Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xét xử vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2: Những giọt nước mắt và sự ân hận muộn màng

  • Khánh Ngân
(DS&PL) -

Các bị cáo trong giai đoạn 2 vụ "chuyến bay giải cứu" đều nhận tội, trình bày sự ân hận muộn màng và xin được hưởng khoan hồng.

Những giọt nước mắt ân hận

Chiều 25/12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 với 17 bị cáo về các tội đưa, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. HĐXX nghe quan điểm bào chữa của các luật sư và bị cáo, sau đó quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 14h ngày 27/12.

Được quyền tranh luận, các bị cáo đều nhận tội chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, sớm trở về xã hội. Nhiều bị cáo đã khóc khi nói về hành vi sai trái của bản thân, nghĩ về gia đình…

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. (Ảnh: Nam Phương)

Bị cáo Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt, cho biết sau khi được giao nhiệm vụ thực hiện công tác cách ly, bị cáo không ngại nguy hiểm, gian khó, tiếp xúc với những người trực tiếp gặp bệnh nhân mắc COVID-19.

"Bị cáo cũng không biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật cho tới khi cơ quan điều tra giải thích, bị cáo đã hiểu ra điều này. Bị cáo sinh ra trong gia đình con nhà nghèo, hiện phải chăm sóc bố mẹ. Bị cáo mong được hưởng sự khoan hồng nhất của pháp luật để sớm có điều kiện chăm sóc gia đình và con", nữ bị cáo bật khóc tại tòa.

Cùng tâm trạng, bị cáo Nguyễn Mạnh Cương, cựu Trưởng phòng Thương mại điện tử hãng Vietjet cũng bật khóc khi lên bục tự bào chữa. Bị cáo Cương nói rằng vì sai lầm mà ngày hôm nay phải đứng trước toà và trả giá, bị cáo xin HĐXX cho bị cáo có cơ hội sớm trở lại, mong lấy bản thân mình làm tấm gương cho thế hệ sau phải chấp hành nghiêm quy định pháp luật.

Bị cáo Vũ Hồng Quang, cựu Phó phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam trình bày, sau khi biết bản thân phạm tội đã rất sốc, không chỉ với bản thân mà còn cả gia đình. Sau đó, bị cáo đã viết đơn tường trình lại toàn bộ diễn biến phạm tội của bản thân trước khi có quyết định khởi tố và phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra giúp sớm làm rõ nội dung vụ án. Bị cáo Quang đã bị phạt 4 năm tù ở giai đoạn 1 vụ án và đến nay, bị đề nghị thêm 3 – 4 năm tù.

Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ công an, bị xét xử về tội che giấu tội phạm, thừa nhận hành vi và nói rằng, đây là vết nhơ theo suốt cuộc đời. Chỉ vì nể nang, dẫn đến hành vi phạm tội, mất hết tất cả 30 năm phấn đấu ở lực lượng công an. Bị cáo cũng nói, trước khi ngồi ở phòng xét xử, bị cáo đã phải đấu tranh tâm lý rất nhiều và suy nghĩ rất nhiều.

"Bị cáo đã để lại những vết nhơ trong cuộc đời, nói chung là rất buồn. Bị cáo xin HĐXX, đại diện VKS mở lòng bao dung để bị cáo sớm có cơ hội làm lại cuộc đời, tái sinh lại cuộc đời", bị cáo trình bày.

Nói lời sau cùng, bị cáo Trần Tùng, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên vừa khóc vừa xin lỗi, bị cáo bày tỏ sự ân hận bởi do “nhận thức sai lầm” nên “làm hỏng tất cả”. Bị cáo Trần Tùng còn nói lời cám ơn HĐXX, luật sư, các sở, ngành và xin nương tay cho bị cáo được hưởng khoan hồng.

VKS đã cân nhắc mức án đề nghị

Bào chữa cho bị cáo Phạm Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH PNR, luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết và luật sư Trịnh Văn Tuyến cho rằng việc bị cáo Thắng phải đứng trước phiên tòa hôm nay có một phần nguyên nhân là sức ép, nhu cầu rất lớn của công dân ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam trong đại dịch.

Luật sư Tuyết trình bày, thân chủ của bà phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, không hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là sai trái, phạm pháp. Nữ luật sư cũng đánh giá vai trò của Thắng chỉ là giúp sức thứ yếu, không đáng kể, hành vi phạm tội giản đơn, thụ động.

Luật sư tại phiên tòa trình bày các luận cứ bào chữa cho thân chủ (Ảnh: Nam Phương).

Còn luật sư Trịnh Văn Tuyến đề nghị HĐXX xem xét một phần công lao của bị cáo trong việc đưa được 345 người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong thời điểm dịch bệnh; xem xét tương quan giữa số tiền đưa hối lộ và số tiền hưởng lợi so với các bị cáo khác. 

Đối đáp với các ý kiến bào chữa, đại diện VKS nhấn mạnh khi ban hành cáo trạng, phát biểu bản luận tội, VKS ghi nhận tất cả các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Đối với các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo, luật sư nêu thêm tại phiên tòa, VKS đề nghị HĐXX xem xét.

Đối với quan điểm của một số bị cáo, luật sư cho rằng mức án mà VKS đề nghị là có phần quá nặng, VKS cho biết, trước khi đề nghị mức án, VKS đã xem xét nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đồng thời đối chiếu với mức án của giai đoạn 1 để đưa ra đề nghị mức án có cơ sở pháp lý.

Tin nổi bật