Lý giải việc các lãnh đạo ban ngành vẫn ít tiếp công dân
Chiều 11/10, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.
VietNamnet đưa tin, tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày báo cáo. Một số nội dung quan trọng được đề cập đến là những thống kê về việc lãnh đạo các ban ngành tiếp công dân. Cụ thể, theo báo cáo, trong năm 2023, có hơn 390.000 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 37,5% so với năm 2022).
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Báo Công lý.
Trong đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân 143 ngày (đạt 92% số ngày tiếp theo quy định) với 317 lượt công dân được tiếp, trong đó trực tiếp tiếp công dân 65 ngày, ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân 78 ngày, chiếm 55% tổng số ngày tiếp công dân đã thực hiện.
Ở cấp khiếu nại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân 793 ngày (đạt 112% số ngày tiếp theo quy định) với 6.749 lượt công dân được tiếp, trong đó trực tiếp tiếp công dân 708 ngày, ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân 169 ngày, chiếm 21% tổng số ngày tiếp công dân đã thực hiện.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: VietNamnet.
Sau khi xem xét báo cáo, thẩm tra kết quả thống kê, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, qua xem xét số liệu trong báo cáo cho thấy việc chấp hành quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có chuyển biến tích cực. Báo cáo cũng phần nào phản ánh toàn diện kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị khác.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 45%) và cũng mới chỉ đạt 92% số ngày tiếp theo quy định.
Đề cập đến công tác tiếp công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ "tiếp ít, ủy quyền nhiều".
Ngoài ra, về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cấp cao càng giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp nhận, xử lý đơn KNTC, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này; Đề nghị các cơ quan báo cáo rõ thêm lý do dẫn đến hầu hết đơn KNTC không đủ điều kiện xử lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Dân trí
Về vấn đề nội dung tố cáo vẫn tăng cao, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng chỉ ra, tình trạng các cơ quan hành chính nhà nước chậm xem xét, giải quyết hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn đối với đơn thư của công dân do các cơ quan Quốc hội chuyển đến là vấn đề tồn tại đã được Ủy ban Pháp luật và các cơ quan khác của Quốc hội chỉ ra trong nhiều năm qua, mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để, theo báo Đảng Cộng sản.
Công khai chủ tịch, bộ trưởng không tiếp công dân để có chế tài xử lý
Phát biểu thêm về nội dung liên quan đến báo cáo của Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu thực tế người đứng đầu ở địa phương hoặc đứng đầu các ngành rất bận nhưng cũng có người không dành thời gian tiếp công dân. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, khi đi tiếp xúc cử tri đã có những địa phương phản ánh, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có nơi chưa thực sự quan tâm đến việc này.
Theo quy định của Đảng, mỗi tháng người đứng đầu cấp ủy phải tiếp công dân một lần nhưng không nhiều địa phương làm được việc này. "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cũng vậy, chủ yếu là cấp phó và các bộ phận khác làm thay. Chỗ này chúng ta cũng phải xem xét, nghiên cứu, nếu cần thiết thì giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những nơi để nhiều đơn thư, những nơi không dành thời gian để tiếp công dân thì cũng cần phải có một vài điểm nhấn" - ông Cường nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: VietNamnet.
Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị công khai thông tin các đơn vị nào mà người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành. Đồng thời, công khai báo cáo Quốc hội.
"Nếu chúng ta có địa chỉ, công khai thì tình hình năm sau sẽ chuyển biến tích cực", bà Nga nêu rõ.
Liên quan về vấn đề này, báo Lao động đưa tin, cũng trong phiên họp, khi xem xét nội dung báo cáo, thảo luận của các đơn vị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đưa ra ý kiến về vấn đề này, ông đề nghị bổ sung rõ địa chỉ cụ thể cá nhân, cơ quan, đơn vị chưa trực tiếp tiếp công dân để xác định trách nhiệm, có chế tài xử lý thích hợp. Từ đó, giúp cho công tác này ở các nơi này có chuyển biến.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung nêu cụ thể công khai tên danh mục những bộ ngành địa phương cơ quan đơn vị chưa làm tốt, chưa chấp hành nghiêm quy định của Đảng và pháp luật nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, những nơi còn nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo tồn đọng, kéo dài.
Bảo An (T/h)