Báo VietNamnet dẫn lời ThS Phạm Thanh Hà, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương cho hay, chiến lược lựa chọn và đặt nguyện vọng xét tuyển đại học là rất quan trọng.
Theo bà Hà có 3 nguyên tắc.
Trước hết, khi đặt nguyện vọng trên Hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT, có thể chia làm 3 nhóm nguyện vọng. Thứ nhất là nhóm nguyện vọng an toàn, có thể đặt 3 nguyện vọng. “Chúng ta có thể xem qua những ngành/chương trình nào mà trong những năm trước có điểm chuẩn xét tuyển thấp hơn so với mức điểm mà mình có”, bà Hà nói về nhóm nguyện vọng an toàn.
Thứ hai là nhóm nguyện vọng ở mức mục tiêu, ‘vừa sức’ với tổng điểm mà mình có. Ở nhóm này, các thí sinh có thể đăng ký 3 nguyện vọng hoặc nhiều hơn.
Thứ ba là nhóm nguyện vọng ‘mơ ước’, có thể 3-4 nguyện vọng vào những ngành/trường mà có điểm chuẩn năm ngoái có thể hơi cao hơn một chút so với mức điểm chúng ta có.
Ngoài ra, theo bà Hà, khi đặt nguyện vọng trên Hệ thống xét tuyển, thí sinh lưu ý đừng giới hạn, chọn quá ít nguyện vọng. “Bởi Hệ thống của Bộ không giới hạn số lượng nguyện vọng mà quan trọng chúng ta thấy phù hợp”, bà Hà nói.
Chuyên gia chỉ chiến lược đặt nguyện vọng đại học 2025. Ảnh minh họa
Đặc biệt, theo bà Hà, điều quan trọng là thí sinh hãy đặt nguyện vọng theo thứ tự yêu thích của thí sinh. “Tức các em yêu thích nguyện vọng nào nhất thì hãy đặt lên trên cùng, rồi lần lượt theo mức độ yêu thích giảm dần. Bởi hệ thống sẽ xét lọc từ trên xuống dưới”, bà Hà khuyên.
Nguyên tắc cuối cùng là thí sinh không nên chỉ tập trung vào một trường. “Ví dụ, thí sinh yêu thích khối ngành kinh tế - kinh doanh, có thể đặt nguyện vọng vào các ngành của Trường Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính,...”, bà Hà nói và cho rằng chiến lược đăng ký có thể giúp các thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển trong mùa tuyển sinh năm 2025.
Đoàn học sinh Việt Nam xuất sắc đạt 6 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 1 giải đặc biệt trong cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng tạo Thế giới (WICO 2025) ngày 19/7 tại Seoul, Hàn Quốc.
Theo báo Dân trí, năm 2025, đoàn Việt Nam tham dự với quy mô kỷ lục gồm 70 đội thi đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các đề tài đều thể hiện tinh thần sáng tạo, khả năng ứng dụng và ý thức trách nhiệm với cộng đồng của thế hệ trẻ Việt Nam.
Trong số 70 đội thi đại diện Việt Nam, nhiều nhóm đã xuất sắc đạt thành tích cao. Đặc biệt, các nhóm học sinh tiêu biểu đã được vinh danh với những giải thưởng quan trọng, thể hiện năng lực nổi bật trong tư duy sáng tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, giải vàng được trao cho các nhóm: NCKH06 gồm Nguyễn Lê Diệu Thư, Lê Nhật Hiển, Vũ Quang Hải và Nguyễn Hoàng Chí Bách; NCKH08 gồm Nguyễn Chấn Nam, Lê Nam Khánh, Bùi Minh Đức, Lê Minh Tuấn và Đặng Chí Hiếu; NCKH09 gồm Châu Hồng Nhật Linh, Trần Gia Minh Tâm và Chu Hoàng Châu Anh; NCKH12 gồm Nguyễn Thế Song Hà, Ngô Trí Dũng, Phạm Đức Anh, Hoàng Tùng Thư và Quách Duy Đạt; NCKH13 gồm Đoàn Trần Anh Nghi, Nguyễn Vũ Trúc Khuê và Vũ Khánh Linh; và NCKH16 gồm Vũ Anh Đức, Bùi Quang Minh và Vũ Đức Minh.
Giải bạc được trao cho các nhóm: NCKH05 với các thành viên Thiều Phương Linh, Phạm Đình Bảo Phúc, Phùng Uyển Phương và Phạm Minh Hùng; NCKH14 gồm Hoàng Minh Anh, Nguyễn Hùng Lân và Phạm Vũ Minh; cùng nhóm NCKH15 gồm Lê Lâm Nguyên, Ngọc Linh và Phạm Minh Thư.
Đặc biệt, nhóm NCKH06 không chỉ đạt giải vàng mà còn được trao thêm giải đặc biệt từ Hội đồng chuyên môn nhờ tính đột phá và khả năng ứng dụng thực tiễn cao trong đề tài nghiên cứu.
Các đội thi Việt Nam đã được tuyển chọn và đào tạo nghiêm túc từ trong nước. Những thành tích đạt được tại WICO 2025 không chỉ là niềm tự hào mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế cho học sinh Việt Nam trong hành trình phát triển khoa học và công nghệ bền vững trong tương lai.
Mới đây, báo Thanh niên đưa tin, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) tổ chức họp hội đồng khoa học đào tạo thẩm định 6 chương trình đào tạo thạc sĩ y khoa của Trường Đại học Y dược VNU.
Các chương trình được nhà trường xây dựng theo định hướng ứng dụng kết hợp giữa lý thuyết chuyên sâu và thực hành lâm sàng, đáp ứng nhu cầu đào tạo đối với các chuyên ngành quan trọng trong lĩnh vực y khoa.
GS Lê Ngọc Thành (phải), Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược VNU, trao bằng thạc sĩ cho các học viên chương trình thạc sĩ y khoa. Ảnh: Thanh niên
Theo đề án đào tạo của 6 chương trình thạc sĩ mới, đây là những chương trình thạc sĩ chuyên ngành được mở trên cơ sở 2 chương trình thạc sĩ nội khoa và thạc sĩ ngoại khoa đã được phê duyệt.
Trong đó, các chuyên ngành nội khoa gồm: nội tiêu hoá; nội thần kinh; hồi sức cấp cứu và chống độc; truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới. Các chuyên ngành ngoại khoa gồm: ngoại tiết niệu và y học giới tính; phẫu thuật tạo hình, tái tạo và thẩm mỹ.
Hội đồng thống nhất thông qua các chương trình với một số điều chỉnh, bổ sung nhằm nâng cao tính khả thi và chất lượng đào tạo. Các chương trình thạc sĩ mới sẽ được tuyển sinh từ tháng 10.2025
Như vậy, từ tháng 10 tới, Trường Đại học Y dược VNU sẽ đào tạo 18 chương trình thạc sĩ và 13 chương trình bác sĩ nội trú.
Hiện nay, quy mô tuyển sinh sau Đại học của Trường Đại học Y dược VNU thuộc diện cao nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây cũng là trường đạt tỷ trọng đào tạo sau Đại học cao nhất trong các trường Đại học của cả nước (đạt 550 chỉ tiêu sau Đại học năm 2025 so với 720 chỉ tiêu Đại học).