Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cần tiêm vaccine ngừa COVID-19 để phòng tránh hội chứng MIS-C nguy hiểm tới tính mạng con trẻ

(DS&PL) -

Việc nhiều phụ huynh còn chậm chễ trong việc đăng ký, cũng như triển khai tiêm vaccine khiến sức khỏe con trẻ bị đe dọa bởi dịch COVID-19 đang có dấu hiệu phức tạp trở lại vì 2 biến thể mới nguy hiểm vừa xuất hiện.

Trước tình trạng một số địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 thấp trong khi xuất hiện biến thể COVID-19 mới, PV Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương để làm rõ các thông tin về biến chủng mới này, cũng như nguy cơ nếu thiếu tiêm vaccine không đủ liều khi mắc các biến thể của COVI-19 đối với trẻ nhỏ.

PGS.TS.Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

PV: Xin chào PGS.TS.Trần Minh Điển, với kinh nghiệm lâm sàng, ông đánh giá như thế nào về sự nguy hiểm của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, đặc biệt với trẻ em? Biến thể phụ mới BA.4, BA.5 có nguy cơ như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Minh Điển: Theo các dữ liệu này được công bố trên hai kho dữ liệu mở y sinh lớn nhất thế giới là Biorxiv và Medrxiv vào ngày 1/5 và 23/5, những biến chủng BA.4, BA.5 có khả năng né tránh các kháng thể do BA.1/BA.2 (các dòng phụ của biến chủng Omicron cũ) tạo ra. Khả năng né tránh này ở những người có kháng thể do BA.1/BA.2 mà chưa tiêm chủng là 7 lần và ở những người đã tiêm chủng là 2-3 lần.

Báo cáo trên Nature cho biết thêm, nếu sau tiêm chủng mà vẫn nhiễm BA.1 thì miễn dịch tạo ra được theo kiểu nhiễm các dòng virus hoang dã. Các dòng phụ mới (BA4/BA5) của biến chủng Omicron hoàn toàn có thể né tránh.

Tỉ lệ trẻ em Việt Nam chiếm khoảng 25-27% dân số. Theo Cục Y tế dự phòng, tỉ lệ mắc của trẻ em trong thời gian qua, từ lúc bắt đầu dịch đến giờ, cũng tương đương với tỉ lệ mắc trên người lớn, tức là khoảng 20-25% trẻ em mắc COVID-19. Tuy nhiên, trẻ em là nhóm yếu thế, dễ mắc hơn do ý thức tự phòng người kém hoặc không tự thực hiện được, đặc biệt đối với nhóm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

PV: Thưa ông, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em trong thời điểm hiện nay, nhất là trong bối cảnh xuất hiện các biến thể mới như BA.4 và BA.5 cần thiết thế nào?

PGS.TS Trần Minh Điển: Mức độ tỷ lệ kháng thể SARS-CoV-2  trong huyết thanh đặc biệt là do tiêm chủng có ảnh hưởng và tác động đến các biến chủng BA.4 và BA.5: 

- Theo báo cáo từ MedRxiv vào tháng 5, người đã có kháng thể BA.1 (đã nhiễm Omicron dòng phụ cũ) có tiêm vắc xin có khả năng trung hòa BA.4 và BA.5 cao gấp 5 lần người  có kháng thể BA.1 mà chưa tiêm vắc xin.

- Có bằng chứng tiêm đủ mũi tăng cường sẽ cung cấp đủ kháng thể trung hòa chống lại BA.4/BA.5 và BA.2.12.1.

Do vậy, người lớn cũng như trẻ em cần được tiêm phòng COVID-19. Tiêm theo lịch hướng dẫn của Bộ Y tế, sẽ giúp trẻ em có kháng thể chống đỡ được vi rút SARS-CoV-2. Giúp cho trẻ tham gia được các hoạt động ở trường, cộng đồng, giúp giảm bớt nguy cơ lan truyền sang người già và trẻ nhỏ chưa được chỉ định tiêm (trẻ dưới 5 tuổi). Tiêm Vx ngừa COVID-19 ở trẻ nhỏ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc, giảm nguy cơ bệnh nặng, và đặc biệt giảm nguy cơ mắc MIS-C (một biến chứng nguy hiểm nếu trẻ em mắc COVID-19).

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 giúp trẻ em có tác dụng giảm nguy cơ mắc, giảm nguy cơ bệnh nặng và đặc biệt giảm nguy cơ mắc MIS-C. Ảnh minh họa

PV: PGS có thể chia sẻ thêm việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 có ý nghĩa như thế nào với nhóm nguy cơ mắc MIS-C?

PGS.TS Trần Minh Điển: Cần phải nói rõ, hội chứng MIS-C là hội chứng viêm đa cơ quan. Hiện tại, bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 5-7 trường hợp mắc hội chứng MIS-C.  Đây là hội chứng rất nặng, ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ nhỏ.

Các bậc cha mẹ cần phải hiểu rõ, Vaccine không những có tác dụng bảo vệ tránh mắc MIS-C mà còn có tác dụng bảo vệ giảm mức độ nặng ở trẻ mắc MIS-C

Đối với trẻ 12-18 tuổi, nghiên cứu từ Hoa kỳ cho thấy, ước tính hiệu quả của 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech chống lại MIS-C là 91%. Đặc biệt một số liệu đáng chú ý khác là số bệnh hân MIS-C bị bệnh nặng cần sử dụng các biện pháp hỗ trợ chức năng các cơ quan thì tất cả đều chưa được tiêm chủng.

Đối với nhóm trẻ từ 5 tuổi đến 17 tuổi, một nghiên cứu khác ở Đan Mạch, cũng củng cố bằng chứng về việc tiêm phòng mang lại sự bảo vệ đáng kể ngăn ngừa MIS-C. Hiệu quả ước tính của vắc-xin chống lại MIS-C là 94%; ở trẻ từ 5–17 tuổi.

PV: Rõ ràng việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 là dễ dàng thấy được, tuy nhiên tiến độ tiêm chủng ở thời điểm hiện tại đang bị ảnh hưởng, với cương vị là một bác sĩ ông có ý kiến gì về vấn đề này?

PGS.TS Trần Minh Điển: Theo tôi, việc tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở một số địa phương là rât đáng lo lắng. Việc xuất hiện các biến thể mới của  virus SARS-CoV-2 nếu không tiêm chủng đầy đủ người dân có thể dễ dàng mắc COVID-19 cũng như dẫn đến tình trạng nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh cũng như áp lực cho hệ thống y tế.

Vì vậy, người dân cần chủ động tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ các mũi theo chỉ định. Đồng thời tích cực phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Rất mong sự thay đổi trong ý thức, trách nhiêm của mỗi cá nhân, tổ chức sẽ góp phần đẩy lùi dịch COVID-19 để Việt Nam sớm khôi phục, tiến vào trạng thái bình thường mới hoàn toàn như trước khi đại dịch xảy ra.

GIA BẢO

Tin nổi bật