Báo Dân Việt đưa tin, ngày 8/1, theo tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cơ quan này đã làm việc với công an địa phương và đề nghị công an vào cuộc điều tra vụ lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ gian đào hố nghi để tìm vàng, châu báu.
Toàn cảnh khu lăng mộ. Ảnh: Thanh Niên
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho hay, tình trạng đào trộm lăng mộ của các ông hoàng bà chúa được chôn cất ở Huế để tìm vàng bạc, châu báu, đồ tùy táng có giá trị từng diễn ra từ cách đây khoảng 40 năm. Nhiều năm trở lại đây gần như không còn xảy ra tình trạng này, nên vụ đào trộm ở khu lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát là chuyện hy hữu.
Cùng với việc đề nghị công an vào cuộc điều tra, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đã báo cáo vụ việc đến UBND thành phố Huế để kịp thời có những chỉ đạo liên quan nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm các di tích, lăng mộ trên địa bàn.
Hiện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã chỉ đạo Phòng Quản lý bảo vệ tăng cường lực lượng ứng trực, tuần tra ở lăng các chúa Nguyễn và các di tích trong khu vực. Các lăng chúa Nguyễn nằm tập trung trên địa bàn phường Long Hồ, thuộc khu vực thượng nguồn sông Hương, nên Tổ bảo vệ cụm lăng Gia Long là lực lượng kiêm nhiệm công tác tuần tra bảo vệ và dọn dẹp vệ sinh ở các lăng này.
Mộ phần của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào trộm, nghi để tìm kiếm cổ vật, vàng bạc. Ảnh: Tuổi Trẻ
Liên quan đến vụ việc, chia sẻ trên báo Người Lao động, luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, nhìn nhận đào trộm mộ, đặc biệt khi liên quan đến các di tích lịch sử, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Điều này không chỉ xâm phạm quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu mà còn gây tổn hại sâu sắc đến giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống quý báu của dân tộc.
Điều 319 Bộ luật Hình sự năm 2015 ( sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hành vi đào trộm mộ, phá mồ mả, xâm phạm hài cốt có thể bị xử lý hình sự theo các mức độ khác nhau.
Theo đó, người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để trong mộ, trên mộ hoặc thực hiện các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trong trường hợp phạm tội thuộc một trong các tình tiết định khung như gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Vì động cơ đê hèn (như vụ việc đào trộm nhằm mục đích trục lợi cá nhân);... thì sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Ngoài trách nhiệm hình sự, người có hành vi xâm phạm mồ mả, hài cốt còn phải chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 607 Bộ luật Dân sự 2015.
"Hành vi đào trộm lăng mộ của chúa Nguyễn Phúc Khoát không chỉ là một sự xâm phạm nghiêm trọng đến một công trình lịch sử đặc biệt, mà còn gây tổn hại lớn đến di sản văn hóa quốc gia.
Việc xử lý nghiêm minh các hành vi này sẽ góp phần bảo vệ tính toàn vẹn của di sản, khẳng định vai trò của pháp luật trong việc duy trì trật tự xã hội, đồng thời củng cố lòng tin của cộng đồng đối với công tác bảo tồn di sản", luật sư Đào Thị Bích Liên cho biết.