Theo chia sẻ của anh Đặng Văn Huy (thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) trên Báo Đắk Lắk – người tiên phong thí điểm mô hình nuôi kiến vàng trong vườn cà phê, trước đây mỗi năm vườn cà phê của gia đình anh phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít nhất khoảng 10 lần để phòng trừ các loại sâu, rầy, rệp gây hại.
Dù thuốc bảo vệ thực vật mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ cây trồng, nhưng về lâu dài, nó lại gây ra nhiều tác hại đáng lo ngại, từ việc tiêu diệt cả côn trùng có lợi, làm đất thoái hóa, đến ảnh hưởng sức khỏe người lao động và môi trường.
Nhận thức được điều này, gia đình anh Huy đã chủ động tìm kiếm giải pháp thay thế từ 10 năm trước. Anh chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học và nuôi kiến vàng để kiểm soát sâu bệnh, hướng tới mô hình sản xuất hữu cơ bền vững.
Gia đình anh nông dân Đặng Văn Huy nuôi kiến vàng "bảo vệ" cà phê. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Việc ứng dụng kiến vàng như một "thiên địch" đã được thực hiện bài bản và khoa học, mang lại hiệu quả vượt trội. Nhờ đó, số lượng sâu bệnh giảm đáng kể (40-50%), giúp giảm tới 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng.
Vườn cà phê của gia đình anh Huy không chỉ khỏe mạnh, sạch bệnh mà sản phẩm còn đảm bảo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, góp phần hình thành một hệ sinh thái cân bằng và phát triển bền vững.
Gia đình ông Y Đức Êban, 73 tuổi, ngụ buôn Sút M’grư, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, cũng tương tự. Gia đình ông sở hữu hơn 3 sào đất trồng cà phê và cây ăn quả.
Do tuổi cao và không chịu được mùi thuốc sâu, ông Đức đã quyết định không phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây suốt 3 năm qua. Điều này vô tình tạo điều kiện cho kiến vàng đến làm tổ và sinh sôi.
Mô hình sử dụng kiến vàng trong phòng, chống sinh vật gây hại cây cà phê được nhiều người đến tham quan học hỏi. Ảnh: Báo Đắk Lắk
Ông Đức nhận thấy rõ sự hiện diện của kiến vàng đã giúp giảm đáng kể số lượng sâu đục cành và rệp sáp, từ đó giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón.
"Lợi ích lớn nhất của việc không phun thuốc chính là bảo vệ sức khỏe", ông Đức chia sẻ với tờ Nông nghiệp Việt Nam. "Kiến vàng thường làm tổ trên cây bơ, sầu riêng, mãng cầu chứ ít làm tổ trên cây cà phê nên không ảnh hưởng nhiều đến việc thu hoạch."
Báo Đắk Lắk dẫn thông tin từ Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung cho hay, kiến vàng là loài kiến độc đáo với tập tính kết lá cây làm tổ. Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của việc sử dụng kiến vàng như một tác nhân kiểm soát sinh học, đối phó với các loài gây hại trên cây lâu năm nhiệt đới.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp, kiến vàng còn cho thấy khả năng kiểm soát côn trùng gây hại hiệu quả tương đương hoặc vượt trội so với thuốc trừ sâu hóa học. Điều này góp phần cải thiện năng suất và chất lượng nông sản, giúp nông dân giảm sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường và cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Kiến vàng được nuôi, làm tổ trên cây cà phê. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Kiến vàng có khả năng kiểm soát hơn 50 loài côn trùng gây hại, bao gồm bọ xít, bọ cánh cứng, sâu bướm, bọ trĩ và ruồi đục quả trên cây trồng nhiệt đới và cây lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, khả năng thích nghi cao và phản ứng nhanh với thay đổi môi trường cũng là một ưu điểm nổi bật của loài kiến này.
Nhận thấy tiềm năng to lớn của kiến vàng, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đã triển khai các mô hình nghiên cứu sử dụng chúng để kiểm soát sinh học sâu bệnh hại, hướng tới sản xuất cà phê hiệu quả, an toàn và bền vững hơn, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên.
Đây được xem là một phương pháp kiểm soát thay thế thân thiện với môi trường, đồng thời là giải pháp quan trọng cho nền nông nghiệp sinh thái, đa giá trị.