Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Anh em họ lấy nhau vì sợ mất tài sản cho người khác

(DS&PL) -

Nhiều buôn ở xã Ea Kênh (Đắk Lắk) có quan niệm trẻ con được thoải mái lấy nhau, bất kể là họ hàng. Vậy nên chuyện kết hôn cận huyết thống đang diễn ra khá phổ biến.

“Ở các buôn sâu xa của xã này, trẻ con học hết cấp 3 hiếm lắm, học thế chỉ có mà ế chồng, ế vợ hết à. Kết hôn không cần xem tuổi đâu, cứ nhìn dáng hình thấy ưng là được, có thể đẻ được là cưới”, ông Y Nam, một già làng ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pak (Đắk Lắk) vô tư giãi bày như vậy. Đúng như ông Nam nói, nhiều buôn ở xã Ea Kênh như; Ea Đun, Pốk, D’Dao chủ yếu là dân tộc Ê Đê, M’Nông họ có quan niệm trẻ con được thoải mái lấy nhau, bất kể là họ hàng. Vậy nên chuyện kết hôn cận huyết thống đang diễn ra khá phổ biến.

Bà H’Mí vợ già làng Ea Đun cùng con gái út đang kể về tình trạng anh em họ lấy nhau, con bà H’Mí cũng lấy chính em họ mình

Anh trai thông gia với em gái

Vì là anh em con chú, con bác lại chơi với nhau từ nhỏ nên 3 năm trước mới bước qua tuổi 14, bỗng nhiên Ma Linh thích em gái họ của mình là H’Nham. Tình cảm lớn dần lên khiến cho cả hai chỉ muốn được ở gần nhau. Ma Long ở buôn Ea Đun cũng vậy, dẫu chưa bước qua tuổi thiếu niên nhưng bởi trót thích và hứa hẹn với em cùng họ của mình nên nằng nặc đòi được lấy nhau.

Người dân ở đây bảo: “Ở đây à, nhiều cán bộ cho con lấy người cùng họ hàng lắm. Bởi thích rồi thì làm sao mà không lấy được. Hơn nữa, làm cán bộ hoặc già làng thì thường có nhiều của cải và giàu có hơn người khác nên họ càng không muốn thất thoát ra ngoài, họ hàng lấy nhau và giữ cho nhau”. Ở buôn D’Dao, buôn Pốk trường hợp này cũng không thiếu, đến nỗi già làng B’Hiu phải thốt lên: “Ôi chao, chuyện thường ngày ấy mà”.

Theo chị Nguyễn Thị Lệ, một cán bộ dân số xã Ea Kênh thì người thông gia với gia đình phó buôn Ea Đun không ai khác chính là em gái ông. Chị Lệ bảo: “Thông gia với chính em ruột mình, lại hay đi giao lưu bị nhiều người nói nên bây giờ Ma Phin hay tránh kể chuyện về việc kết hôn của con ông ấy lắm. Người lạ phải gạn hỏi mãi ông ta mới nói, còn người địa phương thì ai cũng biết cả rồi”.

Cũng giống Ma Phin, già làng Ma Hoong cũng vậy. Thông gia với ông chính là người em họ của mình. Nhiều người ở Ea Đun ít khi nhớ và gọi tên “cúng cơm” của ông mà người ta vẫn nôm na gọi ông là già làng. Thế nên câu chuyện nhà ông càng râm ran hơn, bởi vậy nên việc tìm đến nhà ông không khó.

Sau cơn mưa đầu mùa vội vã, đường vào nhà già làng xanh ngút ngàn cây rừng, rất tiếc ông không có nhà. Nhưng, vợ ông, bà H’Mí cũng là một người sở hữu đầy đủ nhất những câu chuyện kết hôn cận huyết thống ở đây. Thế nên, H’Mí say xưa kể hết cả buổi chiều.

H’Mí bảo: “Dân Ê Đê mình thật bụng lắm nên chỉ sợ người ngoài lừa lấy của cải. Mà chuyện này cũng đã xảy ra rồi đấy, năm 2011 có một đứa trong buôn lấy chồng ở huyện khác, chẳng thân thích gì nên bị nó lấy hết vòng bạc, chiêng ché rồi bỏ đi mất, không tìm lại được. Nhà tôi là già làng, lại lo lắng làm ăn nên  cũng có được nhà cao cửa rộng, có được chút tài sản nên không dám gả con cho người ngoài. Con trai tôi lấy cháu họ tôi mấy năm rồi, đã sinh con 2 đứa rồi. Bữa nay chúng đi rẫy hết, mùa gặt mà. Làm thông gia với nhà em họ nên mọi chuyện dễ hiểu nhau hơn vì thân thiết từ trước”.

Cũng theo H’Mí, khi gia đình xảy ra chuyện, hoặc tai nạn, hoặc người vợ, người chồng mất đi thì tài sản dù do người chồng hay cả hai vợ chồng cùng làm lụng, dù giàu hay nghèo, chăm chỉ hay không thì lúc chết đi, từ trâu, bò, ché rượu, nương rẫy, quần áo... đều được đem ra phân chia hết cho mọi người trong họ. Rời nhà H’Mí chúng tôi đến buôn Pốk, thật ngỡ ngàng khi hầu hết mọi người ở đây cũng xem chuyện anh trai thông gia với em gái hay em họ là chuyện bình thường.

Những đứa trẻ sống mòn vì di chứng

Chính vì quan niệm cổ hủ, sợ mất của nên những cuộc kết hôn cận huyết thống ở Ea Kênh đã để lại nhiều di chứng đau lòng. Năm 2008, chị em họ H’Mai Niê và Y Tuyn Ayun ở buôn Ea Đun xin phép gia đình được tổ chức đám cưới sau khi đã có nhiều ngày “ăn ở” cùng nhau, thấu tỏ cái bụng của nhau. Sau 5 năm làm vợ chồng, H’Mai đã sinh được 2 đứa con nhưng lạ thay đứa nào cũng nhỏ thó và không chịu lớn. Y Phong con đầu của H’Mai đã 4 tuổi nhưng nặng chỉ chừng hơn 10 kg, hai tay lúc nào cũng run lẩy bẩy. H’Mai bảo: “Chẳng biết đâu, nó cứ khóc mãi miết thôi, uống thuốc gì cũng không khỏi được, bác sỹ bảo nó bị bệnh từ lúc trong bụng ấy. Tới giờ tóc cũng không chịu mọc nữa.

Có đêm nó cứ khóc ngằn ngặt dù chẳng ai đụng vào nó, nó cứ thế cũng làm mình buồn cái bụng không đi làm rẫy được”. Chuyện của H’Mai làm tôi nhớ đến những lời kể đầy ám ảnh của vợ già làng buôn Ea Đun, bà H’Mí hôm đó. Bà H’Mí bảo: “Ở xã này chả thiếu những đứa trẻ từ lúc sinh đến lúc lớn không chịu ngủ, mắt cứ trợn lên, chân lại ngoặc lên đầu. Người ta cứ tưởng ma về ám nhưng cúng mãi mà không khỏi”.

Trong cuộc trò chuyện với tôi hôm đó, đứng ngay bên canh H’Mí là con gái út cua bà, H’Nhài. Như loáng thoáng nghe được câu chuyện, H’Nhài xen vào: “Người cùng dòng họ ở đây lấy nhau nhiều lắm. Ngay trước cổng nhà cháu đây này, chị H’Nhung vừa cưới anh họ mình mấy năm và sinh con đấy”.

Thấy tôi nhìn mãi vào đứa bé có đôi mắt tròn, hoang dại, nhưng cái đầu thì to lên một cách khác thường mà H’Nhài đang đeo trước ngực mình, H’Nhài giải thích: “Con anh cháu đấy, nó cứ khóc mãi à, hơn một tuổi rồi. Anh trai cháu lấy chị họ và đẻ ra. Không giống những đứa trẻ khác, nói gì nó cũng chẳng hiểu. Buồn lắm, cháu đi học các cô giáo bảo con anh cháu bị dị tật nên mới thế”.    

Theo hướng chỉ tay của H’Nhài, tôi sang nhà H’Nhung. Vợ chồng H’Nhung đều đi vắng, chỉ có đứa em út đang trông cháu. Con H’Nhung đã 2 tuổi nhưng vẫn chưa chịu cất tiếng nói, cứ ngẩn ngẩn, ngơ ngơ.  Năm 2008, khi mới 13 tuổi và đang học lớp 7, H’Lịch BKrông ở buôn Pốk cũng cưới cô em cùng dòng tộc của mình. Đứa con trai đầu lòng của cặp vợ chồng trẻ này khi sinh ra chỉ nặng 1,4kg và lớn rất chậm. H’Lịch buồn bã cho biết: “Cả ngày cháu chỉ biết nằm, ai bế ngồi dậy thì ngồi”.

Cuộc chiến xóa hủ tục

“Có lần đi tuyên truyền bà con đồng bào hãy từ bỏ quan niệm gả con cho người trong họ tộc nhưng họ lại nghĩ mình có ý đồ xấu, nhằm làm mất của nả nhà họ nên bị đuổi đi. Có đợt tuyên truyền hàng tháng nhưng người đồng bào đôi khi nghe trước quên sau nên đâu lại vào đó”, Nguyễn Oanh, cán bộ dân số huyện KRông Pắk chán nản cho biết.

Theo thống kê của chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk, riêng từ năm 2006 đến nay, có hàng trăm cặp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, trong đó xã Ea Kênh là tiêu biểu. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm suy thoái chất lượng nòi giống. Hơn nữa, trẻ vị thành niên cơ thể chưa phát triển nên khi sinh đẻ thường gặp nhiêu sự cố đau lòng.

Với đồng bào Tây Nguyên, già làng là người có tiếng nói quan trọng, nhưng chính già làng ở buôn Ea Đun và một số già làng khác cũng gả con cho người trong họ của mình, nên cuộc chiến xóa hủ tục này ở Ea Kênh càng trở nên khó khăn. Rõ ràng Nhà nước đã ban hành Luật Hôn nhân và Gia đình, nhưng thực tế Luật vẫn chưa tác động sâu và mạnh đến các tầng lớp nhân dân ở xã Ea Kênh. Vì vậy, cần có giải pháp lâu dài, theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu” thông qua các quả mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Đã đến mức báo động

Trong một hội nghị về vấn đề dân số được tổ chức ở khu vực Tây Nguyên, Tổng cục DS-KHHGĐ nhận định; tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc đã đến mức báo động. Trong 30 năm qua dân số nước ta đều tăng, tuy nhiên có một số dân tộc đang suy giảm dân số, đặc biệt là những dân tộc thiểu số. Tuổi thọ, chất lượng dân số (cân nặng, chiều cao) cũng đang thấp dần. Một trong những nguyên nhân chính là do tình trạng hôn nhân cận huyết thống dẫn tới các bệnh dị tật bẩm sinh và có tính di truyền như; mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đao, trí tuệ kém phát triển và tỷ lệ chết cao.

 


Tin nổi bật