Ngày 21/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ sự tiếc nuối sau thông báo của Mỹ về ý định rút khỏi tổ chức này. Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp rút lui với lý do liên quan đến hiệu quả hoạt động của WHO trong đại dịch COVID-19 và gánh nặng tài chính không cân xứng mà Mỹ phải chịu.
WHO cho biết tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và an ninh của người dân thế giới, bao gồm cả người Mỹ. Cơ quan này giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bệnh tật, xây dựng hệ thống y tế mạnh mẽ hơn cũng như phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe, bao gồm cả dịch bệnh bùng phát, thường ở những khu vực nguy hiểm, nơi mà không phải ai cũng có thể tới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ảnh: Getty
Cũng theo WHO, Mỹ là thành viên sáng lập của WHO vào năm 1948 và đã tham gia định hình và điều hành công việc của WHO kể từ đó, cùng với 193 quốc gia thành viên khác, bao gồm cả việc tham gia tích cực vào Hội đồng Y tế Thế giới và Ban Điều hành. Trong hơn bảy thập kỷ, WHO và Mỹ đã cứu sống vô số người và bảo vệ người Mỹ cũng như mọi người khỏi các mối đe dọa về sức khỏe.
"Chúng ta đã cùng nhau chấm dứt bệnh đậu mùa và đưa bệnh bại liệt đến bờ vực xóa sổ. Các tổ chức của Mỹ đã đóng góp và hưởng lợi từ tư cách thành viên của WHO", tổ chức cho hay.
Tổng Giám đốc WHO - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi Mỹ cân nhắc lại quyết định, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của đoàn kết toàn cầu để bảo vệ sức khỏe cho mọi người.
Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi WHO không phải là quyết định bất ngờ. Kể từ năm 2020, ông Donald Trump, khi đó đang giữ cương vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ, đã có hàng loạt công kích nhằm vào cách thức tổ chức y tế lớn nhất thế giới xử lý đại dịch COVID-19, cũng như tuyên bố sẽ cắt nguồn tài trợ của Mỹ dành cho ngân sách thường niên của cơ quan y tế này.
Trước thông tin Mỹ rút khỏi WHO, các chuyên gia y tế đánh giá động thái này sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ với tư cách là quốc gia đi đầu về y tế toàn cầu, đồng thời khiến việc đối phó những đại dịch mới trong tương lai trở nên khó khăn hơn.
Tổng Giám đốc WHO - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Getty
WHO được thành lập vào năm 1948, ban đầu cơ quan này nhận được tất cả các khoản tài trợ thông qua "đóng góp được đánh giá", tức phí thành viên của các quốc gia được tính theo mức độ giàu có và dân số.
Tuy nhiên, tổ chức này ngày càng phụ thuộc vào "đóng góp tự nguyện", tức chỉ đóng góp vào các kết quả do nhà tài trợ chỉ định.
Đại dịch COVID-19 đã nhấn mạnh nhu cầu về nguồn tài chính đáng tin cậy và linh hoạt hơn, để có thể xử lý tốt hơn các cú sốc sức khỏe mới nổi. Do đó, các quốc gia thành viên WHO đã đồng ý chuyển hướng khỏi các khoản đóng góp tự nguyện và tăng phí thành viên chiếm 50% ngân sách của tổ chức vào năm 2030.
Dù vậy, trong chu kỳ ngân sách hoàn chỉnh cho năm 2022-2023, phí thành viên chỉ chiếm 12% trong tổng ngân sách của WHO.
Trong đó, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, đóng góp 1,3 tỷ USD, chiếm 16,3%. Các nhà tài trợ lớn tiếp theo là Đức (856 triệu USD), Quỹ Bill và Melinda Gates (830 triệu USD), liên minh vaccine Gavi (481 triệu USD) và Ủy ban châu Âu (468 triệu USD).
Do đó việc ông Trump rút Mỹ khỏi WHO sẽ khiến tổ chức này thiếu hụt nguồn tài chính nghiêm trọng.
Sau tuyên bố của ông Trump, Mỹ sẽ rút khỏi WHO trong vòng 12 tháng và ngừng mọi khoản đóng góp tài chính cho cơ quan này. Theo luật pháp Mỹ, việc rút khỏi WHO phải được thông báo trước một năm và Mỹ cần thanh toán mọi khoản phí còn nợ.