Gia đình nghèo mất đi chỗ nương tựa
Như đã đưa tin về vụ 3 thợ lặn mất tích sau tiếng nổ lớn trên sông Cửa Lớn. Cụ thể, khoảng 9h30 ngày 17/1, trên sông Cửa Lớn xảy ra vụ nổ lớn khiến 3 thợ lặn mất tích, gồm: Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1982), Tạ Văn Nhí (sinh năm 1991) và Nguyễn Chí Hiếu (sinh năm 2008), cùng tạm trú tại khóm Sapo, thị trấn Năm Căn.
Hàng xóm ông Tư cho biết, ông từng phát hiện 1 trái bom rồi đem cưa bán được 80 triệu đồng. Mới đây, ông Tư phát hiện 1 trái bom khác, định bán phế liệu và được định giá 10 triệu đồng. Cho rằng người mua phế liệu "ép giá" nên ông Tư bàn tính đem trái bom ra cưa.
Bị người trong gia đình ngăn cản, ông Tư rủ 2 người còn lại đưa trái bom ra ven sông Cửa Lớn (đoạn thuộc ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) để cưa thì xảy ra vụ nổ khiến cả 3 mất tích.
Tính đến nay, cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể của 2 nạn nhân Tạ Văn Nhí và Nguyễn Chí Hiếu, thi thể ông Tư vẫn chưa được tìm thấy.
Xóm nghèo bỗng mất đi 3 trụ cột. Ảnh: PLO
Sự việc cho đến nay vẫn để lại nỗi đau lớn với người thân của các nạn nhân. Được biết, cả ba nạn nhân đều đang là trụ cột, là nguồn sống, là chỗ dựa duy nhất của ba gia đình nghèo khó nhất nhì tại địa phương.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, 3 nạn nhân đều cùng tạm trú tại khóm Sapo, Sapo là một khóm của thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Trong khóm có một xóm nhà sập xệ, nằm ven sông Năm Căn, gần một sân bay cũ đã bỏ hoang từ lâu. Tuy vậy, xóm nhà nhỏ này được người ta biết đến nhiều, vì trong xóm có những thợ lặn chuyên nghiệp. Cô bác có tàu chìm cần trục vớt là tìm đến xóm này, gặp các thợ lặn thương lượng công việc. Họ có khả năng trục vớt tàu hàng chục tấn bị chìm dưới độ sâu vài chục mét nước. Nạn nhân Nguyễn Ngọc Tư là một trong những thợ lặn lành nghề.
Chia sẻ về nỗi mất mát to lớn của gia đình, chị Tạ Thị Út, vợ của anh Tư kể lại: "Anh ấy nuôi cả nhà này bằng nghề lặn. Bình thường thì anh ấy lặn bắt con hào về bán. Đôi khi cũng nhặt được vài thanh sắt hay gì đó có thể bán phế liệu dưới đáy sông. Thỉnh thoảng, vài ba tháng có người đến nhờ đi trục vớt tàu chìm".
Anh Tư đã làm công việc này trên 20 năm, nhưng đến ngày sự cố xảy ra với anh, gia đình anh vẫn ở trong căn nhà thuê với giá 700 ngàn đồng mỗi tháng. Con trai anh, Nguyễn Ngọc Dũng, nay 16 tuổi, đã nghĩ học từ hai năm qua. Con gái Nguyễn Thị Như Ý, 13 tuổi cũng vừa nghĩ học ở đầu năm nay.
Đối với bà con hàng xóm ở Sapo, anh Tư là một thợ lặn hiền lành, ít nhậu, cần cù, chịu khó. "Chồng em đi lặn quanh năm, chỉ ở nhà khi mưa gió lớn. Đôi khi em khuyên nên giảm bớt ngày làm để dưỡng sức khoẻ, anh ấy bảo gắng làm để có tiền mua cho hai đứa con vài bộ đồ mới"- chị Út kể về anh Tư.
Trước câu hỏi anh Tư khi còn sống có dự định gì về chuyển nghề hay sắm sửa gì đó quy mô không, chị Út bảo: "Không. Anh ấy cả đời chỉ có một suy nghĩ gắng làm kiếm thêm tiền để mua áo quần mới cho vợ con. Và năm nào gần tết thì anh ấy đi lặn sớm hơn, về muộn hơn. Ý là muốn có thêm nhiều tiền hơn để gia đình ăn tết. Vậy thôi.”
Đại diện lãnh đạo tỉnh Cà Mau đến thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân tử vong sau vụ nổ lớn vào chiều 18/1. Ảnh: Nhân dân.
Một nạn nhân trong vụ tai nạn là anh Nhí cũng là em vợ anh Tư được vợ chồng anh rủ về ở cùng rồi đi lặn cùng anh Tư mỗi ngày, cho đến khi thảm kịch xảy ra.
Hơn tháng trước, thấy Nguyễn Chí Hiếu, cháu bà Ba Anh trong xóm đã 16 tuổi, nhà nghèo, giỏi lặn nên anh cũng rủ đi theo để Hiếu có tiền sinh sống.
Ngày 17/1, như thường lệ, anh Tư cùng đội của mình là Nhí và Hiếu đi lặn mưu sinh từ sáng sớm. Đến 9h15 cùng ngày này, người dân cả thị trấn nghe một tiếng nổ long trời trên sông Năm Căn. Cả 3 người họ mất tích và sau đó người ta đã tìm được xác của Nhí và Hiếu. Còn anh Tư đến nay vẫn biệt tăm. Người ta tin rằng anh cũng đã ra đi cùng đội của mình.
Nỗi đau của người bà
Cách nhà anh Nguyễn Ngọc Tư khoảng vài trăm mét là nơi ở của Nguyễn Chí Hiếu, cậu bé 16 tuổi đã chết trong vụ nổ trên sông Năm Căn. Bà Hồ Kim Anh, thường gọi bà Ba Anh, 72 tuổi là bà nội ruột của Hiếu đang đứng tựa cột hàng ba, mắt buồn vời vợi. Nghe hỏi đến Hiếu, giọng bà rưng rưng bảo: "Thằng Hiếu đã ra đi theo cha theo chế nó rồi”.
Vừa bước vào căn nhà, cảnh tượng khiến người chứng kiến không khỏi xót xa, 3 ban thờ trong căn nhà nhỏ hẹp, đáng buồn hơn là 3 bức di ảnh của người trẻ tuổi.
Lúc cắm nhang lên lư hương bàn thờ có di ảnh của Nguyễn Chí Hiếu, bà từ từ kể lại câu chuyện của gia đình mình, xung quanh những bức di ảnh trẻ trung xếp liền kề nhau trên những bàn thờ nghèo khó.
Người bà nội cô đơn khi mất đi người cháu trai. Ảnh: PLO
Bức di ảnh đầu tiên là của Dương Thị Thu Hiền, mất năm 2011, khi 17 tuổi, liên quan một vụ án hiếp dâm rúng động ở Cà Mau. Hiền là cháu ngoại của bà Ba Anh, con gái của người con thứ 2 của bà Ba. Hiền cũng sống với bà từ nhỏ đến khi mất đi. Tư liệu từ nhiều tờ báo cho thấy, cái chết của Hiền đã tạo ra một điểm nóng ở Cà Mau. Hiền bị một người bạn dụ đi hát Karaoke để hiếp dâm. Hiền chống cự, bị chấn thương sọ não và chết sau 2 ngày điều trị ở Bệnh viện Năm Căn. Đến chiều tối ngày 30/6/2011, một nhóm người đã khiêng quan tài của Hiền trở lại Bệnh viện quậy phá, rượt đánh bác sỹ, đập phá tài sản…
Kết cuộc, Công an đã khởi tố 2 vụ án, một là vụ án hiếp dâm Hiền, một vụ án khác với hơn 30 bị can về các hành vi đập phá Bệnh viện, nhà riêng của 2 bác sỹ.
Hai di ảnh còn lại là của cha con Nguyễn Thanh Hùng, con trai thứ tư của bà Ba Anh. Anh Hùng chết trong một vụ tai nạn gãy cần cẩu ở Đầm Dơi, cách đây gần chục năm. Nguyễn Chí Hiếu là con trai út của anh Hùng, bà nuôi từ lúc bốn tuổi, khi cha mẹ nó tan vỡ hôn nhân.
"Thằng Hùng có vợ và 4 đứa con. Nhưng giờ đây tất cả đã biến mất khỏi tôi. Thằng Hiếu là niềm an ủi của tôi. Nó ngủ với tôi từ 4 tuổi đến giờ. Lên 10 tuổi, nó biết đi bắt ba khía bán kiếm tiền về cho nội. Rồi 2 tháng nay nó đi theo người ta lặn thuê, mỗi ngày được trả công 50, 100, 150 ngàn đồng. Có tiền là mua đồ ăn cho nội, cho tiền nội xài” – bà Ba kể trước di ảnh của Hiếu.
Về ba người anh chị của Hiếu và mẹ Hiếu, bà Ba bảo: "Mẹ nó buồn tình bỏ đi khi thằng Hiếu mới 4 tuổi. Các anh chị của Hiếu lớn lên 15, 16 tuổi cũng nói là đi lao động trên thành phố rồi biệt tăm đến nay. Nghe đồn tụi nó bị dụ dỗ đi lao động ở xa lắm”.
Khi khách rời đi, bà Ba lại ra trước hàng ba nhà, đứng tựa cột, mắt buồn hiu.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau, công tác tuyên truyền về bom, đạn, vật liệu nổ… được thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua tại Cà Mau. Nhờ tin báo của nhân dân, lực lượng chuyên trách của tỉnh đã tiêu huỷ khá nhiều bom, đạn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trên địa bàn vùng nông thôn của tỉnh vẫn xảy ra tình trạng người dân chậm trình báo, tự ý tác động ngoại lực vào bom, đạn… dẫn đến những sự việc đáng tiếc. "Qua đây, chúng tôi khuyến cáo người dân địa phương khi phát hiện bom, đạn, vật liệu nổ... phải trình báo ngay cho chính quyền địa phương nơi gần nhất để lực lượng chức năng can thiệp kịp thời, tránh tái diễn những sự việc đau lòng tương tự”, Đại tá Hùng khuyến cáo trên báo Nhân dân. |
Bảo An (T/h)