Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 15/8/2024: Sốc phản vệ sau khi bị ong bắp cày đốt

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 15/8/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 15/8/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Sốc phản vệ sau khi bị ong bắp cày đốt

VietNamNet đưa tin tối 12/8, bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Theo lời kể của gia đình, chiều cùng ngày, bệnh nhân đi rừng không may bị ong đất (còn gọi là ong bắp cày) đốt nhiều nốt vào đầu và mặt khiến cơ thể nổi ban, sưng, đỏ.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ. Các biện pháp hồi sức, đặt ống nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc chống sốc, truyền dịch, vận mạch liều cao, giảm đau được thực hiện nhưng bệnh nhân tiên lượng vẫn rất nặng nề. Hiện, bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tích cực.

Bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tích cực. Ảnh: VietNamNet

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh. Phản ứng này có thể xảy ra trong vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng (dị nguyên) như thuốc, nọc độc, ong đốt, kiến đốt... hay các thực phẩm không phù hợp với cơ thể như cá, tôm, tép...

Tình trạng sốc phản vệ giải phóng các chất trung gian hóa học làm rối loạn đa cơ quan trong cơ thể với các biểu hiện: rối loạn tri giác, mẩn ngứa, đau bụng, buồn nôn, khó thở do khí, phế quản co thắt, đặc biệt là gây tụt huyết áp, đe dọa trực tiếp tính mạng. Việc phát hiện, xử trí đúng, kịp thời sốc phản vệ sẽ tránh để lại hậu quả đáng tiếc cho người bệnh.

Thời gian gần đây, các bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn thường xuyên tiếp nhận các trường hợp sốc phản vệ nguy kịch do ong đốt, kiến đốt.

Chó dại chưa rõ chủ nuôi tấn công 11 người ở Đồng Nai

Theo VOV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai vừa thông tin về ổ dịch dại trên chó hoang vô chủ tấn công 11 người tại huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai).

Cụ thể, theo CDC Đồng Nai, ngày 12/8, có một con chó lạp xưởng, màu vàng, nặng 7 kg (chưa xác định chủ nuôi), có triệu chứng chảy dãi, mắt đỏ, kích động, bồn chồn và sợ sệt.

Sau khi tấn công và cắn 11 người, con chó đã bị người dân bắt nhốt. Con chó được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả dương tính với virus dại. Tất cả trường hợp bị chó cắn đều đã được tiêm ngừa vaccine và huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, trong khu vực xảy ra sự việc, có tổng cộng 16 hộ gia đình nuôi chó, tổng đàn 33 con chó, 8 con mèo, không ghi nhận chó mèo mất tích hoặc chết trong 6 tháng gần đây. Những con chó có tiếp xúc đều được nhốt và theo dõi dấu hiệu bệnh dại. 

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 24 ổ dịch dại trên chó.

Đi khám vì đau đầu và mệt mỏi, phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối

Báo Đại Đoàn Kết dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết mới đây, bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam T.V.T. (34 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội).

Người bệnh cho biết, trước đây chưa từng đi kiểm tra sức khỏe nên không biết trong người có bệnh. Gần đây xuất hiện đau đầu, mệt mỏi, người bệnh đã đến khám tại phòng khám gần nhà, được chẩn đoán bị viêm xoang và điều trị bằng thuốc uống, thuốc tiêm.

Tuy nhiên, tình trạng không đỡ, các dấu hiệu mệt mỏi tăng lên, xuất hiện phù nhiều hai chi dưới, tiểu ít, người bệnh đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ kiểm tra.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau khi khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, siêu âm tổng quát đã cho thấy có thiếu máu; huyết áp cao; chức năng thận suy giảm nhiều; trên siêu âm 2 thận đã teo nhỏ, có dịch ổ bụng và dịch màng phổi hai.

Bệnh nhân được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối/tăng huyết áp, thiếu máu, tràn dịch đa màng, đã được chuyển vào điều trị nội trú.

Bệnh nhân sẽ phải thực hiện lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Tại Trung tâm Thận - Lọc máu, các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định điều trị theo hướng lọc máu cấp cứu, điều trị triệu chứng, kiểm soát bệnh nền, nâng cao thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung đạm thận, đồng thời phẫu thuật tạo cầu nối thông động tĩnh mạch để chạy thận nhân tạo lâu dài.

Hiện tại, sau thời gian được điều trị tích cực người bệnh đã đỡ mệt, không phù, tiểu được, toàn trạng ổn định. Tiếp theo, người bệnh sẽ phải thực hiện lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần.

Theo bác sĩ Ngô Thị Hương - Trung tâm Thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, suy thận mạn tính là tình trạng mất chức năng của thận diễn ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Với trường hợp của người bệnh T., nếu như người bệnh đi kiểm tra sức khỏe định kỳ thì có thể phát hiện bệnh sớm hơn, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị hiệu quả và người bệnh có thể chưa phải lọc máu chu kỳ.

Tuy nhiên, do người bệnh đến bệnh viện khám muộn, bệnh đã âm thầm tiến triển đến giai đoạn cuối mà không hề biết. Lần này, khi dùng thuốc uống và thuốc tiêm để điều trị viêm xoang chỉ là “giọt nước tràn ly” làm cho bệnh tiến triển nặng lên thành đợt cấp nên người bệnh mới đi khám tại bệnh viện.

Bác sĩ Hương khuyến cáo, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người dân nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm một lần. Khi gặp các vấn đề về sức khỏe cần đến các cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám, phát hiện, chẩn đoán đúng bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp.

Bên cạnh đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các loại thuốc theo truyền miệng để tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Tin nổi bật