Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hủ tục “ma thuốc độc” hủy diệt rợn người ở Quảng Ngãi

(DS&PL) -

Với đồng bào H’re (Quảng Ngãi) những “con ma thuốc độc” chính là mối hiểm họa tiềm tàng đe dọa an nguy cho cuộc sống gia đình họ...

Với đồng bào H’re (Quảng Ngãi) những “con ma thuốc độc” chính là mối hiểm họa tiềm tàng đe dọa an nguy cho cuộc sống gia đình họ...

Những hiện tượng tự nhiên không thể lý giải được hoặc việc người hay trâu bò đột nhiên chết không rõ nguyên nhân thì điều đầu tiên người ta nghĩ đến chính là “đồ độc”. Từ đó, “đồ độc” dường như là nỗi ám ảnh tột cùng, khiến đồng bào H’re phải né mình, kinh sợ...

Bếp lửa, vườn nhà, ruộng lúa là những nơi thường bị kẻ ác chôn gói “đồ độc” yểm hại người khác.

Truyền thuyết về sức hủy diệt của gói “đồ độc”

Đối với những bản làng người H’re, “đồ độc” là một vật cực kỳ linh thiêng nhưng cũng vô cùng đáng sợ. Từ già trẻ, gái trai, lớn bé..., hầu như ai cũng biết về sự lợi hại của loại bùa chú đặc biệt này, tuy nhiên rất ít người có cơ hội được tận mắt nhìn thấy “mặt mũi” những gói đồ nguy hiểm trên.

Theo quan niệm và lý giải của một số già làng người H’re, “đồ độc” xuất hiện từ xa xưa, có mặt trong đời sống của cộng đồng người H’re từ khi cất đất, lập làng cho đến tận ngày nay vẫn còn âm ỉ tồn tại (?). Nó là loại bùa chú được những vị phù thủy, thầy cúng cao tay dùng tà thuật hắc ám “yểm chú” để hại người.

“Đồ độc” có thể làm bằng nhiều cách khác nhau. “Đồ” có thể được lấy từ lông mép của con cọp rồi cắm vào măng tre và để lâu ngày “biến” thành sâu… phần sâu này chính là “đồ độc” có khả năng giết người... Cũng có vùng, “đồ độc” tồn tại dưới cái tên Giơ – rông (có nơi gọi Ka – tép) là một hỗn hợp gồm đất được lấy từ Cà-rần (mộ của người chết - PV)… tất cả được cho vào bao ni-lông hoặc mảnh vải nhỏ và buộc thành gói.

Muốn hại người chỉ cần đem những gói “đồ” này chôn vào chuồng gia súc hoặc ruộng lúa của người khác để trù, yểm... Sau đó, những người hoạt động “cầm đồ” sẽ dùng thần chú phù phép rất linh thiêng giúp “đồ” có khả năng làm mùa màng bị dịch bệnh, trâu bò đau ốm, thậm chí cả người cũng không thể tránh khỏi kiếp nạn.

Khi “độc” được pha vào bùa chú cũng sẽ trở thành “đồ”. Người có “đồ” phải cúng thần linh bằng huyết gà trống trắng. Muốn hại người khác thì người có “đồ” chỉ cần cho người đó ăn, uống hoặc vỗ vai, xoa đầu hay thậm chí chỉ cần nguyền rủa thôi thì kẻ thù cũng lăn ra ốm, chết tức thì (?). 

Đối với đồng bào H’re, những hiện tượng tự nhiên không thể lý giải được hoặc việc người hay trâu bò đột nhiên chết không rõ nguyên nhân thì điều đầu tiên người ta nghĩ đến chính là “đồ độc”. Từ đó, “đồ độc” dường như là nỗi ám ảnh tột cùng, khiến đồng bào H’re phải né mình, kinh sợ...

Rất nhiều trường hợp lâm vào hoàn cảnh éo le vì hủ tục này, như đôi vợ chồng trẻ này bị cả làng dọa giết và trong 3 ngày đã mất đi hai đứa con vì nghi ngờ trong nhà có "cầm đồ thuốc độc".

Bỗng dưng thành... “ma thuốc độc”!

Đối với đồng bào H’re, khu Cà – rần vốn là tử địa bất khả xâm phạm, ít người dám đặt chân đến, nhất là vào ban đêm. Tuy nhiên, vẫn có không ít người có thói quen kỳ lạ thích thăm thú Cà – rần, đặc biệt là vào đêm hôm khuya, các gói Giơ – rông lại không thể thiếu ít đất được lấy từ mộ người chết. Do vậy, những kẻ hay viếng thăm khu Cà – rần đương nhiên trở thành nghi can số 1 về việc sở hữu “đồ độc”.

Ngày 15/1/2010, tại Làng Lành (xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà), ba người gồm: Đinh Văn Sơn, Đinh Văn Pheng, Đinh Thị Thanh nghi ông Đinh Văn Túp có “đồ độc” hại người. Tất cả nguồn cơn sự việc cũng chỉ vì ông Túp ban đêm hay đi vào khu Cà-rần nên bị những người trên nghi đi bỏ “đồ”.

Không chỉ riêng khu Cà-rần mà bếp lửa, vườn nhà hay ruộng lúa nhà người khác cũng là một địa chỉ không được tự ý xâm phạm nếu không có sự đồng ý của chủ nhà. Rất nhiều người bị nghi kị “ma thuốc độc” chỉ vì vào không xin phép. Như trường hợp xảy ra vào tháng 8/2013, tại xóm Kà Lâm (thôn Làng Rào, xã Sơn Thủy), gia đình ông Đinh Văn Sên và người dân thôn Làng Rào nghi ngờ bà Đinh Thị Dĩ có “đồ độc”. Sỡ dĩ như vậy là do bà Dĩ tự ý đi vào bếp nhà ông Sên vào lúc trời chưa sáng, khi đó cháu Phu (con ông Sên – PV) tự nhiên tỉnh dậy bắt gặp bà Dĩ trong bếp nhà mình nên nói với cha. Sau đó, ông Sên báo sự việc cho làng, thế là bà Dĩ bị mọi người nghi đi bỏ “đồ độc” hại nhà ông Sên.

Lực lượng Công an đã vạch trần hàng chục thầy cúng, thầy bói có hành vi lừa đảo, bịa chuyện cầm đồ thuốc độc để trục lợi lấy tiền. Chính quyền Quảng Ngãi thực hiện nhiều biện pháp thuyên truyền và chính sách với thầy cúng, thầy bói vì bịa chuyện hủ tục cầm đồ thuốc độc để lừa đảo.

Cũng có rất nhiều trường hợp bị người làng quy tội “ma thuốc độc” chỉ vì cái tật ba hoa, khoác lác, tự cao tự đại, bất chấp tất cả. Ông Đinh Kà Rễ (trú thôn Tà Bần, xã Sơn Thủy), ông Đinh Văn Âm (trú thôn Nước Tăm, xã Sơn Thượng), vợ chồng bà Đinh Thị Bêu và ông Đinh Văn Nhã (trú thôn Làng Rào, xã Sơn Thủy) đều bị người dân cùng làng nghi có “đồ độc”. Điểm chung của những người này là hay nói về vấn đề mà đồng bào H’re rất kiêng kỵ đó là “đồ độc”; đã thế, những khi uống rượu say xỉn, những người này lại luôn mồm ba hoa đủ thứ về “đồ độc” để dọa nạt người làng. Vì vậy, việc những người này bị người làng nghi ngờ về “cầm đồ thuốc độc” cũng là điều dễ hiểu.

Nhiều người trở thành “ma thuốc độc” trong những tình huống hết sức éo le. Đơn cử như trường hợp của ông Đinh Pa Dê (trú thôn Làng Ghè, xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà) là một ví dụ. Ông Đinh Văn Nấch (trú cùng làng  - PV) vốn là chỗ bạn tâm giao với ông Pa Dê nên hay qua nhà ông Pa Dê chơi. Tháng 8/2011, như thường lệ, ông Nấch sang nhà ông Pa Dê ngồi uống nước chè nói chuyện phiếm. Tuy nhiên, vừa về đến nhà mình, ông Nấch lăn đùng ra chết. Không lý giải được vì sao ông Nấch lại đột ngột chết như vậy, gia đình ông Nấch quay sang quy kết cho ông Dê có “đồ độc” hại người.

Cũng có khi “ma thuốc độc” chỉ là tấm bình phong, là cái cớ để người dân giải quyết những thù hằn cá nhân. Ngày 7/1/2011, tại thôn Bồ Nung (xã Sơn Ky), xảy ra vụ án nghi kị cầm đồ thuốc độc giữa ông Đinh Kà Xa và ông Đinh Văn Rồ. Trước đó, ông Xa xảy ra mâu thuẫn với ông Rồ vì bị ông Rồ “ăn” mất hai con bò và một số tiền trong lần giải quyết tranh chấp. Vì vậy, ông Xa rất tức giận và có ý trả thù ông Rồ bằng cách làm ra gói Giơ - rông bỏ vào ruộng lúa nhà ông Rồ. Sự việc bị phát giác, ông Xa không chỉ bị ông Rồ đánh cho bầm giập khắp người mà còn bị người làng quy tội “ma thuốc độc”...

“Cầm đồ thuốc độc” - Một hủ tục rất khó xóa bỏ!?

Thời gian gần đây, trên địa bàn Quảng Ngãi xảy ra hàng chục vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, trong đó có vụ đánh chết người. Cùng với đó, lực lượng Công an đã vạch trần hàng chục thầy cúng, thầy bói có hành vi lừa đảo, bịa chuyện cầm đồ thuốc độc để trục lợi lấy tiền. Nguy hiểm hơn, việc bịa chuyện này gây nghi kỵ thù hận trừ khử đánh giết nhau.

Tại buổi gặp mặt, CAH Ba Tơ đã tuyên truyền bằng hình ảnh về những vụ cầm đồ thuốc độc gây chết người cũng như những vụ thầy cúng, thầy bói bị bắt vì bịa chuyện hủ tục cầm đồ thuốc độc để lừa đảo. 

Đồng thời tổ chức cho 210 thầy cúng, thầy bói ký cam kết chống tư tưởng mê tín, dị đoan, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trong đồng bào dân tộc Hrê; ký cam kết 02 của huyện ủy Ba Tơ không hành nghề bói toán dị đoan và đi xem bói; không cúng chữa bệnh, mê tín dị đoan.

Thượng úy Đặng Thành Vu (Phó Đội trưởng đội An ninh - Công an huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi), người gắn bó trực tiếp với đồng bào H’re suốt ba năm qua để nghiên cứu về tệ nạn nghi kị “cầm đồ thuốc độc” cho biết: “Do không thể lý giải được các hiện tượng tự nhiên xảy ra nên đồng bào H’re bắt đầu thần thánh, ma quỷ hóa các vấn đề đó dưới dạng bùa chú, mê tín dị đoan và dần dần hiện thực nó vào đời sống. Trải qua nhiều thế hệ, nó đã trở thành một hủ tục rất khó xóa bỏ”.

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật