Trong những năm qua với thế mạnh có diện tích đất, khí hậu phù hợp để phát triển cây lâm nghiệp và kinh tế rừng, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi những cây trồng không phù hợp hoặc có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây quế đem lại giá trị cao. Tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình có diện tích trồng khoảng 1.260 ha quế. Trong đó, quế từ 1- 5 năm tuổi là 500 ha, từ 5 năm đến 10 năm có khoảng 560 ha, trên 10 năm có khoảng 200 ha. Dự kiến đến năm 2025, xã có khoảng 1.300 quế các loại.
HTX Thủy sản Hoàng Kim, xã Hán Đà, huyện Yên Bình đóng gói sản phẩm.
Với các sản phẩm như: Vùng thâm canh lúa chiếm 4.200 ha, trong đó có gần 200 ha trồng lúa đặc sản; vùng quế 3.000 ha; vùng trồng tre măng Bát độ trên 300 ha; vùng trồng chè trên 500 ha, vùng trồng rừng trên 36.000 ha, vùng nuôi trồng thủy sản trên 15.000 ha mặt hồ và 500 ha diện tích đất bán ngập hồ Thác Bà… Cùng với đó là vùng trồng cây ăn quả trên 2.170 ha, trong đó có 38,4 ha cây ăn quả được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 27,91 ha được cấp mã số vùng trồng. Năm 2024, huyện Yên Bình có 19,7 ha bưởi đặc sản Đại Minh được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Sản phẩm OCOP “Bưởi Đại Minh”, huyện Yên Bình
Năm 2023 huyện Yên Bình đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà. Đây là động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế địa phương, là định hướng mục tiêu, giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn đa giá trị, gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với du lịch, làng nghề truyền thống.
Yên Bình đã có sức bật mạnh mẽ như: Đẩy mạnh cơ cấu gỗ rừng trồng, chú trọng trồng mới, quy hoạch phát triển rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững cấp chứng chỉ FSC, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đến hết năm 2023, toàn huyện có gần 11.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Ngoài ra, là địa phương sở hữu vùng hồ Thác Bà với trên 19.000 ha mặt nước và trên 800 ha ao đầm - đây là là lợi thế lớn để Yên Bình phát triển nghề nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ sinh thái vùng hồ. Đến nay, toàn huyện có 2 doanh nghiệp, 5 HTX, trên 300 hộ dân nuôi trồng thủy sản với hơn 2.200 lồng nuôi cá và 230 ha diện tích mặt nước nuôi quây lưới. Sản lượng thủy sản hàng năm của huyện đạt trên 8.000 tấn, chiếm gần 1/4 tỷ trọng cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Các vùng sản xuất bước đầu được hình thành, góp phần thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm bền vững, hiệu quả, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân và làm giàu cho doanh nghiệp.
Để khai thác các tiềm năng thế mạnh, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bước sang năm 2024 huyện Yên Bình đã xây dựng 6 đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó có 4 đề án đã ban hành. Đó là, Đề án phát triển cây tre măng Bát độ, giai đoạn 2025-2030; Đề án phát triển quế hữu cơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn tiến tới tham gia thị trường tín chỉ Carbon trên địa bàn huyện Yên Bình, giai đoạn 2024- 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án trồng cây tràm lá dài dưới cos 58 hồ Thác Bà, kết hợp với nuôi ong mật gắn với du lịch.
Các đề án khi được triển khai sẽ là những định hướng, mục tiêu rất rõ trong phát triển nông lâm, nghiệp, thủy sản. Đây cũng là cơ sở để xác định vùng nguyên liệu phù hợp với ý tưởng đầu tư của doanh nghiệp, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chủ động phối hợp, liên kết triển khai bảo đảm chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy Yên Bình cũng cho biết: Hướng đến năm 2030, Yên Bình sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng 1.200 ha tre măng Bát độ, 5.000 ha quế hữu cơ, 12.000 ha rừng gỗ lớn được cấp mã chủ rừng theo tín chỉ carbon, bán tín chỉ carbon cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; gần 300 ha tràm lá dài gắn với nuôi 1.500 thùng mật ong; thu hút 12 dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ; 6 dự án nâng cao giá trị thương hiệu bưởi Đại Minh. Từ đó, sẽ mang lại sinh kế, thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, doanh nghiệp cùng nhiều giá trị khác…"
Trong đó có HTX Thủy sản Hoàng Kim xã Hán Đà, huyện Yên Bình. Ông Nguyễn Quyết - Phó Giám đốc HTX cho biết: "Hiện nay, HTX luôn duy trì số lượng khoảng 300 lồng cá, chủ yếu chăn nuôi cá lăng, cá diêu hồng và cá tầm. Năm 2021, HTX chính thức liên kết với Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà thực hiện chế biến các sản phẩm từ cá”. Hiện tại, HTX Thủy sản Hoàng Kim có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao: xúc xích cá lăng, chả cá lăng, giò cá lăng và ruốc cá lăng. Năm 2023, sản lượng bán ra đối với các sản phẩm cá đã qua chế biến của HTX đạt khoảng 5 tấn, sản lượng cá thương phẩm đạt khoảng 400 tấn, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng. Với sự quan tâm chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác đổi mới về công tác quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tham gia liên kết sản xuất chuỗi, đa dạng hóa các loại hàng hóa, đầu tư chế biến nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Đến nay, toàn huyện Yên Bình có 98 HTX với lao động thường xuyên trên 800 người.
Yên Bình nuôi trồng thủy sản trên mặt nước quây lưới nuôi cá.
Bà Đào Thị Thanh Hiền - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Thực hiện tiêu chí về chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững, huyện Yên Bình đã thực hiện các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được thực hiện tại 22 xã và 39 sản phẩm OCOP. Trong đó, một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, mã vùng trồng như: bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà, cá hồ Thác Bà... Do đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch; năm 2023 đạt 2.890 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2011”.
Nhằm đưa các sản phẩm nông lâm nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu huyện Yên Bình đã tổ chức Hội nghị triển khai, kế hoạch thực hiện các đề án, kế hoạch và thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn. Đây cũng là lần đầu tiên huyện tổ chức hội nghị riêng cho ngành nông nghiệp có đủ "4 nhà" cùng tham dự là: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông. Đây chính là một trong những hành động cụ thể của Yên Bình nhằm mục tiêu kết nối hợp tác triển khai thực hiện các dự án trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương góp phần xây dựng ngành nông nghiệp huyện Yên Bình ngày càng phát triển, tạo giá trị, sinh kế bền vững cho người dân và doanh nghiệp.