Bão Francine đã tấn công bờ biển Louisiana vào tối 11/9 (giờ địa phương) với sức gió lên tới 160 km/h, tàn phá vùng ven biển vốn chưa phục hồi hoàn toàn sau một loạt cơn bão tàn khốc hồi năm 2020 và 2021. Sau đó, cơn bão di chuyển với tốc độ nhanh về phía New Orleans, gây mưa xối xả.
Bão Francine khiến mưa như trút nước xuống hàng loạt khu vực, như Louisiana, miền Nam Mississippi, hay Alabama. 14 triệu người đang được đặt trong cảnh bão lũ lụt với mưa lớn và lốc xoáy có thể xảy ra.
Nước mưa dâng cao đã biến đường phố ở Bucktown, một phần ngoại ô phía bắc New Orleans, thành sông.
Bão đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn.
Cơn bão Francine khiến nhiều cây lớn bị đổ, bật gốc.
Một ngôi nhà bị tàn phá do bão Francine
Thiệt hại nặng nề do bão.
Một con đường ở Metairie thành sông do mưa lớn khi cơn bão Francine đổ bộ vào Mỹ.
Ảnh hưởng của bão đã khiến gần nửa triệu người phải chịu cảnh mất điện. Số lượng kết nối điện bị cắt tăng đỉnh điểm lên 450.000. Theo PowerOutage.us, tại Louisiana, có hơn 390.000 khách hàng không có điện vào lúc 7h sáng (theo giờ miền Đông), cũng như hơn 60.000 khách hàng ở Mississippi và hơn 10.000 khách hàng ở Alabama.
Khoảng 80 chuyến bay đã bị hủy tại Sân bay quốc tế Louis Armstrong New Orleans, trong khi có 240 chuyến bay bị hoãn tại khu vực này.
Tâm bão dự kiến tiếp tục di chuyển sâu vào đất liền, nhưng ảnh hưởng của cơn bão mới nhất ở Đại Tây Dương có thể lan rộng hàng trăm km.
Các cảnh báo thời tiết, như khuyến cáo về gió, cảnh báo lũ lụt và các diễn biến thời tiết nguy hiểm khác có phạm vi xa về phía bắc đến khu vực phía nam Missouri và xa hơn về phía đông đến tận Tennessee khi hoàn lưu bão di chuyển qua phía nam nước Mỹ.
Theo ông Bob Smerbeck - một nhà khí tượng học cao cấp tại AccuWeather, không khí khô gần đó đã làm suy yếu sự phát triển của bão.
Mặc dù vậy, gió là một điều kiện để cơn bão mạnh lên nhanh chóng. Vào chiều 10/9, bão Francine có sức gió 105 km/h. Một ngày sau, sức gió đã lên tới 161 km/h. Kiểu thay đổi nhanh này có thể khiến bão trở nên nguy hiểm hơn, nhanh hơn, gây bất ngờ trên đường đi của nó.
Nhà nghiên cứu về bão tại Đại học Princeton, đồng thời là Giám đốc Viện Môi trường High Meadows - ông Gabriel Vecchi - cho biết: "Các mô hình dự báo cho thấy hiện tượng này sẽ trở nên phổ biến hơn nhiều trong thế kỷ 21, khi tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục gia tăng".
Nước dâng cao do mưa lớn tại đường Neyrey Dr.
Một cây to bị bật gốc
Giá dầu thế giới tăng gần 3%
Vào lúc 0h19 ngày 13/9 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 1,91 USD, tương đương 2,8%, lên 69,22 USD/thùng, còn giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,70 USD, hay 2,4%, lên 72,31 USD/thùng.
Các nhà phân tích của UBS ước tính bão Francine sẽ khiến sản lượng dầu ở Vịnh Mexico giảm khoảng 1,5 triệu thùng trong tháng này.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã giảm hơn 7% trong dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 xuống 900.000 thùng/ngày, do nhu cầu thấp ở Trung Quốc và tăng trưởng yếu ở các khu vực khác.
Mỹ, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, cũng đang cho thấy dấu hiệu nhu cầu yếu. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA), lượng dầu dự trữ của nước này đã tăng lên trong tuần trước, khi nhập khẩu dầu thô tăng, xuất khẩu giảm và nhu cầu nhiên liệu đi xuống.
Ảnh: ABC News.