Theo báo VTC News, ngày 6/9, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã nêu thực tế về tình trạng vi phạm bản quyền ở trên không gian mạng, đặc biệt là vi phạm bản quyền về các trận đấu bóng đá ở các giải lớn hoặc những trận bóng có đội tuyển Việt Nam tham dự.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử. Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM
Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết, vừa qua, Cục đã phối hợp với các doanh nghiệp lớn để có các giải pháp ngăn chặn các vi phạm bản quyền này.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, có tình trạng khi các doanh nghiệp viễn thông ngăn chặn trang web lậu thì các trang này lại đổi địa chỉ Ip, tên miền nhanh chóng, chỉ mất khoảng 5-10 phút.
Ông Quang nhấn mạnh đây là cuộc chiến vô cùng cam go, bởi vì cứ chặn lại lập ra trang khác thì một cuộc rượt đuổi tốn rất nhiều nguồn lực. Đặc biệt ,website vi phạm trắng trợn nhất, vi phạm nghiêm trọng nhất phải kể đến "Xôi Lạc" với 20 tên miền khác nhau.
“Sau khi phối hợp với Công an, các doanh nghiệp tìm hiểu thì thấy họ vận hành rất chuyên nghiệp”, ông Lê Quang Tự Do nói. Do đó, theo ông Tự Do vi phạm này không dừng mức xử lý hành chính mà ở mức xử lý cao hơn.
Theo báo Tuổi trẻ, chỉ cần vào công cụ tìm kiếm gõ từ khóa "trực tiếp bóng đá", hàng chục triệu kết quả với hàng nghìn địa chỉ website sẽ hiện ra. Trong đó, những địa chỉ như: socoliv..., xoila..., 90phu... được cộng đồng mạng xem là những "điểm đến" nổi tiếng.
Chẳng hạn tại website xoila..., người dùng có thể xem trực tiếp các trận bóng đá không chỉ toàn bộ các giải đấu lớn như Ngoại hạng Anh, Champions League, La Liga, Serie A, World Cup, Euro, Copa America... mà còn cả các giải bóng đá trong nước và khu vực. Không chỉ bóng đá nam, có cả link xem bóng đá nữ hay các môn thể thao khác như quần vợt, bóng bàn...
Ngoài xoila..., hệ thống này còn có nhiều địa chỉ tên miền khác phòng khi bị chặn. Hệ thống này còn tự tin cho biết đứng sau mình là "những chuyên gia bóng đá hàng đầu tại Việt Nam cũng như các kỹ thuật viên công nghệ thông tin chuyên nghiệp".
Socoliv... cũng là một trang web mới phát triển tại Việt Nam từ cuối năm 2021 nhưng hiện đang thu hút rất nhiều người đam mê bóng đá.
Thực trạng trên khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực "khóc đứng, khóc ngồi" khi có doanh nghiệp đã bỏ ra hàng triệu USD để mua bản quyền phát sóng các trận bóng đá hay phim ảnh tại Việt Nam.
Bà Tô Nam Phương (Truyền hình FPT Play) nhấn mạnh các trang web, ứng dụng phát sóng lậu ngày càng tinh vi, ảnh hưởng trực tiếp đến những đơn vị vẫn luôn đầu tư các nội dung bản quyền.
"Việc các website, ứng dụng phát sóng lậu các nội dung do FPT Play sở hữu bản quyền đã khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thiệt hại khi công ty đã phải đầu tư rất lớn ban đầu", bà Phương nói.
Ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VieON, bức xúc: "Không chỉ các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ lẻ mà chúng tôi còn ghi nhận các công ty, tập đoàn lớn, kể cả một "kỳ lân công nghệ" của Việt Nam vi phạm bản quyền hàng loạt nội dung, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng cho DatVietVAC - đơn vị sở hữu bản quyền".
Theo ông Thủy, vi phạm bản quyền tràn lan ở Việt Nam đang từng ngày từng giờ bào mòn nguồn lực của các nhà sản xuất nội dung trong nước - những người bỏ ra rất nhiều tiền để mua bản quyền nội dung quốc tế cũng như sản xuất phim và chương trình giải trí độc quyền.
Vân Anh (T/h)