Theo nhận định của luật sư, với việc bị khởi tố tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị can Lê Thị Thương có thể đối diện với án tù từ 12 - 20 năm, thậm chí mức án chung thân.
Ngày 11/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã ra quyết định tạm giam 4 tháng với bà Lê Thị Thương (SN 1988, trú phường Hoa Lư, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lê Thị Thương từng bị cơ quan công an truy nã vỡ nợ trên 170 tỷ đồng.
Bị can Lê Thị Thương trước khi bị truy nã. |
Trước đó, Lê Thị Thương là nhân viên hợp đồng của Ngân hàng BIDV Chi nhánh tỉnh Gia Lai. Từ khoảng cuối năm 2018 đến tháng 5/2020, Thương đã vay tiền của nhiều người với số tiền hàng trăm tỷ đồng mục đích cho vay lại để đáo hạn ngân hàng.
Cuối tháng 6/2020, bà Thương đến cơ quan công an phường Hoa Lư trình báo việc việc bà Thương vỡ nợ khoảng 173 tỷ đồng không có khả năng chi trả và yêu cầu được bảo vệ. Tuy nhiên, khi cơ quan công an đang thụ lý vụ án, kêu gọi những người cho Thương vay tiền đứng ra tố giác thì bà Thương rời khỏi địa phương. Đến nay đã có 12 cá nhân tại TP. Pleiku đến cơ quan công an tố cáo hành vi lừa đảo của đối tượng Thương với số tiền hơn 80 tỷ đồng.
Dưới góc độ pháp lý, trả lời PV Đời sống & Pháp luật, luật sư Vũ Quang Bá – Giám đốc Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Cụ thể, Điều luật này quy định người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Trước đây Bộ luật hình sự năm 1999 quy định khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là tử hình. Sau đó, BLHS được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này.
Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.
Luật sư Vũ Quang Bá – Giám đốc Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội. |
Ngoài việc, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình, thì còn phải có trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra cho các bị hại.
Việc người phạm tội chủ động bồi thường, khắc phục hậu quả cũng là căn cứ để Tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt, là cơ sở xác định điều kiện xóa án tích sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Bình luận về sự việc, luật sư Phạm Tuấn Anh, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh đánh giá, bà Lê Thị Thương bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu bị kết án về tội danh này thì hình phạt sẽ thuộc trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự, mức án sẽ là từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Đáng chú ý, với số tiền lớn như vậy, cựu nhân viên ngân hàng có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là tù chung thân, đồng thời có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, tịch thu tài sản, ngoài ra còn phải bồi thường, khắc phục hậu quả đối với toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của người bị hại.
Trước đó, Lê Thị Thương là nhân viên hợp đồng của Ngân hàng BIDV Chi nhánh tỉnh Gia Lai. Từ khoảng cuối năm 2018 đến tháng 5/2020, Thương đã vay tiền của nhiều người với số tiền hàng trăm tỷ đồng mục đích cho vay lại để đáo hạn ngân hàng. Cuối tháng 6/2020, bà Thương đến cơ quan công an phường Hoa Lư trình báo việc việc bà Thương vỡ nợ khoảng 173 tỷ đồng không có khả năng chi trả và yêu cầu được bảo vệ. Tuy nhiên, khi cơ quan công an đang thụ lý vụ án, kêu gọi những người cho Thương vay tiền đứng ra tố giác thì bà Thương rời khỏi địa phương. Đến nay đã có 12 cá nhân tại TP. Pleiku đến cơ quan công an tố cáo hành vi lừa đảo của đối tượng Thương với số tiền hơn 80 tỷ đồng. |
Thủy Tiên