Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ thông tin thiếu rõ ràng tại phòng GD&ĐT Tiên Du, Bắc Ninh: “Nếu thực sự trong sạch thì không cần giấu giếm”

(DS&PL) -

Theo nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ: “Người ta có câu rất hay “Vàng thật không sợ lửa”, nếu như thực sự trong sạch, thì cứ minh bạch hết ra, đâu cần phải giấu giếm”.

Cần cảnh tỉnh những người dự định “nhúng tay vào chàm”

Trong năm 2021, cũng có không ít vụ bê bối liên quan đến việc đấu thầu mua sắm thiết bị giáo dục tại các địa phương, thậm chí nhiều lãnh đạo trong ngành đã bị khởi tố như tại Thanh Hóa và Điện Biên... Chính vì vậy, đây cũng là bài học để chúng ta nhìn nhận lại một lần nữa về công khai, minh bạch công tác đấu thầu trong hệ thống giáo dục tại các địa phương.

Trong khi đó, vừa qua, PV tạp chí Đời sống và Pháp luật tiếp tục nhận được phản ánh hàng loạt thiết bị trong gói thầu do phòng GD&ĐT huyện Tiên Du (Bắc Ninh) làm chủ đầu tư có dấu hiệu “đội giá”. Theo đó, khi nghiên cứu hồ sơ và tiến hành phân tích đơn giá các thiết bị trong gói thầu, PV nhận thấy có hiện tượng giá thành một số thiết bị cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Giá tivi được phóng viên khảo sát ngoài thị trường thấp hơn nhiều so với giá trong gói thầu của phòng Giáo dục và Đào tạo Tiên Du.

Giá chiếc điều hòa ngoài thị trường cũng thấp hơn nhiều so với tiền ngân sách tại phòng Giáo dục và Đào tạo Tiên Du bỏ ra mua sắm trong gói thầu.

Trao đổi với PV Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự) bày tỏ: “Những vụ bê bối trong việc đấu thầu mua sắm thiết bị gần đây phát sinh rất nhiều, nhiều vụ đã được khởi tố, đưa ra ánh sáng. Có vụ việc gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách Nhà nước, lợi ích của nhân dân, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.

Xuất phát từ sự lơ là, thiếu bám sát đội ngũ nhân sự, nhân viên cũng như quản lý cán bộ công chức cũng là nguyên nhân, cũng như trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo. Đáng nói, có những trường hợp lãnh đạo chính là người tổ chức hành vi đấu thầu sai quy định, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước. Từ cái nôi giáo dục tri thức cũng như nhân cách của thế hệ trẻ, lại nảy sinh những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi cho bản thân, là một hành vi cần các cơ quan hữu quan nhìn nhận, chấn chỉnh, kiểm tra lại”.

Đồng quan điểm đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT) cũng nhìn nhận: “Trước hết, cơ chế đấu thầu nhằm mục đích tìm ra giá rẻ nhất và hợp lý nhất. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, có những vụ việc đấu thầu tồn tại tiêu cực. Cho nên, đấu thầu trong thực tế này chưa thực sự khách quan. Chẳng hạn, khi đưa ra đấu thầu, có những hành vi đút lót, “đi cửa sau” hoặc tự động khai nâng giá để hưởng lợi...

Chuyện đó đã xảy ra nhiều, và tôi cho rằng thực sự rất đáng tiếc. Đặc biệt, không thể tồn tại những người như vậy trong ngành giáo dục.

Thứ nhất là không thực hiện đúng mục đích của đấu thầu. Thứ hai, quan trọng hơn, đó là đạo đức của những con người đó lúc này đang thể hiện sự tham lam, không còn nhớ gì đến những thông điệp “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Mỗi người thầy là một tấm gương sáng”, tức là người cán bộ quản lý có chức, có quyền thì càng phải sáng hơn... Thế nhưng, họ đã bị lu mờ bởi những đồng tiền, nên mới dẫn đến những chuyện sai trái như vậy. Đó không phải đạo đức người thầy, càng không phải đạo đức người làm quản lý”.

“Ngoài ra, theo tôi, hiện nay, chế tài của chúng ta chưa thực sự “đủ độ” để trừng phạt những người có dự định “nhúng tay vào chàm”. Phải làm sao để những người này khi có ý định “nhúng tay vào chàm”, phải thấy hậu quả và trách nhiệm thực sự nguy hiểm, mới có thể răn đe và ngăn chặn những hành vi tương tự. Xử mà không mạnh thì không có tính răn đe. Nếu không kịp thời chấm dứt những ý đồ ấy, thì đồng tiền sẽ tiếp tục làm mờ mắt họ, khiến họ quên đi đạo đức, tấm gương, tư cách của một người thầy”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Từ chối cung cấp hồ sơ thẩm định giá có đúng quy định?

Chưa hết, khi PV liên hệ làm việc để xác minh những phản ánh về dấu hiệu “đội giá” trong gói thầu trên, đại diện đơn vị này đã từ chối trao đổi thông tin bằng quy định thiếu căn cứ.

Cụ thể, trong buổi làm việc với bà Mai Thị Phượng - kế toán - người được ông Phạm Đăng Thuyên (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Du) ủy quyền phát ngôn, PV nhận được câu trả lời: “Các thông tin mà chúng tôi có thể cung cấp thì đã gửi hết hồ sơ lên mạng đấu thầu quốc gia, các anh (nhóm phóng viên - PV) có thể tìm hiểu thông tin trên đó”.

Khi PV đề nghị cung cấp hồ sơ thẩm định giá đối với hàng hóa trong gói thầu, bà Phượng từ chối với lý do: “Theo Điều 75, Luật Đấu thầu 2013, phía phòng chỉ cung cấp thông tin cho mạng đấu thầu quốc gia, những cơ quan chức năng có thẩm quyền”.

Trước động thái trên, luật sư Nguyễn Cao Đạt phân tích: “Theo quy định tại Luật Đấu thầu 2013, cụ thể là Điều 75 có nêu rõ, chỉ yêu cầu bảo mật thông tin, tài liệu trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Khi quá trình lựa chọn nhà thầu đã chấm dứt, tức là đã lựa chọn được nhà thầu rồi thì nghĩa vụ bảo mật không còn. Như vậy, việc từ chối cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu từ phía cơ quan này là trái quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Phòng chống tham nhũng 2018, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch thông tin về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, nội dung phải công khai, minh bạch bao gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; việc thực hiện chính sách, pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch... Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác còn phải công khai, minh bạch về thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định Trách nhiệm giải trình là việc “cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao”. Người thực hiện trách nhiệm giải trình phải là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình. Nội dung của việc giải trình bao gồm: cơ sở pháp lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục nội dung của việc ban hành quyết định, hành vi trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quy định cụ thể việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phân công cá nhân hoặc bộ phận có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu giải trình; tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Như vậy, để đảm bảo việc công khai, minh bạch, cũng như bảo vệ tài sản công, ngân sách quốc gia, các cá nhân, lãnh đạo đơn vị cần phải thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch đối với các hoạt động của tổ chức đang làm việc”.

Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cũng bày tỏ: “Người ta đã có câu rất hay “Vàng thật không sợ lửa”, và ở đây cũng vậy, nếu như thực sự trong sạch, thì cứ minh bạch hết ra, đâu cần phải giấu giếm. Người ta cũng nói “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, nói cách khác, tức là, nếu có sai lầm, mà thừa nhận và khai ra một cách minh bạch, rõ ràng, thì tội cũng sẽ nhẹ hơn, còn nếu càng cố ý muốn che giấu, lấp liếm thì càng nghiêm trọng”.

                                                                                                                         Tuệ Linh

Tin nổi bật