Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ chùa Cầu "khoác áo mới" gây tranh cãi: Hội An chỉ đạo "nóng" sơn lại

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Lãnh đạo TP Hội An cho biết, sẽ điều chỉnh màu, sơn lại, "làm cũ" công trình Chùa Cầu trước khi khánh thành,  đưa vào sử dụng lại.

Xử lý lại màu

Trao đổi với báo Công an Nhân dân, ông Nguyễn Văn Sơn sáng nay (29/7), Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) khẳng định, thành phố đang giao Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An xử lý, "làm cũ" Chùa Cầu trước khi khánh thành vào ngày 3/8 sắp đến; cụ thể, sẽ sơn lại màu nhạt hơn so với màu đỏ phía trước và sau Chùa Cầu, còn bên hông sẽ sơn lại màu sẫm hơn so với màu trắng hiện tại.

"Quá trình trùng tu Chùa Cầu, đơn vị thực hiện trùng tu di tích đã rất trung thành với nguyên bản, song màu mới của sơn vôi có sáng hơn màu sắc rêu cũ, cổ kính vốn có của phố Cổ. Sau khi tiếp thu ý kiến từ người dân, du khách và báo chí, Hội An sẽ sơn lại màu công trình phù hợp hơn, sát với màu cũ của công trình", Chủ tịch UBND TP Hội An nói.

Chùa Cầu sau khi được trùng tu. Ảnh: Báo Giao thông

Trước đó, như đã đưa tin, diện mạo mới của Chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu nhận nhiều ý kiến trái chiều từ du khách, dư luận ngay từ ngày 25/7 khi đơn vị thi công tháo dỡ toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn sau gần 2 năm tiến hành trung tu. Nhiều người cho rằng việc trùng tu, đặc biệt màu sơn, đã làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của công trình được coi là biểu tượng của đô thị cổ Hội An, khiến di tích trở nên lạ lẫm so với trước đây.

Tuy nhiên, ý kiến chuyên gia cho rằng việc trùng tu Chùa Cầu đã đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và tính chân xác của di tích.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết TP trùng tu Chùa Cầu phải đảm bảo nguyên tắc khoa học, không phải cảm nhận cá nhân của một số người.

Suốt quá trình trùng tu Chùa Cầu, TP Hội An luôn công khai minh bạch, luôn mở cửa cho người dân, du khách hay chuyên gia, nhà khoa học tham quan để góp ý.

“Trùng tu đảm bảo nguyên tắc giữ tối đa yếu tố gốc, cái gì giữ được thì giữ lại hết, từ tấm biển, cây gỗ, ván sàn, ban công… Ngay cả con giống (hoạ tiết) nhìn thì mới nhưng đều là gốc từ ngày xưa. Nguyên tắc trùng tu phải sơn lại để bảo quản, nên màu sắc phải khác, qua thời gian sẽ như xưa” - ông Sơn khẳng định.

Chuyên gia cho rằng trùng tu Chùa Cầu đảm bảo nguyên tắc bảo tồn. Ảnh: PLO

Theo ông Sơn, các nhà chuyên môn hết sức hài lòng với dự án. Quá trình trùng tu Chùa Cầu, các chuyên gia của Nhật Bản cử đến giám sát từng chút, rất chặt chẽ.

“Cảm nhận của một số người dân cho rằng Chùa Cầu không giống như trước, thì dĩ nhiên màu sắc phải khác. Nhưng mà công trình bền vững hơn, mình giữ được tất cả những yếu tố gốc thì cần phải ghi nhận.

Được biết, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%.

Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn.

Xuất bản sách về quá trình tu bổ

Trong một thông tin liên quan, theo báo Giao thông, ngày 29/7, UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, vào dịp khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu ngày 3/8, thành phố sẽ xuất bản sách với tên gọi "Tu bổ di tích Chùa Cầu".

Theo đó, cuốn sách có nội dung về toàn bộ hồ sơ quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tập hợp, biên soạn và xuất bản.

Cuốn sách mong muốn sẽ đem đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách gần xa, người dân Hội An có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở dữ liệu lưu trữ quan trọng cho thế hệ hôm nay và mai sau trong công tác quản lý bảo tồn, phát huy.

Tin nổi bật