Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang: Người nhờ sửa điểm có thể bị phạt 20 năm tù

(DS&PL) -

Trong vụ việc gian lận điểm tại Hà Giang, các phụ huynh học sinh cũng có thể bị phạt đến 20 năm tù nếu của hối lộ có trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên.

Không chỉ riêng ông Vũ Trọng Lương là người trực tiếp phải chịu trách nhiệm trong vụ sửa điểm tại Hà Giang mà ngay cả các phụ huynh cũng có thể bị phạt đến 20 năm tù nếu của hối lộ có trị giá 1 tỷ đồng trở lên.

Trong buổi họp báo chiều 17/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã công bố chính thức kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường trong công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang.

Ông Mai Văn Chinh công bố kết quả điều tra vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang. Ảnh: VTCNews

Cụ thể, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Qua xác minh ban đầu cho thấy, ông Vũ Trọng Lương - Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

Theo ông Mai Văn Trinh, hành vi nâng điểm thi cho thí sinh trong khi chấm thi đã vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi. Bộ GD-ĐT kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm, theo quy định của pháp luật để đảm bảo kỷ cương, nghiêm túc của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và cả cho những năm tiếp theo.

Trao đổi với báo Trí Thức Trẻ về vấn đề gian lận điểm thi, Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An) cho biết, hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, thấp nhất 12 tháng.

Trường hợp người thân học sinh nhờ cán bộ nâng điểm và kèm theo đó là việc trực tiếp hoặc qua trung gian đã hoặc sẽ đưa tiền, lợi ích khác cho ông Lương thì có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ, quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

Hình phạt cao nhất đối với tội này lên đến 20 năm nếu của hối lộ (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác) trị giá 1 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu - 50 triệu đồng.

Luật sư Nguyễn Danh Huế. Ảnh: Infonet

Tuy nhiên, nếu chỉ nhờ mang tính chất tình cảm, không có việc đưa hối lộ thì có thể không bị xem xét về tội này. Việc có đưa hối lộ hay không do cơ quan điều tra tiến hành toàn diện, khách quan chứ không chỉ căn cứ vào lời khai từ phía phụ huynh học sinh. Đó cũng là câu trả lời của Luật sư Nguyễn Danh Huế, Trưởng Văn phòng Luật sư Hừng Đông (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) trên Infonet.

Theo luật sư Huế, nếu cha mẹ học sinh có tác động hay giúp sức vào việc sửa chữa điểm thi thì tuỳ theo mức độ và dựa vào kết quả điều tra có thể bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò “đồng phạm”.

Trong số các vị phụ huynh của các em học sinh được sửa điểm, nếu phụ huynh học sinh là những người có chức vụ, quyền hạn mà sử dụng quyền lực của mình để can thiệp hay chỉ đạo thực hiện hành vi này thì không những cần phải công khai danh tính của những người này, mà họ còn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, Luật sư Huế cho rằng, cần bảo vệ hơn 100 em học sinh bởi suy cho cùng, các em cũng chỉ là nạn nhân của những toan tính của người lớn.

“Các em không có lỗi nên danh tính của các em cũng cần phải giữ kín để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của các em, tránh những hậu quả đáng tiếc và tiêu cực có thể xảy ra. Đảm bảo cho các em sự phát triển bình thường, điều đó phù hợp với luật trẻ em và công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia ký kết,” Luật sư Nguyễn Danh Huế nói.

Phân tích về hành vi của ông Vũ Trọng Lương, Luật sư Huế cho rằng hành vi này có thể thành cấu thành tội  “giả mạo trong công tác”.

Theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội giả mạo trong công tác được quy định như sau:

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật