Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

10 phát ngôn gây "dậy sóng" thế giới tuần qua: Nga ra tuyên bố "đanh thép" về vấn đề nhượng bộ lãnh thổ

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Cùng Đời sống & Pháp luật nhìn lại những tin nóng cùng 10 phát ngôn gây chú ý trong tuần qua (7-13/4/2025).

Ngoại trưởng Nga: Ukraine sẽ phải chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ

"Việc quay trở lại biên giới năm 1991, như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn yêu cầu, là điều không thể… Và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng hiểu điều này, họ đã nhiều lần công khai nói rằng ông Zelensky sẽ phải giải quyết vấn đề lãnh thổ", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong cuộc họp báo hôm 11/4.

Ngoại trưởng Lavrov cho rằng Mỹ đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Ukraine, trái ngược với Liên minh châu Âu (EU) và Anh.

Ngoại trưởng Nga cho biết bất kỳ giải pháp lâu dài nào với Ukraine sẽ chỉ khả thi nếu giải quyết được "nguyên nhân gốc rễ" của cuộc khủng hoảng, bao gồm cả nguyện vọng gia nhập NATO của Kiev.

Theo ông Lavrov, Tổng thống Donald Trump luôn nhấn mạnh mong muốn chấm dứt giao tranh giữa Moscow và Kiev.

"Chúng tôi thấy rằng, không giống như châu Âu, vốn hoàn toàn phớt lờ nguyên nhân gốc rễ của tình hình hiện tại, Mỹ có mong muốn đi đến tận cùng của vấn đề này", ông tuyên bố.

 

Mỹ, Iran đàm phán hạt nhân

Iran và Mỹ hôm 12/4 đã tổ chức cuộc gặp ngoại giao đầu tiên sau nhiều năm tại thủ đô Muscat của Oman. Các cuộc thảo luận tập trung vào chương trình hạt nhân của Iran và khả năng Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt.

Cuộc đàm phán kéo dài 2 tiếng rưỡi do Ngoại trưởng Iran Seyed Abbas Araghchi và Đặc phái viên Nhà Trắng tại Trung Đông Steve Witkoff chủ trì.

Mặc dù các cuộc đàm phán được tiến hành gián tiếp thông qua sự trung gian của Oman, nhưng người đứng đầu 2 phái đoàn đã có cuộc nói chuyện trực tiếp ngắn gọn trước sự chứng kiến của Ngoại trưởng Oman Badr al-Busaidi sau khi các cuộc đàm phán chính thức kết thúc.

Phát biểu với giới phóng viên tại Muscat, ông Araghchi mô tả vòng đàm phán đầu tiên là "mang tính xây dựng" và diễn ra trong "bầu không khí bình tĩnh, tôn trọng".

Ngoại trưởng Iran cho biết: "Hai bên đã thể hiện cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán cho đến khi đạt được thỏa thuận có lợi cho đôi bên từ vị thế bình đẳng".

Theo Ngoại trưởng Araghchi, 2 bên đều hướng đến mục tiêu phác thảo một khuôn khổ chung cho một thỏa thuận tương lai trong vòng đàm phán tiếp theo. 

Ukraine nêu thời điểm muốn kết thúc xung đột

Tờ Kyiv Independent đưa tin Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha ngày 12/4 cho biết nước này đang tìm kiếm hòa bình và muốn kết thúc xung đột với Nga trong năm nay.

Phát biểu tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Sybiha nói: "Chúng tôi muốn kết thúc cuộc chiến này trong năm nay".

Ông Sybiha nhấn mạnh việc đạt được hòa bình lâu dài là rất quan trọng vì kết quả của xung đột Nga-Ukraine sẽ định hình kiến trúc an ninh tương lai của châu Âu.

Ngoại trưởng Ukraine cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong chương trình nghị sự quốc tế, lưu ý rằng Ukraine với 110 lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu có thể đóng góp cho an ninh xuyên Đại Tây Dương.

 

Anh công bố gói viện trợ quân sự 580 triệu USD cho Ukraine

Ngày 10/4, Anh thông báo Ukraine sẽ nhận được gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 450 triệu bảng Anh (tương đương 580 triệu USD), trong bối cảnh các đồng minh châu Âu nỗ lực củng cố vị thế của Ukraine trước bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, trong tổng số viện trợ này, 350 triệu bảng Anh sẽ được trích từ gói hỗ trợ quân sự trị giá 4,5 tỷ bảng Anh mà quốc gia này dành cho Ukraine trong năm nay, phần còn lại sẽ do Na Uy đóng góp.

Gói viện trợ sẽ cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo trì phương tiện, thiết bị quân sự, cùng các hệ thống radar, mìn chống tăng và hàng trăm nghìn máy bay không người lái.

Ông Trump đề nghị các bên "ngừng nói suông" trong đàm phán Ukraine

"Tôi nghĩ đàm phán về xung đột Ukraine - Nga có thể đang diễn ra tốt đẹp và các bạn sẽ sớm biết được kết quả. Nhưng có những lúc bạn phải hành động thay vì nói suông. Chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra, nhưng tốt nghĩ mọi chuyện đang diễn biến tốt", Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/4 nói với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một.

Steve Witkoff, đặc phái viên của ông Trump, ngày 11/4 hội đàm cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin về xung đột Ukraine. Phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết cuộc gặp là "bước đi kế tiếp" trong nỗ lực đàm phán về lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa Nga và Ukraine.

"Tổng thống Trump đã nói khá rõ rằng ông liên tục thất vọng với cả hai bên trong xung đột và muốn thấy giao tranh kết thúc", bà Leavitt nói, thêm rằng Mỹ có lợi thế trên bàn đàm phán và sẽ sử dụng điều này.

 

Mỹ duyệt ngân sách quốc phòng 1.000 tỷ USD

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính quyền của ông đã phê duyệt mức ngân sách quốc phòng kỷ lục, khoảng 1.000 tỷ USD, bất chấp chiến dịch cắt giảm chi tiêu công đang diễn ra mạnh mẽ.

Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 7/4, ông Trump nhấn mạnh: "Chúng tôi rất chú trọng tiết kiệm, nhưng quân sự là lĩnh vực bắt buộc phải đầu tư, phải mạnh mẽ, vì hiện nay có quá nhiều thế lực xấu ngoài kia. Chưa ai từng chứng kiến điều gì như thế".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cũng khẳng định: "Chúng tôi cam kết sử dụng từng đồng tiền thuế của người dân một cách hiệu quả, tập trung vào sức mạnh hủy diệt và khả năng sẵn sàng chiến đấu".

Cam kết tăng chi tiêu quốc phòng của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh chính quyền ông, thông qua Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo, đang tiến hành cắt giảm mạnh tay các khoản chi liên bang.

Ukraine sẵn sàng mua lại viện trợ của Mỹ với giá 50 tỷ USD

Hôm 9/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nước này sẵn sàng trả tới 50 tỷ USD cho gói viện trợ quân sự trong tương lai từ Mỹ.

"Về gói viện trợ bổ sung, chúng tôi muốn và đã sẵn sàng. Chúng tôi đã gửi phía Mỹ đề nghị về gói viện trợ mà chúng tôi mong muốn để mua theo hình thức này hay hình thức khác. Đó là cách thức mà chúng tôi sẽ trả tiền. Chúng tôi không yêu cầu gói viện trợ miễn phí trong tương lai. Chúng tôi đang trông cậy vào nó như một sự đảm bảo an ninh", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu với các phóng viên ngày 9/4.

Ông nêu rõ rằng các yêu cầu của Ukraine trong gói này bao gồm hệ thống phòng không và các công cụ liên quan khác mà Ukraine rất cần. Ukraine đề nghị Mỹ cung cấp ít nhất 10 hệ thống phòng không Patriot.

"Đây là sự bảo vệ, sự hỗ trợ cho chúng tôi sau khi xung đột kết thúc. Đây là sự đảm bảo rằng Ukraine được bảo vệ bằng hệ thống phòng không. Chúng tôi có nhiều cách thức để chi trả cho viện trợ đó. Chúng tôi thậm chí sẵn sàng chi 30-50 tỷ USD", Tổng thống Ukraine nói thêm.

 

Thủ tướng Ukraine: Ukraine muốn là "trái tim công nghiệp" châu Â

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh EU - Ukraine tổ chức ở Brussels, Bỉ, ông Shmyhal kêu gọi Liên minh châu Âu đẩy nhanh tiến trình đưa Ukraine trở thành thành viên của khối.

"Hôm nay, Ukraine không chỉ là một quốc gia đang có chiến sự. Ukraine chính là điểm trung tâm mà quanh đó kiến trúc mới của châu Âu đang được xây dựng. Chúng tôi không phải vùng đệm. Chúng tôi không phải vùng xám. Chúng tôi là cơ hội mới để châu Âu tái khám phá bản sắc của mình", Thủ tướng Ukraine nhấn mạnh.

Ông kêu gọi các doanh nghiệp Tây Âu đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh tiềm năng hợp tác to lớn trong các lĩnh vực như khôi phục và sử dụng cơ sở lưu trữ khí đốt, năng lượng tái tạo, nông nghiệp và công nghệ thông tin.

Thủ tướng Ukraine khẳng định đất nước ông có thể trở thành "trái tim công nghiệp của châu Âu", đóng vai trò then chốt cho quá trình tái vũ trang và hướng tới tự chủ quốc phòng của EU.

Mỹ cảnh báo "nguy cơ lớn nhất" với châu Âu

Đài RT ngày 4/4 đưa tin, Phó Tổng thống Mỹ Vance mới đây đã có những chỉ trích nhằm vào giới lãnh đạo EU, khuyến cáo nguy cơ lớn nhất với khối này chính là các "chính sách nội bộ".

"Chúng ta phải làm rõ điều này, nguy cơ lớn nhất đối với châu Âu không phải là Nga hay Trung Quốc. Mối đe dọa lớn nhất của châu Âu tới từ bên trong, từ những chính sách nhập cư, quốc phòng và kinh tế kém hiệu quả", ông Vance cho biết.

Phó Tổng thống Mỹ nhận định, nhiều quốc gia EU đang "tự mâu thuẫn" trong chính sách với Nga. "Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu luôn coi Nga là nguy cơ lớn nhất. Nhưng họ vẫn mua hàng tỷ USD khí đốt của Moscow mỗi năm, trong khi chỉ chi 1% GDP cho quốc phòng", ông Vance nói.

Cũng theo "phó tướng" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, quan hệ hợp tác giữa Mỹ và châu Âu cũng sẽ gặp nhiều thách thức nếu EU không thay đổi.

"EU là bạn của Mỹ và chúng tôi muốn bạn bè của mình chia sẻ các giá trị chung. Mối quan hệ giữa hai bên sẽ trở nên căng thẳng nếu giới chức EU không tôn trọng nền dân chủ, đồng thời liên tục tạo ra tình trạng mất an ninh ở biên giới của chính họ", ông Vance nhấn mạnh.

 

NATO không tham gia đàm phán hòa bình Nga- Ukraine

Mới đây, khi được hỏi liệu NATO có bất kỳ "lằn ranh đỏ" nào trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine hay không, Tổng thư ký Mark Rutte trả lời: "Chúng tôi không có ranh giới đỏ nào của riêng mình vì chúng tôi không phải là một phần của điều đó. NATO không phải là một phần của các cuộc đàm phán đó. Những cuộc thương thuyết đang diễn ra do Mỹ cùng với Ukraine và Nga thúc đẩy. Tôi rất vui vì Mỹ đã phá vỡ được bế tắc và các cuộc đàm phán đang diễn ra". 

Ông Rutte bác bỏ khả năng NATO điều quân gìn giữ hòa bình tới Ukraine. "Điều đó không có khả năng xảy ra", quan chức này cho hay và nói thêm, các quốc gia thành viên liên minh có thể tự điều động quân đội. Một số quốc gia NATO, gồm cả Pháp, Anh và Đức trước đó đã nêu đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine sau khi Kiev và Moscow nhất trí thực thi lệnh ngừng bắn.

Người đứng đầu NATO nhấn mạnh, nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine không liên quan tới các cuộc đàm phán đang diễn ra. Ông nói: "Ukraine chưa nhận được lời hứa nào rằng nước này sẽ trở thành thành viên NATO như một phần của thỏa thuận hòa bình hay lệnh ngừng bắn. Đây là hai vấn đề riêng biệt, một thỏa thuận hòa bình và triển vọng dài hạn". 

Tin nổi bật