Tết Nguyên đán ở các nước châu Á không chỉ là ngày lễ quan trọng nhất mà còn là dịp để gia đình. Mỗi quốc gia sẽ có những món ăn truyền thống với quan niệm đem lại may mắn, thịnh vượng.
Trung Quốc
Há cảo. |
Há cảo là món ăn truyền thống, được góp mặt trong hầu hết các bữa tiệc của người Trung Quốc, đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền. Với cái tên "jiaozi", chúng được dùng để đại diện cho tiền bạc và sự thịnh vượng.
Há cảo có thể được nhồi bằng các thực phẩm tượng trưng khác để mang lại may mắn, chẳng hạn như đậu phộng cho sức khỏe. Đôi khi, thậm chí còn có một đồng xu bên trong và cho rằng ai là người ăn được chúng sẽ nhận may mắn suốt cả năm.
Bên cạnh đó, người Trung Quốc còn ăn cá vào những ngày này. Từ "cá" phát âm theo tiếng Trung Quốc gần giống với từ "dư" trong "dư thừa". Hai món ăn này được xem như "lá bùa" mang đến sự may mắn và thịnh vượng.
Mông Cổ
Các món ăn ngày Tết của Mông Cổ. |
Vào dịp Tết hay còn gọi là Tsagaan Sar, chủ nhà người Mông Cổ thường cùng họ hàng, con cái quây quần bên chiếc bàn gỗ phủ đầy thức ăn. Trong đó, 2 món chính bao gồm bánh kẹo và cừu luộc nguyên con béo ngậy sẽ được bày ra để tiếp đón những vị khách.
Họ sẽ cắt cho khách đến chơi nhà từng miếng thịt cừu, một ít bánh bao, salad bánh mì... Đặc biệt trên bàn tiệc còn có những chiếc bánh làm từ bột mì, hình tròn, rất to, xếp từng lớp. Người Mông Cổ cho rằng bánh này càng được xếp thành nhiều tầng, gia đình đó lại càng thịnh vượng. Ảnh: Toursofmongolia.
Hàn Quốc
Canh bánh gạo. |
Mâm cơm ngày Tết của người dân Hàn Quốc thường có đến 20 món. Bên cạnh kimchi hay canh rong biển quen thuộc, món ăn nhất thiết phải có là canh bánh gạo (Tteokguk). Canh bánh gạo gồm phần bánh gạo (tteok) và nước hầm (guk), ngoài ra còn có bánh gạo, trứng thái chỉ, đậu hũ, thịt bò, hành.
Việc ăn canh bánh gạo được suy đoán là có nguồn gốc từ thời cổ đại. Bánh gạo trắng thể hiện sự thanh khiết và sạch sẽ được coi như là một điều may mắn để bắt đầu một năm mới. Bát canh bánh gạo có ý nghĩa mang lại sự may mắn và sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Nhật Bản
Osechi |
“Osechi ryori” là bữa ăn mà hầu hết người Nhật Bản dùng vào đầu năm mới. Ý nghĩa gốc của món Osechi ryori chính là bữa ăn này giúp cho những người nội trợ (và gia đình họ) sống sót qua những ngày đầu tiên của năm mới, khi những cửa hàng trên khắp Nhật Bản đều đã đóng cửa.
Các thực phẩm để làm món Osechi có thể được chuẩn bị sẵn và để ở nơi thoáng mát trong vòng vài ngày mà không bị hư hỏng. Thông thường nhất, mọi thứ thường được đựng thành từng lớp trong các hộp sơn mài và có nhiều ngăn.
Ấn Độ
Món ăn Ấn Độ |
Điểm đặc biệt tại Ấn Độ là thời điểm đón năm mới khác nhau tùy thuộc vào mỗi địa phương. Miền Bắc đón năm mới vào tháng 4, miền Nam vào trung tuần tháng 3, ở bang Kirala vào tháng 6, miền Tây Ấn tháng 11-12. Lễ mừng năm mới ở Ấn Độ cũng phụ thuộc vào các truyền thống diễn ra ở từng vùng khác nhau.
Ví dụ, vào ngày này, cư dân miền Bắc trang trí bằng các loại hoa màu sắc khác nhau, phổ biến nhất là các màu hồng, đỏ, tím hoặc trắng. Trong khi đó, ở miền Nam, lễ mừng năm mới nhất định phải có một mâm quả. Buổi sáng, trẻ em nhắm mắt lại chờ người lớn dẫn đến mâm quả để chúng có thể thưởng thức hương vị của món ăn truyền thống này.
Tuy nhiên, điểm chung đặc biệt chính là mâm cỗ mừng năm mới trong các gia đình Ấn Độ không thể thiếu món ăn truyền thống là beriane (cơm trộn thịt).
Singapore
Gỏi cá thịnh vượng - Yu Sheng |
Mâm cơm ngày Tết của người Singapore sẽ có 8 món chính. Trong đó, Phát tài (hay còn gọi Lo Hei, Yuseng) là thứ không thể thiếu trong bữa ăn ở đây. Món ăn được làm từ cá hồi sống, rau củ thái sợi như đu đủ, khoai môn, bưởi, gừng...
Khá giống quan niệm người Trung Quốc, các món ăn truyền thống Singapore cũng mang những ước nguyện khác nhau, với hy vọng mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới như cá, mì trường thọ... Tuy nhiên, Pencai là món ăn hơi khác biệt khi không mang ý nghĩa tượng trưng nào cả. Nó hấp dẫn người Singapore bởi khẩu phần lớn và nhiều nguyên liệu quý.
Campuchia
Cà ri |
Món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Chol Chnam Thmay của người Campuchia là cà ri. Theo phong tục, vào dịp Tết cổ truyền, mỗi gia đình Campuchia sẽ có ít nhất một người mang thức ăn lên chùa nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên. Sau đó, cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức cà ri cay nồng đặc trưng.
Lào
Món Lạp |
Tết của người Lào là Songkran hoặc Pi Mai, người dân đất nước Triệu Voi thường đón năm mới muộn - vào khoảng giữa tháng tư dương lịch hàng năm. Món Lạp được xem như "linh hồn" của mâm cơm đầu năm, bởi Lạp có ý nghĩa là phúc lộc dồi dào và may mắn trong tiếng Lào. Món ăn này gồm thịt gà hoặc thịt bò băm nhỏ rồi trộn với nhiều loại rau mùi, nước cốt chanh và thính nếp rang vàng, ăn kèm với cơm nếp dẻo.
Người Lào cũng nấu món Lạp để đem đi biếu tặng thay lời chúc đầu năm mới và mong ước tài lộc đến với người thân. Họ quan niệm nếu Lạp không ngon tức là cả năm đó họ sẽ gặp điều không may.
Việt Nam
Mâm cơm truyền thống ngày Tết của Việt Nam |
Ẩm thực ngày Tết của người Việt đa dạng, thay đổi theo từng vùng miền. Tuy nhiên, các món ăn đều hướng về những giá trị văn hóa truyền thống chung của đất nước, thể hiện cả tấm lòng thành kính để dâng lên tổ tiên. Người Việt chủ yếu chuẩn bị những món màu xanh, đỏ tượng trưng cho may mắn, tài lộc. Mâm cúng thường có 4 hoặc 8 món, đại diện cho bốn mùa và ngăn chặn những điều xui xẻo trong năm mới.
Dù ở đâu, món bánh chưng cũng không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Việt. Bánh được làm từ gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh... Những nguyên liệu này là tinh hoa trong nền nông nghiệp lúa nước của người Việt từ xa xưa. Ngoài ra, mâm cơm còn có thịt đông, giò chả, gà luộc, thịt kho, canh măng... Mỗi món ăn đều gắn với những ý nghĩa nhất định.
Mộc Miên (T/h)