Theo Người Đưa Tin Pháp Luật, Dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với mức kinh phí 20 tỷ đồng, do UBND TP.Hội An làm chủ đầu tư. Nguồn vốn đầu tư 50% ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ, 50% còn lại từ ngân sách TP.Hội An.
Dự án nói trên được khởi công vào ngày 28/12/2022, trong quá trình tu bổ đã tiếp tục tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng. Bên cạnh đó, được UBND tỉnh gia hạn thời gian thi công tu bổ công trình bởi tính chất quan trọng của di tích này.
Việc tu bổ nhằm góp phần bảo tồn di tích, giữ gìn tối đa giá trị cốt lõi của di tích trong tổng thể chung của khu phố cổ Hội An, đồng thời góp phần duy trì sự ổn định lâu dài, tăng độ bền vững, tuổi thọ cho di tích, tôn tạo cảnh quan, cải tạo môi trường tạo điều kiện tốt cho việc nâng cao giá trị của di tích.
Hình ảnh Chùa Cầu trước khi tu bổ. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật
Hình ảnh Chùa Cầu sau khi tu bổ. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật
Trong những ngày qua, khi Chùa Cầu cơ bản hoàn thành việc tu bổ, dư luận lại dấy lên 2 luồng ý kiến khác nhau. Một bên cho rằng, Chùa Cầu trùng tu không có gì khác biệt, vẫn giữ được nét nguyên bản. Số khác lại tỏ ra khá bất ngờ vì sự "tươi mới, khác lạ" so với bản cũ của di tích này.
Theo luồng ý kiến thứ 2, nhiều chi tiết trùng tu tạo cảm giác không ăn khớp như màu vôi, ngói, tường… làm mất đi nét "cổ kính" vốn có trước đây.
Liên quan đến việc tu bổ Chùa Cầu, báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, công trình này đã thực hiện theo đúng quy trình, nguyên tắc trùng tu di tích; được các chuyên gia trong nước và Tổng cục Văn hóa của Nhật cử sang giám sát rất kỹ.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, trong quá trình trùng tu có các ý kiến đều được dừng lại để thảo luận kỹ rồi mới tiếp tục. Ban đầu dự án dự kiến hoàn thành trong 1 năm, nhưng đã kéo ra hơn 1,5 năm.
“Những ý kiến cho rằng Chùa Cầu lạ lẫm là cảm quan của họ, còn phải đứng trên góc độ chuyên môn để đánh giá công trình. Không có công trình nào đại trùng tu mà không thay đổi, quan trọng là yếu tố gốc phải giữ được, đảm bảo công trình có tính lâu bền”, Chủ tịch UBND TP Hội An nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, di tích này đã trải qua 400 năm tồn tại nên việc tu bổ là cần thiết. Trùng tu là phải cố gắng làm mới nhưng vẫn giữ được cái nguyên bản, tuy nhiên với những phần vôi vữa đã mốc thì không giữ lại được.
"Quan trọng là kết cấu, kiểu thức, hình dáng… phải tuân thủ nghiêm ngặt yếu tố nguyên gốc và yếu tố lịch sử trong nguyên tắc trùng tu", ông Nguyễn Văn Lanh chia sẻ.
Toàn cảnh Chùa Cầu nhìn từ trên cao. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Di tích Chùa Cầu có giá trị đặc biệt quan trọng nên công tác chuẩn bị dự án được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An triển khai từng bước hết sức cẩn trọng.
Cụ thể, trung tâm đã thành lập các tổ Dự án, Tổ Nghiên cứu và Truyền thông; khảo sát, sưu tầm, tổng hợp các tài liệu liên quan, lấy ý kiến từ cộng đồng dân cư; số hóa di tích bằng công nghệ 3D,... tạo cơ sở dữ liệu khoa học để đưa ra các giải pháp, hình thức tu bổ phù hợp đảm bảo theo nguyên tắc tu bổ đối với từng hạng mục, kết cấu của công trình di tích Chùa Cầu.
Bên cạnh đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư, các cán bộ chuyên môn về khảo sát, lịch sử và Hán Nôm được đào tạo bài bản, dự án cũng nhận được sự hỗ trợ từ phía các chuyên gia Nhật Bản đến từ các tổ chức JICA, Tổng Cục Văn hóa Nhật Bản.
Đây là nền tảng cơ bản giúp cho quá trình thi công, tu bổ di tích Chùa Cầu sớm hoàn thành đúng dự kiến, đảm bảo được các yếu tố đã đề ra ban đầu.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Lanh, việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc "giải phẫu - chữa bệnh" nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích.
“Đến nay, công tác tu bổ Chùa Cầu đã hoàn thành một cách bài bản, khoa học, đảm bảo được kết cấu lâu dài cho di tích", Người Đưa Tin Pháp Luật dẫn lời ông Nguyễn Văn Lanh.