Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ phá đường dây sản xuất 573 loại sữa bột giả: Hàm lượng dinh dưỡng không được kiểm nghiệm

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Tại cơ quan công an, Hồ Sỹ Ý khai rằng tất cả thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột "không được kiểm tra nên dẫn tới sự sai sót".

Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, liên quan vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả xảy ra tại Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group vừa bị công an phanh phui, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 người về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó, cơ quan điều tra xác định Hoàng Mạnh Hà (46 tuổi), Vũ Mạnh Cường (46 tuổi, cùng trú Hà Nội) là chủ mưu cầm đầu trong điều hành hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến phân phối tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.

Tại cơ quan công an, Hồ Sỹ Ý (37 tuổi, quê Hà Tĩnh), cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, điều hành nhà máy sản xuất khai rằng tất cả thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột "không được kiểm tra nên dẫn tới sự sai sót như thế".

Ông Sỹ cũng thừa nhận sai sót và nói "thật sự xin lỗi khách hàng".

Trong khi đó, Đặng Trung Kiên (37 tuổi), cổ đông góp vốn, phó giám đốc Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood khai nhận "khi triển khai đăng ký hồ sơ bên chi cục cũng có hướng dẫn việc kiểm nghiệm". Tuy nhiên chỉ kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vi sinh.

"Thực tế về việc kiểm nghiệm toàn bộ dưỡng chất thì gần như không", Kiên khai.

Hàm lượng dinh dưỡng trong sữa giả "không được kiểm nghiệm". Ảnh: VTV.

Đến thời điểm bị bắt vào ngày 11/4, đường dây này đã sản xuất 573 loại sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Trong khoảng 4 năm, từ 2021 đến nay, nhóm này đã tiêu thụ ra thị trường và thu về gần 500 tỷ đồng.

Thành phần sữa được công bố là: Chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó, song trên thực tế không hề có những chất này. Để đánh lừa người dùng, nhóm này đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm các chất phụ gia khác. Công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố - đủ căn cứ xác định là hàng giả.

Quá trình khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc, cảnh sát thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột. Trong đó có 26.740 lon của 90 lô sản xuất sữa, cùng nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định, Công ty Rance Pharma và Hacofood còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.

Liên quan vụ việc này, chia sẻ trên báo Dân việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay, hành vi làm ăn gian dối, bán sữa giả để kiếm lời là điều không thể chấp nhận được trong kinh doanh. Việc tiêu dùng sữa giả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người, đặc biệt là trẻ em.

“Việc sản xuất sữa giả, luật pháp quy định xử phạt rất nặng. Người dân mua sữa dinh dưỡng mà lại không nhận được giá trị dinh dưỡng, chưa kể trong đó có thể chứa nhiều độc tố hại cho sức khoẻ. Trong trường hợp sản xuất đưa ra thị trường thu lợi bất chính nhà nước có quyền thu lại số tiền đó, không những đối tượng sản xuất hàng giả truy tố mà phải chịu trách nhiệm thu hồi lại sản phẩm, cảnh báo tới người dân”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, Phòng khám Nhi và Tiêm ngừa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trong quá trình khám bệnh, ông gặp những trường hợp bệnh nhi đến khám do tình trạng suy dinh dưỡng và tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân.

Sau khi khai thác kỹ tiền sử dinh dưỡng và xét nghiệm kiểm định sữa các bệnh nhi sử dụng, bác sĩ mới phát hiện nguyên nhân là do một số sản phẩm không đạt chỉ tiêu về chất lượng, có dấu hiệu nghi là sữa giả. Những trường hợp này được bác sĩ chỉ định điều trị theo hướng kết hợp: bù nước, bổ sung điện giải, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng....

Theo bác sĩ Lợi, sữa đóng vai trò quan trọng trong cung cấp năng lượng, chất đạm, lipid, vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, sữa giả là sản phẩm không đảm bảo thành phần dinh dưỡng như đã công bố, thậm chí có thể chứa tạp chất hoặc chất phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm dành cho trẻ nhỏ.

“Việc sử dụng sữa giả có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ em như gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn ói, đầy bụng do các thành phần không phù hợp hoặc nhiễm khuẩn. Suy dinh dưỡng cấp hoặc mãn tính, trẻ nhẹ cân, thấp còi do thiếu hụt các vi chất thiết yếu như protein, canxi, sắt, kẽm, vitamin D, DHA... Chưa kể, sử dụng sữa gây thiếu hụt các vi chất như DHA, choline, sắt có thể gây chậm phát triển nhận thức, giảm khả năng học hỏi và tư duy ở trẻ”, bác sĩ Lợi nhấn mạnh.

Tin nổi bật