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật cho những bạn trẻ có cùng đam mê muốn khởi nghiệp với mô hình độc đáo này.

Tin nổi bật