(ĐSPL) – Khoảng 9h sáng nay (24/7), gia đình tử tù Nguyễn Đức Nghĩa đã làm lễ cầu nguyện, đọc kinh cho Nghĩa theo đúng phong tục của đạo Thiên chúa giáo tại quê nhà Hải Phòng.
Theo quan sát của phóng viên, khi đưa di ảnh của Nguyễn Đức Nghĩa về đến nhà thì ngay lập tức cánh cửa cổng đóng lại, chiếc xe ô tô 4 chỗ cũng được bố trí để che khuất tầm nhìn vào trong nhà.
|
Chiếc xe ô tô 4 chỗ cũng được bố trí để che khuất tầm nhìn vào trong nhà. |
Phải đợi một lúc lâu, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật mới tiếp xúc được với chị Nguyễn Thị M – đi ra từ nhà tử tù Nguyễn Đức Nghĩa. Gạt nhanh giọt nước mắt, chị M cho biết: “Đau đớn nhất không phải là cái chết mà là nỗi lòng khốn khổ của người đang sống khi chị Chuân vẫn cố dặn dò linh hồn con trai: “Cha mẹ đặt tên con là Đức Nghĩa với mong muốn con sống nhân từ, nhưng nay con đã gây ra tội ác và trả giá, mẹ đã tha thứ và con hãy yên nghỉ, mẹ yêu con”.
Người đàn bà tội nghiệp gánh chịu hai nỗi đau quá lớn
Tìm gặp một người hàng xóm thân thiết của gia đình Nghĩa, bà Nguyễn T.H cho biết: “Những ngày mà Nghĩa ở trại giam chờ xét xử, mọi người trong gia đình Nghĩa dường như không còn muốn tiếp xúc với hầu hết mọi người bất kể là hàng xóm hay phóng viên báo chí. Gia đình Nghĩa là một gia đình có học thức, nề nếp và luôn là tấm gương cho các hộ khác trong khu dân cư. Tuy nhiên, từ ngày Nghĩa gây ra tội ác, cuộc sống của tất cả mọi người trong gia đình Nghĩa đều bị đảo lộn, ngôi nhà luôn khóa trái cửa im lìm.”
|
Nguyễn Đức Nghĩa khóc nức nở khi bị tuyên án tử hình. |
Nói về hoàn cảnh của gia đình Nghĩa, hàng xóm ai cũng xót thương, tiếc nuối khi bố mẹ thân sinh ra Nghĩa từng là cán bộ nhà nước gương mẫu, tử tù này từng có thành tích học tập tốt, ngoan ngoãn.
Ông Hùng (bố ruột Nghĩa) vốn là Chủ tịch Công đoàn của Xí nghiệp 201, một người hiền lành, gần gũi đã trở nên kín tiếng và e dè khi tiếp xúc với mọi người, lúc nào cũng tất tả đi đi về về trên trên chiếc xe máy cũ. Trong một lần lên Hà Nội, bố của Nghĩa đã bị tai nạn giao thông trên đường và tử vong.
Còn bà Chuân sau khi liên tiếp phải chịu đựng những bất hạnh và chứng kiến bi kịch của chồng của con mình mà không thể làm gì khác ngoài việc cam chịu và khóc thương sự an bài của số phận, bà đã chuyển lên Hà Nội, chấp nhận rời xa ngôi nhà bao năm gắn bó để tiếp tục một cuộc sống mới, lẩn tránh mọi ánh nhìn của bà con chòm xóm.
Chị Lê Thị H. (45 tuổi, hàng xóm gia đình Nguyễn Đức Nghĩa) cho biết: “Kể từ khi chồng mất vì tai nạn giao thông, bà Chuân đã lặng lẽ rời khỏi địa phương đi đâu không ai biết, có thể bà ấy lên sống với con gái trên Hà Nội”.
|
Tại phiên tòa xét xử con trai, mẹ Nguyễn Đức Nghĩa khóc xin bố nạn nhân Nguyễn Phương L. tha thứ (ảnh: PL.TPHCM) |
Được biết, trước khi xảy ra biến cố của gia đình, mẹ Nghĩa đã nghỉ hưu tại xí nghiệp và ở nhà quán xuyến gia đình, tham gia hoạt động đoàn thể và luôn cởi mở với mọi người. Nhưng sau khi gia đình bà phải oằn mình gánh chịu liên tiếp những tin dữ, bà đã trở nên kín tiếng và ngại tiếp xúc với người ngoài.
Theo lời nhận xét của một người hàng xóm: “Bà ấy chịu quá nhiều bất hạnh. Bà Chuân là một người phụ nữ chịu thương chịu khó, biết cách dạy dỗ con cái và luôn hòa nhã với tất cả mọi người. Vậy mà cuộc sống quá cay nghiệt với bà ấy khi con trai lâm vào cảnh tù tội với tội ác giết người”.
Cảm thông với hoàn cảnh của người mẹ tử tù, bà này cho biết thêm: “Trong khu chẳng ai ngờ gia đình bà ấy sẽ tan nát như bây giờ, nhiều lúc xót xa khi lần nào bà ấy về nhà thì lại thấy bà ấy ngồi khóc một mình. Chúng tôi có an ủi nhưng cũng chỉ được một phần nào. Mấy năm nay, mỗi dịp lễ tết mà bà ấy về thì bà ấy đều đi cùng con cháu, cũng không ở lại lâu và không trang hoàng nhà cửa nữa, chỉ dọn dẹp sạch sẽ.”
Tội ác mà Nguyễn Đức Nghĩa gây ra trong giờ phút không thể kiểm soát bản thân đã dẫn tới thảm kịch của gia đình nạn nhân và chính gia đình mình. Cái giá mà Nghĩa phải trả không đắt so với thảm án mà Nghĩa gây ra, nhưng để lại rất nhiều trăn trở và xót thương cho những người còn sống.