Đóng

Bệnh nhi 1 tuổi bị bại não chỉ vì thói quen rung lắc khi bế ngủ của bố

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Một em bé 1 tuổi đã bị bại não chỉ vì người bố thường xuyên bế rung lắc để dỗ con ngủ. Hiện tại, bé đã một tuổi nhưng vẫn chưa biết bò hay đi.

Thoe thông tin từ VTC News, Bệnh viện Tân Hoa trực thuộc Trường Y Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) mới đây tiếp nhận bệnh nhi 1 tuổi bị tổn thương não nghiêm trọng do người chăm sóc bế, ru không đúng cách. Mẹ đứa trẻ kể lại rằng khi bé mới 4 tháng tuổi, người cha bế con trên tay rồi đu đưa để ru ngủ. Hậu quả là, sau khi được đặt trở lại giường, bé đột nhiên bật khóc, sau đó tái nhợt, liệt nửa người và hôn mê.

Hiện tại, bé đã một tuổi nhưng vẫn chưa biết bò hay đi.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc Hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh (SBS). Bác sĩ Vương Tiểu Cường, chuyên gia phẫu thuật thần kinh nhi khoa tại Bệnh viện Tân Hoa, cho biết kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) cho thấy xuất huyết ở một bên não của bé, gây ra các triệu chứng như bại não và động kinh.

Đặc biệt, một số mô não của bé đã bị hoại tử và teo, cùng với tình trạng nhuyễn não đa nang. Đây là một dạng tổn thương não đặc trưng bởi sự xuất hiện của nhiều nang với kích thước khác nhau trong chất trắng và vỏ não, thường do thiếu máu cục bộ hoặc thiếu oxy.

Bệnh nhi 1 tuổi bị bại não chỉ vì thói quen rung lắc khi bế ngủ của bố. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Vương Tiểu Cường nhấn mạnh rằng cấu trúc não bộ của trẻ sơ sinh rất đặc biệt. Giữa hộp sọ và mô não có các mạch máu nối vô cùng mỏng manh, đường kính chỉ bằng một sợi tóc. Nếu trẻ bị rung lắc quá mạnh, các mạch máu này rất dễ bị vỡ, dẫn đến xuất huyết não mãn tính và gây ra những di chứng không thể phục hồi.

Chia sẻ trên báo Lao động, ThS.BS Ngô Tiến Đông - Khoa Điều trị tích cực Nội khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Hội chứng rung lắc khó có con số thống kê tỉ lệ chính xác. Trên thực tế còn nhiều trường hợp khác trẻ bị tổn thương do hội chứng rung lắc mà chúng ta bỏ sót.

Có nhiều trẻ chỉ biểu hiện quấy khóc, li bì 1-2 ngày rồi vẫn ăn ngủ bình thường, gia đình sẽ bỏ qua giai đoạn đó. Sau này lớn lên, trẻ mới dần có biểu hiện của bại não, thị lực kém, chậm phát triển, lúc đó rất khó biết được căn nguyên và cũng rất muộn để có thể can thiệp, điều trị được”.

Theo thống kê của Trung tâm quốc gia về Hội chứng rung lắc trẻ em tại Mỹ ước tính: Ở Mỹ có 1.000 - 1.300 trường hợp được ghi nhận mỗi năm. Trong các trường hợp ghi nhận được, ¼ số trẻ tử vong, 80% trẻ sống sót bị tổn thương vĩnh viễn như bại não, liệt, mất thị lực, thiểu năng trí tuệ, động kinh.

"Hội chứng rung lắc là một chấn thương não nghiêm trọng xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc mạnh. Hội chứng này xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn từ 2 - 4 tháng tuổi, bởi đó là thời điểm trẻ có xu hướng quấy khóc thường xuyên và kéo dài. Tuy nhiên, trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng", ThS.BS Ngô Tiến Đông cho biết.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này thường do thói quen bế con rung lắc nhằm mục đích dỗ con bớt quấy khóc, thói quen đưa võng, lắc nôi ru trẻ ngủ, hoặc những động tác làm thay đổi đột ngột tư thế như bế trẻ lên cao, bế thốc dậy, tung cao trẻ… Trẻ có thể gặp nguy hiểm dù chỉ với 5 giây rung lắc.

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trọng lượng đầu chiếm khoảng 10 - 15% trọng lượng cơ thể. Ở độ tuổi này, trẻ có cơ cổ rất yếu không đủ sức nâng đỡ đầu vốn có kích thước tương đối lớn, não bộ chưa phát triển nhiều, nằm “trôi nổi” trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh. Rung lắc mạnh, gây ra sự tăng - giảm tốc nhanh chóng của não, tác động va đập vào bề mặt cứng bên trong hộp sọ, làm tổn thương não và các mạch máu não, phù não và tăng áp lực nội sọ.

Biểu hiện trẻ bị rung lắc sau 4 đến 6 giờ:

- Mắt lờ đờ do xuất huyết võng mạc, da tái xanh do mất máu, thóp có thể phồng.

- Quấy khóc, kích thích vật vã hoặc lơ mơ, li bì, không đáp ứng với xung quanh, thậm chí hôn mê, bỏ bú, bỏ ăn, buồn nôn hoặc nôn, thở chậm hoặc thậm chí ngưng thở.

- Một số trẻ có biểu hiện co cứng cổ và các chi, có thể co giật, hoặc cơ thể mềm nhẽo.

- Tổn thương cột sống cổ khiến trẻ bị ngoẹo đầu sang một bên hoặc hạn chế vận động vùng cổ.

Khi trẻ có biểu hiện trên, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để bác sĩ cấp cứu. 

Tin nổi bật