Theo một cuộc khảo sát hàng năm có sự tham gia của hơn 1.100 giám đốc điều hành (CEO) Conference Board, một tổ chức nghiên cứu kinh doanh phi lợi nhuận, phần lớn các nhà lãnh đạo công ty bên ngoài Trung Quốc và Nhật Bản kỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng vào cuối năm 2023 hoặc nửa đầu năm 2024.
Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng của Conference Board, nhận xét: "Hầu như mọi khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, đều tin rằng thế giới sẽ trải qua một giai đoạn suy thoái kinh tế. 98% CEO ở Mỹ nghĩ rằng sẽ có một cuộc suy thoái – nhưng nó sẽ diễn ra trong thời gian ngắn và ít tác động".
Do đó, các giám đốc điều hành cho biết phản ứng của họ đối với suy thoái có thể sẽ khác với các dự đoán trước đây, khi việc tuyển dụng bị "đóng băng" và sa thải trở thành một trong số các phản ứng đầu tiên của các công ty, theo cuộc khảo sát với 670 CEO.
Các CEO Mỹ nói rằng họ có thể tập trung vào đổi mới, nhấn mạnh các ngành kinh doanh tăng trưởng cao hơn, bảo vệ lợi nhuận bằng các chiến lược định giá, đầu tư vào tiếp thị và cắt giảm chi tiêu hành chính và tùy ý. Trong khi đó, các CEO châu Âu cũng ủng hộ việc trì hoãn đầu tư vốn hơn là cắt giảm nhân sự.
Một số ngành nghề đã phải đối mặt với sự cắt giảm nhân sự trong năm qua. Ảnh: WSJ
Bà Peterson nhận định điều này có thể phản ánh những kỳ vọng bất kỳ cuộc suy thoái nào xảy ra đều sẽ có tác động nhẹ và "vết sẹo" do thị trường lao động thắt chặt liên tục trong nhiều ngành cũng không quá lớn. Bà tiếp tục: "Nếu nền kinh tế thực sự chạm đáy, các doanh nghiệp có thể sẽ nghĩ đến các biện pháp khác".
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,5% trong tháng 12/2022 và nhiều nhà tuyển dụng đang tiếp tục phải đối mặt với những thách thức khi tìm kiếm nhân sự cho một số vị trí. Việc cắt giảm việc làm cho đến nay chủ yếu tập trung vào nhân viên văn phòng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, vì nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ vẫn còn quá cao khiến nhiều công ty cân nhắc sa thải công nhân tuyến đầu.
Các mối quan tâm kinh tế bên ngoài đối với những CEO tham gia khảo sát ở Mỹ là nguy cơ suy thoái, lạm phát và thiếu hụt lao động. Một năm trước, ba vấn đề hàng đầu là tình trạng thiếu lao động, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng. Thời điểm đó, nỗi lo suy thoái chỉ xếp thứ 6.
Một cuộc khảo sát hàng quý riêng biệt với hơn 1.300 giám đốc điều hành của công ty tuyển dụng Russell Reynolds Associates cũng cho thấy mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế đã gia tăng vào cuối năm ngoái, với 2/3 số người được hỏi xếp vấn đề này vào 5 mối quan tâm lớn nhất của họ.
Những lo lắng về chi phí đi vay cũng gia tăng trong năm qua tại Mỹ, khi Cục Dự trữ Liên bang đã thực hiện một loạt các đợt tăng lãi suất mạnh để kiềm chế lạm phát. Conference Board cho biết chi phí đi vay là mối lo lớn thứ 4 của các CEO Mỹ và là mối lo lớn thứ 10 trên toàn cầu. Một năm trước, nỗi lo về chi phí đi vay đứng thứ 25 ở Mỹ và thứ 22 trên toàn cầu.
Ngược lại, những lo ngại về chuỗi cung ứng đã giảm bớt, với 1/3 CEO trên toàn cầu và 44% ở Mỹ cho biết họ không có kế hoạch thay đổi chuỗi cung ứng trong vòng 3-5 năm tới. Những lo ngại về COVID-19 nhìn chung cũng giảm dần bên ngoài Trung Quốc và Nhật Bản.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Nga cũng được xếp vào mối lo ngại hàng đầu với các CEO châu Âu. Các nhà điều hành bên ngoài Mỹ và châu Âu đã thận trọng hơn khi nói về tốc độ phục hồi kinh tế. Khoảng 1/3 CEO của các công ty Trung Quốc và Nhật Bản và 29% ở Mỹ La-tinh cho biết họ kỳ vọng tăng trưởng sẽ tiếp tục vào nửa sau năm 2024, theo cuộc khảo sát.
Minh Hạnh (Theo Wall Street Journal)