Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bác sĩ chỉ ra 2 sai lầm của người dân khi mắc cúm

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai khuyên mọi người không nên quá lo lắng, đừng tự đi xét nghiệm và tránh việc lạm dụng kháng sinh khi mắc cúm.

Số ca mắc cúm giảm đi khi trời rét hẳn

Ở Việt Nam, nhất là khu vực miền Bắc, tháng 11 là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, bắt đầu xuất hiện những đợt gió lạnh kèm theo tiết trời hanh khô. Thời tiết giao mùa đông xuân trở thành điều kiện lý tưởng để các virus gây bệnh đường hô hấp phát triển và lây lan mạnh.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 3.130 ca mắc Adenovirus, trong đó có 9 ca trẻ tử vong. Về các dịch cúm A, cúm B, năm nay, bệnh viện cũng ghi nhận nhiều trẻ nhập viện với biến chứng nặng, khác thường so với mọi năm. Không riêng Bệnh viện Nhi Trung ương, các bệnh viện tỉnh, bệnh viện ngoài công lập cũng tăng lên rất nhiều. Từ đầu tháng 9 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã tiếp nhận 1.500 – 2.000 trẻ mắc các bệnh hô hấp tới thăm khám mỗi ngày.

Liên quan đến vấn đề nói trên, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, mùa này là đợt cao điểm của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Nhiễm trùng đường hô hấp đại bộ phận do các virus gây bệnh ở đường hô hấp gây nên. Theo thống kê, có khoảng hơn 200 loại virus ở đường hô hấp, một loại lại chia thành rất nhiều type. Cúm A, cúm B chỉ là một trong số đó.

Nếu chỉ xét nghiệm cúm A, cúm B thì tưởng rằng số ca mắc nhiều, tuy nhiên nếu xét nghiệm thêm 10 – 20 loại virus khác và so sánh thì sẽ thấy cúm A, cúm B là thông thường. Dịch tễ học luôn phải có mẫu số. Bỏ mẫu số đi là cái sai rất lớn về mặt điều tra dịch tễ học. Lâu nay chúng ta chỉ nói đến phần tử số, tức số ca dương tính mà không nhắc đến tổng số trường hợp làm xét nghiệm. Thêm nữa, chúng ta chỉ thống kê số ca mắc mà không thống kê trường hợp âm tính. Tưởng có nhiều ca nhiễm virus này nhưng khi so sánh thì có khi số ca bệnh do virus khác gây ra lại nhiều hơn”.

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Từ thực tế khám bệnh hàng ngày cho các bệnh nhi, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng đánh giá virus cúm năm nay không khác so với các năm trước. “Vẫn là vào mùa này các cháu ho sốt nhiều, lại trùng thời điểm tựu trường, thêm vào đó, các cháu vừa trải qua đợt cách ly do dịch COVID-19 mà cách ly kéo theo sức đề kháng giảm.

Theo thống kê của chúng tôi, đây là thời điểm đỉnh điểm nhất của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, năm nào cũng ghi nhận nhiều ca mắc và xảy ra tình trạng quá tải ở các phòng khám, bệnh viện.

Tôi nghĩ số ca mắc cúm nhiều lên vào mùa này nhưng đến khi trời rét hẳn sẽ lại giảm đi. Đặc điểm ở miền Bắc, chúng ta đang trong giai đoạn chuyển mùa thu đông. Đến tháng 3-4, khi bắt đầu chuyển mùa từ xuân sang hè, thời tiết thay đổi, lại có một đợt cúm nữa nhưng không nhiều bằng đợt này. Đợt tháng 9-11 là nhiều nhất, năm nào cũng vậy”, vị chuyên gia này nói.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, cúm là bệnh rất cổ điển, được biết đến đã hàng trăm năm nay. Có 4 type virus cúm A, B, C, D nhưng hiện tại chỉ có kít xét nghiệm cúm A và cúm B. Người ta nhận thấy cúm A có thể gây biến chứng nhưng đa số bệnh nhân đều tự khỏi. Dù vậy, những bệnh nhân có bệnh nền hay thể tạng đặc biệt như người già, em bé còn quá nhỏ, người béo phì, phụ nữ mang thai cần lưu ý hơn khi mắc cúm.

“Đang có bệnh tim, phổi, gan, thận, ung thư… mà mắc thêm cúm thì có thể bị nặng. Thực ra, nếu không mắc cúm mà mắc bệnh khác thì cũng dễ bị nặng vì sức đề kháng của người có bệnh nền hay thể tạng đặc biệt vốn kém. Nếu là người bình thường, không có bệnh gì, vẫn sinh hoạt như thường thì không có gì phải sợ khi mắc cúm”, nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho hay.

2 sai lầm “mới nổi” của người dân khi mắc cúm

Nhắc đến sai lầm của người dân khi mắc cúm, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng nhận thấy có 2 sai lầm “mới nổi” kể từ khi mọi người tự đi xét nghiệm nhiều và xét nghiệm một cách tràn lan. Thứ nhất, người dân cứ thấy sốt là đi xét nghiệm mà không đi khám, từ đó dẫn đến tình trạng lo lắng quá mức trong trường hợp dương tính hoặc chủ quan nếu có kết quả âm tính.

Vị chuyên gia này kể: “Gần đây, tôi khám cho các bệnh nhi, bố mẹ đưa con đến đã lấy kết quả xét nghiệm ra, bảo em sợ nhất bệnh sốt xuất huyết, cúm A, cúm B, Adenovirus… Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính thì không rõ bệnh gì, chỉ biết con mình không mắc bệnh này, kỳ thực nếu bị bệnh khác thì cực kỳ nguy hiểm.

Sốt do rất nhiều bệnh, nhiều trường hợp sốt nhưng không bị cúm, sốt xuất huyết hay COVID-19. Đôi khi bố mẹ thấy con âm tính với 4,5 bệnh đang được nhắc nhiều nên chủ quan nhưng có khi lại bị bệnh khác, mà trường hợp mắc bệnh khác nhiều hơn. Trái lại, nếu có kết quả dương tính thì lại sợ quá”.

Bác sĩ khuyên mọi người không nên quá lo lắng, đừng tự đi xét nghiệm và tránh việc lạm dụng kháng sinh khi mắc cúm. Ảnh minh họa

Thứ hai, nhiều người lạm dụng kháng sinh. Theo các chuyên gia y tế, hệ thống miễn dịch của cơ thể có chức năng chống các tác nhân bất thường xâm nhập, đồng thời ghi nhớ để giúp nhận diện nhanh, mạnh mẽ hơn, đáp ứng tốt hơn khi tác nhân đó xâm nhập lần sau. Sử dụng kháng sinh bừa bãi đồng nghĩa với việc loại bỏ vai trò của hệ thống miễn dịch, bỏ đi vũ khí hiệu quả chống lại vi trùng, vi khuẩn khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ quan điểm: “Hiện tại nhiều người có dấu hiệu lạm dụng kháng sinh. Hậu quả của lạm dụng kháng sinh quá nhiều, không chỉ đối với riêng bệnh nhân đó. Hậu quả trực tiếp với người bệnh, đáng lẽ không phải uống thuốc kháng sinh nhưng lại dùng thì có thể gây dị ứng, nhẹ nhất là nổi ban, nặng nhất là sốc phản vệ. Trong một số trường hợp, sốc phản vệ do kháng sinh có thể gây tử vong. Ở mức độ trung bình, bệnh nhân có thể bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, sau đó có thể gây viêm ruột.

Một tác hại nữa là nhờn thuốc về sau, giảm sức đề kháng dẫn đến hay ốm. Thường xuyên ốm, cứ nghĩ kháng sinh giúp khỏi bệnh nên dùng. Tôi thấy một chu kỳ luẩn quẩn ở đây, dương tính với virus mà virus là không kháng sinh nhưng mọi người lại cứ uống, uống 3-4 ngày thấy khỏi và ngộ nhận là khỏi do kháng sinh. Trên thực tế, có khi không uống kháng sinh lại khỏi nhanh hơn. Tôi nói điều này nhiều người giật mình nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rồi”.

Trước tình hình bệnh dịch phức tạp, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng nêu ra 3 biện pháp khẩn cấp nhất cần thực hiện để bảo vệ sức khỏe, gồm không nên quá lo lắng, đừng tự ý đi xét nghiệm (trừ trường hợp bác sĩ yêu cầu) và tránh lạm dụng kháng sinh.

Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai khuyên các gia đình đừng tự đi mua kháng sinh nếu bị bệnh. Khi đến bệnh viện thăm khám, nếu cần dùng kháng sinh thì bác sĩ sẽ kê đơn. Bên cạnh đó, người dân cũng cần duy trì chế độ dinh dưỡng tốt và hợp lý, chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không để để nấm mốc phát triển, môi trường sống bị ô nhiễm.

Đinh Kim

Tin nổi bật