Ngày 20/1, thông tin từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), khoảng thời gian từ 1/10 năm 2024 đến nay đã xảy ra 30 vụ trộm cắp tài sản trên tàu bay, trong đó có sự tham gia của 33 đối tượng quốc tịch nước ngoài (Tân Sơn Nhất 22 vụ/25 đối tượng; Đà Nẵng 8 vụ/8 đối tượng).
Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, hoạt động trộm cắp trên tàu bay của các đối tượng nước ngoài đang có dấu hiệu gia tăng về số lượng vụ việc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của hành khách. Điều này không chỉ tạo ra sự bức xúc trong dư luận mà còn làm suy giảm uy tín của các hãng hàng không cũng như vị thế của Việt Nam như một điểm đến an toàn và thân thiện đối với bạn bè quốc tế.
Hoạt động trộm cắp trên tàu bay lâu nay chủ yếu xử lý hành chính, chưa xử lý hình sự để đảm bảo răn đe. Nguyên nhân do đặc điểm “địa bàn” đặc thù trên tàu bay nên việc thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ ban đầu khó khăn; tâm lý e ngại, thậm chí không hợp tác của người bị hại và người làm chứng với cơ quan chức năng (đang trên hành trình du lịch, công tác…). Đối tượng phạm tội là người nước ngoài, hoạt động có tổ chức, ngoan cố không chịu khai báo.
Với tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và quyết tâm tấn công, trấp áp tội phạm, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động báo cáo đề xuất và được lãnh đạo Bộ đồng ý giao cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi trộm cắp trên tàu bay, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ tài sản của nhân dân.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chỉ đạo Phòng nghiệp vụ triển khai các biện pháp, công tác nghiệp vụ, rà soát, phát hiện hàng trăm đối tượng người nước ngoài có các dấu hiệu nghi vấn hoạt động trộm cắp trên tàu bay; phạm vi hoạt động của các đối tượng này không chỉ tập trung trên các tuyến bay đến/đi Việt Nam mà cả các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á.
Thủ đoạn hoạt động phạm tội cũng rất tinh vi, hoạt động theo nhóm, có sự phân công nhiệm vụ giữa các đối tượng (trộm cắp tài sản, tẩu tán, che giấu tài sản bị đánh cắp).
Đặc biệt, các đối tượng thường xuyên nhập, xuất cảnh Việt Nam với tần suất dày đặc (lên tới hàng trăm lượt/1 năm, xuất và nhập cảnh trong 1-2 ngày); thay đổi chặng bay, hãng bay liên tục, quốc tế kết hợp với các chặng bay nội địa (Tân Sơn Nhất - Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất Cam Ranh, Nội Bài - Đà Nẵng, Nội Bài - Cam Ranh….).
Các đối tượng còn đặt vé sát ngày bay, không có hành lý ký gửi; chọn vị trí ghế ngồi thuận lợi để thực hiện hành vi vi phạm; một số trường hợp mua vé hạng thương gia để trộm cắp tài sản có giá trị cao trong hành lý xách tay đựng trên hộc đựng hành lý.
Trên cơ sở điều tra, nắm bắt được quy luật hoạt động của các đối tượng, Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ, phòng ngừa, đấu tranh với đối tượng trộm cắp trên tàu bay.
Trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán 2025 (từ ngày 20 đến 27/12/2024), Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng bắt giữ 4 đối tượng là người nước ngoài đang thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của hành khách trên tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận định, đây là loại tội phạm mới, lần đầu tiên Cục tiến hành khởi tố và xử lý hình sự. Cục khuyến cáo hành khách cần nâng cao cảnh giác khi đi máy bay, đặc biệt là với các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng trộm cắp. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, hành khách cần chủ động tố giác tội phạm với cơ quan chức năng để góp phần đảm bảo an ninh, trật tự và bảo vệ tài sản cá nhân.