(ĐSPL) - Trong bài viết đăng trên tờ The Diplomat, chuyên gia hải quân Mỹ James R. Holmes nhận định Trung Quốc đang từ bỏ chính sách “cây gậy nhỏ” ở Biển Đông.
Theo chuyên gia James R. Holmes, để bảo vệ giàn khoan HD-981 hạ đặt gần quần đảo Hoàng Sa (một quần đảo mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam cách đây 40 năm), Trung Quốc đã triển khai tàu hải quân cùng với các loại tàu công vụ.
|
Chuyên gia James R. Holmes, một cây viết bình luận quen thuộc của tạp chí The Diplomat có trụ sở ở Nhật Bản. |
Liệu Bắc Kinh có từ bỏ chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ” từng phát huy tác dụng trong những năm gần đây?
Chuyên gia James R. Holmes cho rằng Bắc Kinh thích hành xử bá quyền, khiến cho các nước láng giềng có lý do chung để chống lại Trung Quốc. Và Trung Quốc cũng đã không quên những điều tồi tệ nhất, khi đương đầu với một đối thủ cứng rắn và đầy quyết tâm như Việt Nam.
Ban lãnh đạo Trung Quốc có thể nghĩ rằng họ không thể chế ngự được lực lượng Việt Nam với một mình lực lượng cảnh sát biển với những con tàu sơn màu trắng. Bằng cách đưa tàu chiến nhập cuộc, Bắc Kinh có thể đã mặc nhiên thừa nhận rằng không giống như Philippines - nước có lực lượng hải quân và cảnh sát biển khá yếu kém, Việt Nam là một đối thủ không thể coi thường.
Chỉ có điều, cử tàu công vụ để chiếm lấy một đảo san hô trong vùng biển xa bờ của một quốc gia ven Biển Đông là tương đương với việc thiết lập một tiền đồn trên lãnh thổ của một quốc gia khác. Khuyến khích các đội tàu đánh cá xâm phạm Vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước khác cũng giống như việc khuyến khích những kẻ săn trộm vượt biên giới để ăn cắp tài nguyên thiên nhiên.
Bắc Kinh đã làm những chuyện này tại bãi cạn Scarborough và Đá Vành Khăn (Mischief Reef) hoặc khi cố gắng đấu thầu một số lô thăm dò dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (năm 2012).
Sẽ là cần thiết khi chỉ ra rằng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã qui định cụ thể: "Các đảo đá không thể duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”. Theo luật pháp quốc tế, các đảo đá nói trên chỉ có lãnh hải 12 hải lý.
Qui định này làm nảy sinh một nghi vấn khác về tính chính đáng của cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc?
Thật khó để khẳng định lãnh thổ xung quanh các “hòn đảo” mà trên thực tế không phải là đảo. Chỉ một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có đủ điều kiện để có lãnh hải 12 hải lý bao quanh. Còn các bãi ngầm thì không đủ điều kiện để có bất cứ thứ gì, chứ nói gì đến lãnh hải 12 hải lý.
Gần đây, Manila đã mở một cuộc tấn công pháp lý và kiện cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc dựa vào đó để tuyên bố chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông.
Trong tất cả mọi trường hợp, các vị thẩm phán sẽ đồng ý rằng không có cơ sở pháp lý nào cho cái gọi là “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh, đặc biệt là khi nó chồng lên các vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước khác.
Việc Trung Quốc chống lại phán quyết của tòa án quốc tế sẽ khiến cho nước này trở thành một quốc gia “sống ngoài vòng pháp luật” và khiến cho các cường quốc biển ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương liên kết chống lại Bắc Kinh.