ChatGPT bị kiện vi phạm bản quyền AI ở Mỹ
Hãng tin AFP ngày 11/7 đưa tin diễn viên hài người Mỹ Sarah Silverman cùng hai tác giả Christopher Golden và Richard Kadrey đã kiện công ty Open AI vi phạm bản quyền.
Đây là khiếu nại mới nhất của giới sáng tác đối với các công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kể từ khi Open AI phát hành ChatGPT gây bão trên toàn thế giới.
Bên nguyên đơn cáo buộc Open AI sử dụng các tác phẩm của họ mà không xin phép để đào tạo các mô hình AI. Vụ việc này được cho là sẽ dẫn tới gia tăng các trường hợp gây phức tạp cho sự phát triển của xu hướng công nghệ mới lớn nhất thế giới. Ngoài ra, các nguyên đơn cũng kiện công ty mẹ của Facebook là Meta đã dùng các bản tải sách của họ cho mục đích đào tạo.
Cụ thể, trong vụ kiện này, các tác giả đề cập cuốn hồi ký “The Bedwetter” bán chạy nhất năm 2010 của Silverman, tiểu thuyết kinh dị "Ararat" của Golden và loạt tiểu thuyết siêu nhiên lừng danh “Sandman Slim” của Kadrey. Các tác giả kiện OpenAI sử dụng sách của họ làm tài liệu đào tạo ChatGPT và kiện Meta sử dụng tác phẩm của họ phục vụ xây dựng mô hình LLaMA.
Luật sư của phía nguyên đơn cho biết phần lớn tài liệu đào tạo OpenAI và Meta sử dụng đến từ “các tác phẩm có bản quyền - trong đó có sách của các nguyên đơn - được sao chép mà không có sự đồng ý của tác giả cũng như không trả tiền hay bồi thường".
Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 12/7: ChatGPT bị kiện vi phạm bản quyền AI ở Mỹ
Trong cả hai vụ kiện, tòa án bang California (Mỹ) đã thụ lý hồ sơ ngày 7/7 vừa qua, các tác giả cáo buộc việc các công ty công nghệ OpenAI và Meta sử dụng tác phẩm của họ để đào tạo các mô hình AI là vi phạm bản quyền. Nếu những vụ kiện này thành công, các công ty công nghệ sẽ phải thay đổi cách thức đang thực hiện trong xây dựng các mô hình và tạo nội dung. Các khiếu nại tương tự gần đây gồm vụ các chủ sở hữu mã nguồn kiện OpenAI và GitHub của Microsoft; các nghệ sĩ thị giác và hãng Getty Images kiện Stability AI.
Hiện OpenAI từ chối bình luận về vụ kiện trong khi Meta chưa có phản hồi.
Samsung cho các công ty nhỏ sử dụng miễn phí nhiều công nghệ
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, hãng sản xuất hàng điện tử tiêu dùng Samsung Electronics của Hàn Quốc sẽ cho phép các công ty nhỏ trong nước sử dụng nhiều công nghệ miễn phí bản quyền để đạt được tăng trưởng.
"Gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc sẽ chuyển giao 123 loại công nghệ được cấp bản quyền của mình trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm chất bán dẫn, màn hình và thiết bị di động cho 86 công ty nhỏ hơn mà không nhận tiền bản quyền.
Chính phủ Hàn Quốc đã khởi động chương trình chia sẻ công nghệ vào năm 2013. Kể từ đó, 33 tập đoàn và các công ty nhà nước đã chia sẻ 2.979 công nghệ được cấp bằng sáng chế với 1.416 công ty nhỏ.
Bộ trên cho biết Samsung đã tham gia chương trình này vào năm 2015 và đã chia sẻ 1.082 công nghệ được cấp bằng sáng chế với 588 công ty.
Hôm thứ Ba (11/7) Samsung cũng đã ký một biên bản ghi nhớ với Bộ trên và Viện Phát triển công nghệ Hàn Quốc (KIAT) nhằm kêu gọi xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp đôi bên cùng có lợi thông qua chia sẻ công nghệ.
"Chương trình này đã và sẽ là cơ hội tốt cho các công ty nhỏ nâng cao khả năng cạnh tranh công nghệ của họ," quan chức cấp cao Hwang Soo-seong của Bộ cho biết./.
Threads đạt 100 triệu người dùng trong 5 ngày
Chỉ trong vòng 4 ngày kể từ khi ra mắt, trình theo dõi Quiver Quantitative cho biết Threads đến từ Meta đã có hơn 100 triệu người dùng, đưa Threads trở thành dịch vụ Internet cán mốc này nhanh nhất thế giới. Kỷ lục này trước đó thuộc về ChatGPT với thời gian 2 tháng.
Meta chưa đưa xác nhận số lượng người tham gia Threads. Tuy nhiên, nền tảng này cung cấp tính năng tặng huy hiệu cho người dùng dựa trên số thứ tự đăng ký. Người dùng cũng khó xóa tài khoản vì chúng liên kết với Instagram. Vì vậy từ số thứ tự, các hệ thống có thể dễ dàng biết mạng xã hội đã thu hút bao nhiêu thành viên.
XEM THÊM: Vành đai 4 khởi công, bất động sản “ăn theo” vẫn đìu hiu
Đặt lên bàn cân, có thể thấy Threads đã tạo ra kỷ lục mới. Trong khi ChatGPT mất 2 tháng, TikTok mất 9 tháng và Instagram mất hơn 2 năm để đạt 100 triệu người dùng thì Threads chỉ mất vỏn vẹn 5 ngày.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, do Threads nằm trong hệ sinh thái của Meta, nên người dùng Threads có thể dễ dàng tạo tài khoản từ Instagram. Việc mạng xã hội này có hàng tỷ người dùng trên toàn cầu được đánh giá là sự hỗ trợ lớn đối với tân binh như Threads.
Hoàng Yên (T/h)