(ĐSPL) - Đã đến lúc Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cần giải quyết một cách ổn thỏa các tranh chấp lãnh thổ nội bộ ở Biển Đông.
|
Giải quyết tình hình Biển Đông trước tiên cần giải quyết ổn thoả tranh chấp nội bộ giữa 4 nước ASEAN hữu quan. |
Theo Phó tổng biên tập tạo chí The Diplomat, ông Zachary Keck, đây là một trong những biện pháp mạnh nhất mà các nước này có thể giải quyết tình hình Biển Đông, không đòi hỏi sự tham gia của các nước ASEAN còn lại.
Cụ thể là Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia nên tiến hành đàm phán đa phương với nhau nhằm giải quyết tất cả các tranh chấp lãnh thổ còn tồn đọng.
Giải quyết được các tranh chấp giữa 4 nước ASEAN sẽ giúp thúc đẩy chương trình nghị sự của các nước này bằng cách tạo ra một số tiền lệ quan trọng và sẽ gây áp lực lên Bắc Kinh giải quyết tranh chấp với điều kiện thuận lợi cho các quốc gia Đông Nam Á.
Thứ nhất, bằng cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ còn tồn đọng giữa, Philippines, Việt Nam , Brunei và Malaysia, bốn nước này sẽ ở vị thế tốt hơn trong việc thành lập một mặt trận thống nhất trước Trung Quốc. Trong thực tế, nếu bốn nước này có thể giải quyết ổn thỏa tất cả các tranh chấp nội bộ, tranh chấp ở Biển Đông sẽ chỉ tồn tại là do thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc. Ít nhất các đường biên giới được 4 nước nhất trí sẽ là điểm khởi đầu cho bất kỳ cuộc đàm phán nào với Trung Quốc.
Thứ hai, bằng cách giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong một diễn đàn đa phương, bốn nước Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia sẽ tạo ra một tiền lệ mà Trung Quốc sẽ buộc phải tuân thủ, một khi Bắc Kinh đồng ý tham gia vào các cuộc thảo luận nghiêm túc nhằm tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho Biển Đông. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn quả quyết rằng mọi cuộc đàm phán sẽ diễn ra ở cấp độ song phương. Bằng cách chứng minh rằng một diễn đàn đa phương đã giải quyết tất cả các tranh chấp không liên quan đến Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ buộc phải chấp nhận đàm phán đa phương mà bốn quốc gia ASEAN nói trên theo đuổi.
Cuối cùng, giải quyết ổn thỏa tranh chấp biển đảo trong nội khối ASEAN sẽ cho phép bốn quốc gia thành viên ASEAN “quốc tế hóa" vấn đề. Trung Quốc vốn cho rằng việc giải quyết các tranh chấp một cách song phương sẽ ngăn cản các quốc gia như Mỹ và các tổ chức như ASEAN giữ bất kỳ vai trò nào. Nếu Trung Quốc không tham gia vào vòng đàm phán này, bốn nước Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia có thể chủ động mời Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và hoặc ASEAN tham gia vào các cuộc đàm phán đa phương. Điều này một lần nữa sẽ lại tạo ra một áp lực đối với Trung Quốc nếu nước này muốn nghiêm túc muốn giải quyết tranh chấp.
Trong ngắn hạn, bằng cách giải quyết các tranh chấp biển đảo trong nội bộ ASEAN, các nước Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia có thể đưa ra các điều khoản cho cuộc đàm phán tương lai với Trung Quốc. Đồng thời, bốn nước có thể cô lập Trung Quốc là nước duy nhất ngăn cản một giải pháp toàn diện đã được đề xuất.