Chiều 17/7, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Giang chính thức họp báo thông tin về vụ việc điểm thi bất thường ở Hà Giang.
Đúng 13h30 chiều 17/7, buổi họp báo công bố sai phạm chấm thi THPT quốc gia 2018 chính thức được diễn ra.
Chủ trì cuộc họp có ông Mai Văn Trinh, Cục Khảo thí - Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý, Sở Thông tin - Truyền thông, Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng UBND tỉnh Hà Giang.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) và lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang tại cuộc họp báo. Ảnh: VOV |
Đại tá Lê Văn Canh, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp (Công an tỉnh Hà Giang) cho hay, một số đơn vị thuộc Bộ Công an cùng tham gia với đoàn công tác của Bộ Giáo dục liên quan vụ việc tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang. Công an tỉnh Hà Giang có nhiệm vụ phối hợp.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chủ trì họp báo. Ảnh: VTCNews |
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, sai phạm trong chấm thi trong kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Giang là rất nghiêm trọng. Sai phạm xảy ra ở một khâu trong quá trình chấm bài thi trắc nghiệm còn môn tự luận thì không có vấn đề gì.
Ông Mai Văn Trinh cũng đã thông báo kết quả chấm thẩm định. Theo đó, việc rà soát cho thấy cơ bản kết quả thi của các thí sinh là không thay đổi. Tuy nhiên, không ít bài thi có kết quả chấm thẩm định thấp hơn so với kết quả đã công bố.
Cụ thể là:
Có 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm).
Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm).
Có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm).
Có 8 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9,0 điểm).
Có 9 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75 điểm).
Bộ GD-ĐT phát hiện người trực tiếp can thiệp vào kết quả của thí sinh với mục đích nâng điểm cho các thí sinh này.
Căn cứ theo quy chế, Bộ GD-ĐT đã thành lập hội đồng chấm thẩm định tất cả các môn thi trắc nghiệm của tất cả các thí sinh trong kỳ thi này.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thi (Bộ GD-ĐT). Ảnh: VTCNews |
Ông Mai Văn Trinh cho biết thêm, theo dữ liệu quét bài thi gốc của thí sinh lưu trên máy tính, đều hoàn thiện trước ngày 3/7 không có dấu hiệu sửa chữa hoặc thay thế. Do đó đây là căn cứ quan trọng để để hội đồng thẩm định chấm lại bài thi trắc nghiệm khách quan.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, qua xác minh ban đầu, ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang, là người trực tiếp can thiệp kết quả thi của thí sinh.
Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ, củng cố hồ sơ xử lý cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật. Ngay sau khi có kết quả điều tra, Bộ GD&ĐT sẽ thông tin cho cơ quan truyền thông.
Các phóng viên tác nghiệp trong buổi họp báo. Ảnh: VTCNews |
Đến 14h00 cùng ngày, trả lời về quy trình sử dụng máy tính để quét bài thi trắc nghiệm, đại diện PA83 (Công an tỉnh Hà Giang) cho biết ông Vũ Trọng Lương được Sở GD&ĐT Hà Giang phân công sử dụng máy tính. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, có nhiều tin nhắn đến số điện thoại của ông Lương. Cán bộ này đã nhập số báo danh vào máy sau đó thực hiện hành vi sửa điểm. Quy trình bảo mật liên quan giám sát chưa chặt chẽ nên đã để ông Lương xử lý toàn bộ quá trình.
Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang - nhận trách nhiệm về vụ việc. Ông nói có những cái không thể xử lý được, có những cái không có nghiệp vụ, yếu về chuyên môn, tạo khe hở.
Sau đó 15 phút, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang phát biểu tại cuộc họp báo: "Chúng tôi có trách nhiệm lớn lao với mọi người dân Hà Giang. Ngay sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, quyết tâm, làm thâu đêm suốt sáng trong thời gian ngắn để ra được kết luận cuối cùng. Chúng tôi cố gắng làm hết sức để đưa ra kết quả thực, tạo niềm tin cho thí sinh, phụ huynh. Khi làm rõ, trách nhiệm đến đâu, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm đến đó".
Trước câu hỏi có khởi tố vụ án hình sự hay không, ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - cho hay phải làm rõ vi phạm điều nào, luật gì, nếu nghiêm trọng thì phải khởi tố hình sự. Ngay sau đó, buổi họp báo kết thúc.
Như đã đưa tin trước đó, sau khi các hội đồng thi THPT quốc gia công bố điểm của thí sinh, trên mạng xã hội hiện xuất hiện những thông tin đặt ra nghi vấn: Cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 (Toán, Lý, Anh) từ 27 điểm trở lên thì riêng Hà Giang đã có 36 em, chiếm 47,37% cả nước.
Theo phổ điểm môn Vật lý của địa phương này, có đến 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi chỉ có 28 thí sinh đạt mức điểm từ 8 đến dưới 9.
Nhiều chuyên gia cho rằng đó là điều rất vô lý. Vì theo lẽ thường, với đề thi có mức phân hóa cao như năm nay thì mức điểm càng cao, số lượng thí sinh đạt được càng ít. Thông thường trên bình diện chung, số thí sinh đạt 9-10 chỉ bằng 1/8-1/6 số thí sinh 8-9 mới là hợp lý.
Môn Toán cũng vậy, số thí sinh có mức điểm 8-8,75 chỉ có 50 thí sinh, nhưng số thí sinh có điểm từ 9 trở lên tới 57 thí sinh.
So với các tỉnh, thành phố có truyền thống và thành tích học tập tốt, điểm thi môn Toán từ 9 điểm trở lên ở Hà Giang cao hơn hẳn. Ví dụ như điểm thi môn Toán ở Hà Giang cao gấp 4,3 lần so với Nam Định; cao hơn gấp hơn 2 lần so với Nghệ An và gần 1,8 lần so với TP HCM.
Nguyễn Phượng (T/h)