Nắm được điểm yếu của cà phê “cô đơn”, nhiều dạng tội phạm tìm đến “ký sinh”. Những vị khách không mời mà đến gieo rắc nỗi khiếp đảm cho chủ quán, nhiều khi còn gây thương tích, cưỡng bức, hiếp dâm nạn nhân. Gặp nạn, nhiều chủ quán xót của vẫn không dám cầu cứu cơ quan công an khi bản thân trót lén lút vi phạm pháp luật.
Một quán cà phê bị cướp tấn công. |
Đập phá quán, đòi tiền bảo kê
Chủ quán M.H. ở thị trấn Đức Hòa (huyện Đức Hòa, Long An), cho biết: “Những quán cà phê giống như của tôi làm thường chịu sự bảo kê của các băng nhóm giang hồ. Đôi khi cũng chẳng phải giang hồ, mà mấy thanh niên lười biếng, nghiện ngập cũng làm liều đến đập phá quán bắt mình đưa tiền. Mỗi tháng ít nhất phải đưa cho họ 3 triệu đồng. Nếu không đưa, ngày nào họ cũng tìm đến quán ngồi, rồi kiếm chuyện đập phá thì khách đâu dám vào”.
Chị A., chủ quán N.H. ở ấp Rừng Sến (xã Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa), cũng tiết lộ, quán phải trả tiền bảo kê định kỳ hàng tháng, nếu không sẽ phải dọn đi nơi khác. “Nếu mình không đưa tiền bảo kê, ngày nào họ cũng đến, khoảng từ 2 - 4 người có vẻ ngoài bặm trợn, xăm trổ. Ban đầu, những người này tỏ ra lịch sự, gọi nước uống rồi nói chuyện với nhau. Họ ngồi mãi ở đó thì khách nào dám vào. Mà đâu chỉ vậy, ngồi lâu mà mình không đả động đến, tự họ dàn cảnh kiếm chuyện chửi nhau, đập phá quán”.
Thậm chí, với những quán bị đập phá vẫn không chi tiền, các đối tượng còn phục kích, chờ khách vừa bước vào quán thì chạy xe đến kiếm chuyện. “Tụi nó giả vờ đánh ghen hoặc giành gái để đuổi khách đi. Những khách ngại ngùng bỏ đi thì may mắn êm chuyện, một số ít khách phản ứng lại thì bị bọn nó đánh. Phiền lắm, chúng tôi đành phải đưa tiền cho xong chuyện”, chủ quán M.H. thở dài ngao ngán.
Theo các chủ quán cà phê “cô đơn”, tùy vào quy mô và lượng khách của quán, bảo kê sẽ “áp giá” khác nhau. Những quán ở gần khu công nghiệp, gần quán nhậu... khách nhiều thì giá bảo kê từ 3 triệu đồng trở lên, còn ở các quán ế ẩm, các đối tượng lấy dưới 2 triệu đồng. Ngoài các đối tượng có tổ chức, băng nhóm “hoạt động” bài bản, cà phê “cô đơn” còn gặp phải nạn xin đểu. “Thấy quán mở cửa, mấy tên nghiện cứ nhào vào xin ít đồng, không cho thì cứ đứng đó cù nhầy. Mình làm ăn không được, phải đưa tiền thôi. Đâu chỉ tiền, lâu lâu, bảo kê, xin đểu còn bắt mình đóng “thuế thân” nữa chứ. “Nghề” này ê chề lắm, bước vào thì dễ chứ muốn ra khó trăm bề”, chị A. than thở.
Cướp tài sản, cưỡng hiếp chủ quán
Khoảng 2 tháng gần đây, cà phê “cô đơn” còn đối diện với một mối nguy mới – cướp tài sản và hiếp dâm. “Bán quán, chúng tôi thường lận lưng 2-3 triệu đồng trong người, trong quán lại có điện thoại, xe máy nên dễ bị cướp nhắm đến. Đặc biệt, khi bị cướp, đa phần chúng tôi cũng không dám đi báo công an, sợ phải dẹp quán. Biết được điểm yếu này, bọn cướp mới tìm đến “săn mồi”. Mấy vụ mới đây, chủ quán bị đánh ngất xỉu hoặc hiếp dâm, người dân báo công an, chứ chúng tôi có dám báo đâu. Công an vào cuộc điều tra, truy bắt cướp thì mấy quán đó cũng đóng cửa, dời chỗ làm ăn”, chủ quán N.H. cho biết.
Chị A. nhớ lại, tháng 4/2020, 2 quán cách chỗ chị khoảng 1km bị cướp tấn công. Hai quán đối diện nhau, cùng bị cướp cách nhau chỉ vài ngày. “Tụi nó thăm dò từ trước, cướp xong quán M.M. còn dám quay trở lại quán đối diện cướp tiếp. Một chủ quán chống cự bị bọn chúng đập đầu chấn thương nặng. Chị ấy cố bò ra đường cầu cứu người dân. Công an đến điều tra. Thấy quán có vắt mấy sợi đèn nhấp nháy, hai cây dừa đằng trước, công an nhắc nhở. Vậy là, chị ấy xuất viện về, phải dẹp quán, tìm mặt bằng khác”, chị A. kể.
Chị Đinh Ngọc H., ngụ xã Mỹ Hạnh Bắc, cho biết thêm: “Nghe mấy chị bị cướp kể lại, hai đối tượng vào quán giả vờ hỏi giá cả, rồi nhìn trước ngó sau. Thấy chủ quán mất cảnh giác, một thằng ập đến kề dao vào cổ nạn nhân, thằng kia lục lọi đồ đạc lấy điện thoại, tiền bạc, xe máy... rồi cùng nhau tẩu thoát. Khi họ tri hô, cướp chạy mất tiêu. Hiếp dâm còn không ai biết, huống chi cướp tài sản. Không chỉ ở Long An thôi đâu, bên Bình Dương, bạn tôi cũng mới bị cướp mất chiếc xe, tiền... Khổ lắm, tiếc của mà đâu dám báo công an. Bây giờ, khách mà vào, tôi luôn đứng ở phía sau quán, nhìn kỹ nếu thấy không có gì đáng ngờ thì mới lên tiếp. Xe máy phải khóa kỹ, không để sơ hở”, chủ quán N.H. tâm sự.
Theo chỉ dẫn của chủ quán N.H., chúng tôi tìm đến các quán cà phê bị cướp tài sản và đánh đập trên cùng Tỉnh lộ 9 ở ấp Rừng Sến. Tại địa chỉ này, chúng tôi thấy một dãy 4 ki-ốt đều bày 2 cây dừa kiềng phía trước nhưng chỉ còn một quán mở cửa, 3 quán khác khóa kín cửa và treo bảng cho thuê phòng. Chủ quán còn lại thở dài và nói: “Tụi nó (bảo kê, cướp – PV) như những “bóng ma” đến lúc nào không biết và đuổi đi cũng không được. Cái “nghề” này đã mạt hạng, tụi nó còn đê tiện hơn”.
Ông Hà Văn Nam, Trưởng ấp Rừng Sến, xác nhận, địa bàn có xảy ra hai vụ cướp tại 2 quán cà phê. Biết các quán này chỉ có 1 người, các đối tượng sử dụng hung khí khống chế, cướp tài sản của các nạn nhân. Hiện tại, lực lượng địa phương còn mỏng, trong khi dân nhập cư nhiều nên việc quản lý địa bàn chưa chặt chẽ. Dân cư đông phát sinh nhiều tệ nạn xã hội khiến các cấp chính quyền rất đau đầu và tìm cách xử lý.
Sau khi xã Mỹ Hạnh Bắc của huyện Đức Hòa xuất hiện tình trạng cướp tài sản ở các quán cà phê, nước giải khát..., Công an xã Lương Bình (Bến Lức, Long An) ra thông báo đề nghị các hộ kinh doanh, người dân cảnh giác. Đồng thời, công an khuyến cáo, các đối tượng cướp tài sản thường đi 2 người, quan sát hoàn cảnh của hộ kinh doanh, tấn công khi chỉ có 1 người ở quán.
Ngọc Lài
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (87)