Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là “hiện tượng” của năm 2024 với điểm chuẩn tăng vọt. Từ 19 điểm (năm 2022), tăng lên 26,99 điểm (năm 2023) và 27,43 điểm (năm 2024) với các tổ hợp môn M01, M02, M03, M07 kết hợp giữa môn thi tốt nghiệp THPT và điểm thi năng khiếu. Đây là mức điểm cao hiếm thấy ở một trường địa phương.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội giữ vững vị thế là cơ sở đào tạo uy tín với điểm chuẩn tăng đều qua từng năm từ 22,08 (năm 2022) lên 22,25 (năm 2023) và đạt 23,43 (năm 2024) theo khối M00 (toán, văn, môn năng khiếu).
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng luôn duy trì mức điểm cao. Năm 2022, điểm chuẩn đạt 33,43/40, tương đương khoảng 8,35 điểm/môn. Sau khi chuyển sang thang 30, trường vẫn giữ vững sức cạnh tranh với 23,75 điểm (năm 2023) và 25,73 điểm (năm 2024).
Điểm chuẩn ngành giáo dục mầm non biến động mạnh trong 3 năm, tăng "sốc". Ảnh minh họa
Trường Đại học Hùng Vương cũng tạo cú bứt phá ngoạn mục. Điểm chuẩn năm 2022 là 26, sang 2023 tăng mạnh lên 31,9 và đạt tới 33,47 vào năm 2024 theo thang điểm 40. Với mức này, thí sinh phải đạt trung bình 8,36 điểm/môn mới đủ cơ hội trúng tuyển.
Tại khu vực miền Nam, Trường Đại học Sư phạm TPHCM ghi nhận mức tăng ấn tượng, từ 20,03 điểm (năm 2022) lên 24,21 điểm (năm 2023) và 24,24 điểm (năm 2024). Sức cạnh tranh tại trường ngày càng cao khi mức chuẩn tiệm cận ngưỡng 8 điểm/môn.
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là một trong những trường nổi bật với sự thay đổi thang điểm từ 40 sang 30. Năm 2022, trường xét tuyển 30,12 điểm/40, tương đương khoảng 7,53 điểm/môn. Sang năm 2023, điểm chuẩn tăng lên 23 điểm và tiếp tục đạt 24,45 điểm năm 2024.
Trường Đại học Hải Dương cũng ghi nhận mức tăng mạnh, từ 19 điểm năm 2023 lên 26,4 điểm năm 2024. Nhóm các trường địa phương như Đồng Tháp, Quảng Nam, Quảng Bình, Đồng Nai, Tây Bắc, Kiên Giang cũng có bước tăng đáng kể.
Trường Đại học Đồng Tháp từ 19 điểm (năm 2022) lên 23,23 (năm 2023) và 25,8 (năm 2024). Trường Đại học Quảng Nam cũng tăng từ 19 lên 24,26 trong cùng giai đoạn.
Nhìn chung, điểm chuẩn ngành giáo dục mầm non ngày càng cao, đặc biệt ở nhóm trường top đầu, thí sinh cần trung bình từ 8-9 điểm/môn mới có cơ hội trúng tuyển, báo Dân trí đưa tin.
VnExpress dẫn thông tin từ Bộ GD&ĐT cho hay, em Nguyễn Lương Thái Duy, lớp 11, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, giành huy chương vàng duy nhất cho đoàn Việt Nam tại Olympic Sinh học quốc tế, lọt top 7 trong gần 300 thí sinh.
Ngoài Duy, hai em khác giành huy chương bạc, gồm Nguyễn Hữu Thành (Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) và Bùi Hoàng Đại Dương (Trường THPT chuyên Quốc học, TP.Huế). Lê Hoàng Kiều Anh (Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam) giành huy chương đồng. Cả ba đang học lớp 12.
Đội tuyển IBO 2025 (từ trái sang): PGS.TS. Đinh Đoàn Long (trưởng đoàn); các học sinh Nguyễn Lương Thái Duy, Nguyễn Hữu Thành, Bùi Hoàng Đại Dương, Lê Hoàng Kiều Anh; PGS.TS Lê Thị Phương Hoa, Phó Trưởng đoàn. Ảnh: MOET
Theo Bộ GD&ĐT, đoàn Việt Nam nằm trong nhóm 10/81 quốc gia và vùng lãnh thổ có tổng điểm cao nhất. Năm ngoái, Việt Nam đứng hạng 3 với ba huy chương vàng, một huy chương bạc.
Olympic Sinh học quốc tế (IBO) lần thứ 36 diễn ra từ ngày 19 đến 27/7 tại Philippines với gần 300 thí sinh. Các em trải qua hai ngày thi. Ngày thi lý thuyết gồm hai bài, mỗi bài 180 phút với tổng 85 câu hỏi, xoay quanh các vấn đề toàn cầu như ô nhiễm môi trường, tăng trưởng xanh, trung hòa carbon, chống biến đổi khí hậu, phòng bệnh cộng đồng, chẩn đoán và điều trị một số bệnh cơ bản theo nguyên lý y học chính xác.
Ở ngày thi thực hành, thí sinh làm bốn bài, ở 4 phòng thí nghiệm. Các chủ đề gồm y sinh học, sinh học phân tử và tế bào, sinh thái và hệ thống học, vi sinh vật học. Do cần thời gian chuẩn bị mẫu vật, thiết bị, các thí sinh thi thực hành liên tục trong 12 tiếng, từ trưa ngày 22 tới 0h30 ngày 23/7.
IBO được coi là kỳ thi hàng đầu về khoa học tự nhiên cấp THPT trên thế giới, đòi hỏi kiến thức tổng hợp về Toán, Lý, Hóa, Sinh, môi trường cùng các kỹ năng thí nghiệm cơ bản, trải rộng từ cấp phân tử, cơ thể tới hệ sinh thái và toàn sinh quyển.
Bộ GD&ĐT đánh giá kết quả IBO thể hiện hướng đi đúng đắn trong phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học.
Báo Lao động dẫn thông tin từ báo cáo của UBND TPHCM về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 và công tác chuẩn bị cho năm học 2025-2026 cho hay, năm học tới, TP.HCM có tổng 2.528.789 học sinh (tăng 39.632 học sinh so với năm học trước).
Trong đó, mầm non có 478.458 học sinh; tiểu học có 939.002 học sinh; THCS có 759.278 học sinh; THPT có 352.051 học sinh.
Dự kiến năm học 2025-2026, toàn thành phố sẽ đưa vào sử dụng 1.287 phòng học mới từ nguồn vốn ngân sách.
Trước đó, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM năm học 2025-2026.
Trong đó quy định, năm học 2025-2026, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở TP.HCM sẽ có 9 khoản thu như sau:
Trong đó: Nhóm 1: Trẻ em, học sinh, học viên học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn phường.
Nhóm 2: Trẻ em, học sinh, học viên học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã, đặc khu.
Các mức thu quy định tại nghị quyết này là mức thu tối đa. Tùy tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục thống nhất với phụ huynh học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại nghị quyết và không được cao hơn 15% so với năm học liền kề trước đó.
Các cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh để xây dựng dự toán thu - chi cho từng nội dung thu, làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi đủ, phù hợp với tình hình thực tế năm học trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc sử dụng các khoản thu phải đúng mục đích thu, công khai kế hoạch thu - chi của từng khoản thu đến cha mẹ học sinh trước khi tổ chức thực hiện và thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.