Báo Dân trí dẫn nguồn tin từ Reuters cho biết, hôm 14/8, một ủy ban khẩn cấp đã họp để cố vấn cho Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về việc liệu dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát có phải là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm" (PHEIC) hay không.
Nói về quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về dịch bệnh đậu mùa khỉ, ông Tedros nhấn mạnh: "Rõ ràng rằng phản ứng phối hợp quốc tế là điều cần thiết để ngăn chặn những đợt bùng phát này và cứu sống mọi người".
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters
PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO và nhằm mục đích đẩy nhanh nghiên cứu, tài trợ cũng như các biện pháp và hợp tác y tế công cộng quốc tế để ngăn chặn dịch bệnh.
Dịch đậu mùa khỉ bùng phát ở Congo ban đầu bởi một chủng đặc hữu, được gọi là nhánh I. Nhưng một biến thể mới, nhánh Ib, dường như lây lan dễ dàng hơn thông qua tiếp xúc gần gũi thường xuyên, bao gồm cả quan hệ tình dục.
Dịch đã nhanh chóng lan sang các nước láng giềng như Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda. Ông Tedros cảnh báo, việc đậu mùa khỉ lây lan thêm ở châu Phi và thậm chí rộng hơn nữa là rất đáng lo ngại.
Đầu tuần này, cơ quan y tế hàng đầu châu Phi đã công bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực sau khi cảnh báo về tốc độ lây lan đáng báo động của đậu mùa khỉ. Theo cơ quan này, kể từ đầu năm, khu vực ghi nhận hơn 17.000 trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ và hơn 500 ca tử vong, trong đó chủ yếu ở Congo.
Theo báo Tin tức, bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, nhưng với một số người khác bệnh có triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch. Triệu chứng điển hình về bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu giật, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, tăng bạch huyết.
Tháng 7/2022, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) và tái khẳng định quy chế này vào tháng 11/2022 và tháng 2/2023. Tháng 5/2023, WHO dỡ bỏ PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ. PHEIC là mức báo động cao nhất mà WHO có thể đưa ra, cho phép kích hoạt các phản ứng khẩn cấp ở các quốc gia trên toàn thế giới theo Quy định Y tế quốc tế có ràng buộc về mặt pháp lý.