Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xung đột Israel – Hezbollah leo thang không phanh, vì sao quân đội Lebanon vẫn "án binh bất động"?

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Đối đầu với Hezbollah là con đường dẫn đến nội chiến ngay lập tức, quân đội Lebanon cũng không thể ủng hộ phong trào này, vì có thể khiến phương Tây không hài lòng.

Ngày 1/10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo khởi động "các cuộc tấn công trên bộ hạn chế, tập trung vào các cơ sở của nhóm vũ trang Hezbollah" tại các ngôi làng miền nam Lebanon, nằm gần biên giới Israel. Các lực lượng pháo binh và không quân Israel đang hỗ trợ cho bộ binh trong các cuộc tấn công này.

Tel Aviv chưa công bố thời gian cụ thể của chiến dịch, nhưng cho biết quân đội Israel đã "được huấn luyện và chuẩn bị trong suốt nhiều tháng". Chiến dịch diễn ra ngay sau khi lãnh đạo Israel phê duyệt kế hoạch tác chiến trong đêm 30/9, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah.

Trong tuần trước đó, quân đội Israel liên tục thực hiện các cuộc tấn công vào Lebanon, khiến hơn 700 người thiệt mạng. Đáp trả, Hezbollah đã phóng hàng trăm rocket vào các mục tiêu ở phía bắc Israel và tên lửa đạn đạo vào Tel Aviv. Ngày 28/9, tình hình leo thang khi Hezbollah xác nhận rằng thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah đã bị Israel hạ sát một ngày trước đó.

Căng thẳng giữa Hezbollah và Israel đang ngày càng leo thang. Ảnh minh họa

Các động thái trên làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chiến tranh toàn diện giữa Hezbollah và Israel, tuy nhiên quân đội Lebanon (LAF) đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”.

"LAF tuân thủ theo lệnh từ chính phủ, nhưng tại cấp này, đã có sự bất đồng kéo dài," giáo sư Khalil Helou, chuyên gia địa chính trị tại Đại học St Joseph, thủ đô Beirut, Lebanon, cho biết.

Quốc hội Lebanon gồm các đại diện từ các cộng đồng tôn giáo với quan điểm khác nhau. Những sự bất đồng đã khiến họ chưa thể chọn được người thay thế cho cựu tổng thống Michel Aoun, người đã mãn nhiệm vào tháng 10/2022, và điều này ảnh hưởng đến khả năng ra quyết sách của chính phủ. "Quân đội có quyền tự quyết. Dù tổng tư lệnh hiện tại là ai, họ vẫn phải tự đưa ra quyết định mà họ cho là thích hợp," ông Helou nói thêm.

Thực tế, các lữ đoàn LAF đã được điều động đến miền nam Lebanon với vai trò tham gia phái đoàn gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (UNIFIL), chứ không phải là lực lượng chiến đấu. Họ không có khả năng phòng không để có thể bắn hạ tên lửa Israel.

Hezbollah về danh nghĩa là thế lực chính trị hợp hiến, hợp pháp của cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite ở Lebanon. Cánh vũ trang của nhóm hoạt động tách biệt khỏi cơ cấu LAF và được coi là lực lượng ủy nhiệm của Iran, nằm trong "trục kháng chiến" chống Israel được Tehran hậu thuẫn.

Khói lửa bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào trung tâm thủ đô Beirut. Ảnh: Reuters

Các cuộc giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah diễn ra gần như hàng ngày kể từ khi xung đột Gaza bùng phát vào tháng 10/2023. LAF không thể hiện sự ủng hộ đối với Hezbollah vì điều này có thể khiến các nước tài trợ ở phương Tây, Saudi Arabia và Vùng Vịnh không hài lòng.

"LAF phụ thuộc vào viện trợ từ nước ngoài để hiện đại hóa và thay thế trang thiết bị, trong khi Lebanon không có ngành công nghiệp quốc phòng đủ mạnh", Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS) có trụ sở tại Anh đã đánh giá vào tháng 2, khi phân tích năng lực quân đội các nước trên thế giới.

Mỹ là nhà tài trợ chính cho an ninh của Lebanon. Từ năm 2006, Mỹ đã cung cấp hơn 5,5 tỷ USD viện trợ cho Lebanon, trong đó hơn 3 tỷ USD dành cho LAF nhằm tăng cường sức mạnh đối phó với Hezbollah. Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt Hezbollah vào danh sách "tổ chức khủng bố nước ngoài" từ năm 1997.

Các thế lực chính trị khác ở Lebanon cũng không quá lo lắng nếu Hezbollah thất bại, nhưng họ biết rằng có những lằn ranh đỏ không thể vượt qua. Đó là lý do LAF không ngăn cản Hezbollah nhưng cũng không ủng hộ nhóm này.

"Đối đầu với Hezbollah là con đường dẫn đến nội chiến ngay lập tức. Các chỉ huy quân đội hiểu rằng ưu tiên hàng đầu là ổn định trong nước thay vì bị cuốn vào một cuộc chiến kéo dài với Hezbollah", ông Helou giải thích.

Trong trường hợp Israel phát động một chiến dịch quy mô lớn vào Lebanon, lực lượng vũ trang nước này sẽ phải đối mặt với một tình thế khó khăn: hoặc đối đầu với quân đội Israel hoặc phải giải giáp Hezbollah bằng vũ lực, và cả hai trường hợp đều phải thực hiện theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Tin nổi bật