Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cản đường đoàn xe cứu hỏa có thể bị xử lý hình sự

(DS&PL) -

Người có hành vi cản trở xe ưu tiên, trong đó có xe chữa cháy mà gây ra thiệt hại về tài sản, chết người vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp người có hành vi cản trở xe ưu tiên, trong đó có xe chữa cháy mà gây hậu quả nghiêm trọng như thiệt hại về tài sản, chết người thì vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 10/7, đoạn clip dài gần 1 phút ghi lại cảnh xe cứu hỏa liên tục hú còi xin đường đi làm nhiệm vụ và nhiều xe đã tấp vào lề để nhường đường cho xe chữa cháy, trong khi một ô tô 7 chỗ màu trắng dường như “giả điếc”, điềm nhiên lượn lờ chạy trước đầu xe chữa cháy, không chịu nhường đường.

Xe chữa cháy cứ hú còi xin đường nhưng vẫn không được "nhượng bộ". Phải mất khoảng 3 - 4 km xe chữa cháy mới vượt qua được chiếc xe màu trắng nói trên.

Theo cơ quan chức năng, vụ việc xảy ra trên đường Lê Văn Khương, quận 12, TP.HCM. Lúc này lực lượng PCCC quận 12 đang trên đường tham gia chữa cháy tại đám cháy thuộc huyện Hóc Môn.

Nhiều người bức xúc cho rằng hành vi cản trở xe chữa cháy của tài xế chiếc ô tô trắng là không thể chấp nhận, bởi việc cứu hỏa, cứu người là vô cùng cấp bách, cần được ưu tiên số 1.

Chiếc ôtô cản trở xe cứu hỏa - Ảnh cắt từ clip.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban ATGT TP HCM, pháp luật đã quy định các phương tiện phải nhường đường cho xe ưu tiên như cứu thương, chữa cháy… đi làm nhiệm vụ. "Hành vi của tài xế là không thể chấp nhận, bất chấp quy định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, cản trở việc thi hành công vụ", ông Tường nhấn mạnh.

Trước sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi: Đối với trường hợp cản trở xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ thì bị xử lý ra sao?

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia pháp lý Châu Việt Vương - Công ty Luật FDVN nhận định, hành vi của người điều khiển xe ôtô cản trở xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

Căn cứ theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ là một trong những xe được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào.

Đồng thời, tại Khoản 3 Điều này có quy định: “Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.”

"Do đó, người tham gia giao thông khi nhận được tín hiệu của xe được quyền ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ phải có trách nhiệm phải giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại lề đường bên phải để nhường đường cho xe ưu tiên" - chuyên gia pháp lý Châu Việt Vương nói.

Chuyên gia pháp lý Châu Việt Vương phân tích, hành vi cản trở xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm d, Khoản 6, Điều 5 theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ.

Cụ thể, đối với hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ thì người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Chuyên gia pháp lý Châu Việt Vương - Công ty Luật FDVN 

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi trên còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng. (Theo quy định tại Điểm b Khoản 2, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).

"Đối với trường hợp người có hành vi cản trở xe ưu tiên, trong đó có xe chữa cháy mà gây hậu quả nghiêm trọng, như gây ra thiệt hại về tài sản, chết người thì vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự" - Chuyên gia pháp lý Châu Việt Vương nhấn mạnh.

Theo chuyên gia pháp lý Châu Việt Vương, ở đây có thể áp dụng tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Căn cứ theo Khoản 5 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ được sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 có quy định:

“3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: 

a) Làm chết 03 người trở lên; 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; 

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.”

Khung hình phạt cao nhất đối với người vi phạm điều luật này là phạt tù đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

"Do đó, hành vi không nhường đường cho xe ưu tiên khi nhận được tín hiệu sẽ bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính, đồng thời trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả làm chết người hoặc gây thiệt hại về tài sản nhưng không được ngăn chặn kịp thời vẫn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" - chuyên gia pháp lý Châu Việt Vương nói.

Cự Giải

Tin nổi bật