Tại sao nắng nóng lại đau đầu?
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến đau đầu vào mùa hè là do cơ thể bạn bị mất nước và không bổ sung nước kịp thời dẫn đến mất nước gây ra cảm giác đau đầu.
Thứ hai, khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, các mao mạch ở trên đầu bị giãn nở quá mức để chống lại thời tiết. Điều này dẫn đến bạn có cảm giác đau và đau đầu tăng lên khi bạn thường xuyên di chuyển giữa phòng có máy lạnh với không gian bên ngoài.
Thứ ba, khi nắng nóng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ làm não bộ bị thiếu dưỡng khí dễ gây đau đầu thậm chí đau mỏi toàn thân. Trong mùa hè, nhiều người có thói quen uống nước đá để làm mát cơ thể nhưng nó cũng làm kích thích niêm mạc họng gây đau đớn.
Dưới đây là một số cách khắc phục chứng đau đầu bạn có thể thực hiện ngay tại nhà
1. Cần bù đủ nước
Nhiệt độ nắng nóng khiến cho mồ hôi ra nhiều dẫn đến cơ thể bị mất nước, kèm theo đó là lượng muối, đường, khoáng trong cơ thể cũng bị giảm đi. Mất nước làm cho cơ thể có cảm giác mệt mỏi, choáng thậm chí bị nhức đầu, khó thở.
Nhu cầu về nước trong những ngày hè nóng bức rất lớn, vì vậy cần phải bổ sung nước kịp thời để bù vào lượng mồ hôi đã thoát ra nhằm cân bằng nhiệt độ cơ thể, tránh cảm giác mệt mỏi căng thẳng không đáng có.
Nếu đang làm việc trong môi trường nóng, bạn cần uống khoảng 1/2 - 1 cốc nước mỗi giờ (cốc khoảng 230 - 250ml). Bạn không nên uống nước lạnh. Nếu muốn bù đắp muối và chất khoáng đã mất, cách tốt nhất là dùng những loại nước ép trái cây.
2. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng
Bạn nên hạn chế tiếp xúc ngoài trời khi thời tiết nắng nóng. Nguyên nhân là do ánh nắng không chỉ khiến làn da sạm màu, dễ kích ứng mà còn khiến tình trạng đau đầu dễ khởi phát hơn.
Khi bắt buộc phải ra ngoài, bạn nên đội mũ nón và sử dụng các thiết bị chống nắng nhất là trong thời điểm từ 11h - 15h. Ngoài ra bạn nên đeo kính mát để làm giảm sự tác động của ánh nắng mắt trời lên dây thần kinh thị giác. Điều này giúp hạn chế cơn đau đầu và làm giảm tình trạng chóng mặt hay say nắng.
3. Sinh hoạt điều độ
Thói quen sinh hoạt thường ngày thường ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng. Bạn nên cân đối ngủ đủ giấc và ăn uống điều độ. Điều này sẽ giúp bạn đảm bảo sức khỏe và hạn chế hiện tượng đau đầu hay mệt mỏi khi trời nóng.
Đồng thời, bạn cần bổ sung thêm rau có chứa vitamin C vào khẩu phần ăn hàng ngày. Vitamin C có tác dụng tăng sức đề kháng, thanh nhiệt tạo điều kiện để cơ thể chống lại cái nóng của mùa hè. Nếu cơn đau tăng lên hoặc xảy ra quá thường xuyên, khoảng hơn 2 lần/tuần, liên tục trong 2 – 3 tháng thì bạn nên đến khám bác sĩ để sớm can thiệp kịp thời.
4. Điều chỉnh thói quen tập thể dục
Tập thể dục gắng sức, đặc biệt là trong môi trường nắng nóng và độ ẩm cao, có thể làm tăng thân nhiệt và mất nước, từ đó dẫn đến đau đầu ở một số người. Thời gian phù hợp để tập thể dục trong mùa hè là sáng sớm và chiều tối. Đây là những thời điểm ánh sáng mặt trời không quá gắt, nhiệt độ cũng không cao nên ít gây mất nước cũng như say nắng.
Nếu thời tiết quá nóng bức, bạn có thể lựa chọn các môn thể thao hoặc hoạt động trong nhà thay vì các hoạt động ngoài trời. Trong quá trình luyện tập, khởi động có thể ngăn ngừa các cơn đau đầu do luyện tập quá sức.
5. Dán lá trầu không lên trán
Lá trầu được biết đến với tác dụng giảm đau cũng như các thuộc tính làm mát, có thể giúp bạn thoát khỏi cơn đau đầu hiệu quả trong vòng vài phút. Để khắc phục cơn đau đầu, bạn cần nghiền nhuyễn 2-3 lá trầu tươi và dán lên trên trán và hai bên thái dương trong nửa giờ. Đồng thời, bạn cũng có thể nhai một hoặc hai lá trầu để chữa đau đầu.
Nếu đau đầu dai dẳng, lấy khăn bông nhúng dấm trắng, vắt nhẹ đắp lên trán và nhắm mắt thư giãn khoảng 15 phút khoảng 2 giờ/lần rất dễ chịu. Hoặc dùng dầu thơm, dầu xoa bóp thoa và mát xa nhẹ sẽ thấy đỡ đau đầu và thoải mái hơn.
6. Chườm lạnh hoặc chườm ấm
Chườm túi đá hoặc một vật lạnh khác lên đầu, cổ có thể làm co mạch máu và giảm viêm ở khu vực được chườm, giúp tạm thời giảm đau đầu. Ngược lại với chườm lạnh, một miếng gạc ấm (ví dụ một chiếc khăn đã được làm nóng) có thể giúp con người thư giãn các cơ, mang lại cảm giác nhẹ nhõm. Biện pháp này áp dụng trong trường hợp đau đầu do các cơ quá căng.
7. Sử dụng gừng
Nhờ chứa nhiều thành phần có dược tính cao, củ gừng có thể hỗ trợ giảm đau, giảm viêm hiệu quả. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy bột gừng mang lại hiệu quả tương tự như thuốc trị đau nửa đầu kê toa. Do đó, để cải thiện tình trạng này bạn có thể thêm một vài lát gừng nạo vào nước sôi khi pha trà hoặc sử dụng bất kỳ loại thực phẩm nào có gừng đều được.
Bên cạnh đó, các loại thảo mộc như bạc hà, hoa cúc… cũng có khả năng làm dịu cơn đau đầu.
8. Xoa bóp, bấm huyệt
Xoa bóp, bấm huyệt là hai cách trị đau đầu truyền thống được hầu hết mọi người áp dụng nhằm giải tỏa cảm giác khó chịu, bực bội do cơn đau nhức đầu gây ra.
Để tiến hành bấm huyệt trước tiên bạn phải chọn vị trí tránh gió, yên tĩnh. Sau khi đã ổn định, dùng ngón tay trỏ day ở phần huyệt thái dương theo vòng cung; cùng lúc bấm huyệt ở hai bên thái dương rồi di chuyển lên vùng trán và kết thúc ở phần chân mày. Còn nếu không biết bấm huyệt, bạn có thể dùng tay xoa bóp vùng đầu, trán, cổ, vai gáy để giảm đau tạm thời.
9. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ kém có tác động trực tiếp đến chứng đau đầu, do đó ngủ đủ giấc là điều cần thiết để duy trì sức khỏe. Trong khi bạn ngủ, cơ thể tự sửa chữa để làm cho não và cơ thể hoạt động tối ưu khi bạn thức.
Người trưởng thành nên cố gắng ngủ đủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, con người nên tập thể dục thường xuyên, đều đặn mỗi ngầy để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, thúc đẩy tuần hoàn tốt hơn, từ đó giảm nguy cơ xuất hiện cơn đau đầu.
10. Không ăn quá ít và tránh khoảng cách lớn giữa các bữa ăn
Thói quen ăn uống của bạn thường có liên quan đến cả chứng đau đầu và đau nửa đầu. Ăn quá ít, tức là có các bữa ăn trong ngày dưới 1000 calo, gây thay đổi lượng đường trong máu. Nguyên nhân là do bạn đang tiêu thụ ít calo hơn cơ thể bạn cần để hoạt động hiệu quả và do đó, mức đường huyết có thể giảm xuống quá thấp, gây căng thẳng cho cơ và đau đầu.
Tương tự, nếu bạn ăn trưa lúc 1 giờ chiều và ăn tối lúc 9 giờ tối, cơ thể bạn sẽ kích thích cơn đau đầu do khoảng cách giữa các bữa ăn. Vì vậy, hãy đảm bảo ăn nhẹ giữa các bữa chính và không bỏ bữa.
Linh Chi (T/h)