Dự thảo Thông tư này quy định về hình thức; nội dung; trang phục; trang bị, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và trình tự tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ của CSGT; huy động lực lượng khác trong Công an nhân dân phối hợp với CSGT tham gia tuần tra, kiểm soát TTATGT đường bộ trong trường hợp cần thiết.
Đáng chú ý, dự thảo Thông tư này đã sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm tra, kiểm soát, cập nhật thông tin tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy tờ trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, Ứng dụng, hệ thống thông tin điện tử khác.
Theo đó, Điều 8 quy định về việc kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm: Giấy phép lái xe; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài); giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định (sau đây gọi chung là giấy tờ).
Lực lượng CSGT kiểm tra kiểm tra thông tin của giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia
Khi thông tin của các giấy tờ đã được tích hợp, cập nhật trong tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu; việc kiểm tra thông tin của giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.
Bỏ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát và các trường hợp CSGT được dừng phương tiện để kiểm soát (Điều 7, Điều 8, Điều 16 Thông tư số 32/2023/TT-BCA) vì nội dung này đã được quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024.
Bổ sung các quy định: thiết bị kỹ thuật, phần mềm ứng dụng giao thông trên thiết bị di động để hỗ trợ CSGT khi thực hiện tuần tra, kiểm soát (Điều 9); xây dựng, phê duyệt, quản lý lưu trữ kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên môi trường điện tử (Điều 10); triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát, ghi nhật ký tuần tra trên phần mềm ứng dụng giao thông trên thiết bị di động (Điều 11, Điều 20, Điều 21); gửi thông báo cho người vi phạm trong trường hợp không dừng được phương tiện qua phần mềm ứng dụng giao thông trên thiết bị di động (Điều 24); người dân có thể cung cấp thông tin phản ánh về tình hình trật tự, an toàn giao thông thông qua phần mềm ứng dụng giao thông trên thiết bị di động (Điều 25).
Đồng thời, bổ sung quy định những trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng khác trong Công an nhân dân phối hợp với CSGT tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ…
Theo đó, CSGT di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công bằng phương tiện giao thông hoặc đi bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành, trực tiếp quan sát hoặc thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.
Khi kiểm soát tại một điểm trên đường, CSGT lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ;
Tổ công tác đặc biệt xử lý trường hợp vi phạm giao thông trên đường Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội
Khi tuần tra, kiểm soát, CSGT sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera) được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát. Kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.
Khi tuần tra, kiểm soát cơ động được kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm CSGT hoặc khi kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm CSGT được tuần tra, kiểm soát cơ động nhưng phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Bên cạnh đó, tổ CSGT được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định tại khoản 3 Điều này để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.
Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, gồm: Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả công tác; đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.
Cán bộ hoá trang và cán bộ tuần tra công khai trong tổ CSGT phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.
Bộ phận CSGT hóa trang có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác;
Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông thì sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động Nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.
Thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.
Về điều kiện để CSGT tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, dự thảo nêu phải có kế hoạch được cấp có thẩm quyền ban hành. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện; lực lượng; trang phục; phương thức liên lạc, thời gian, tuyến, địa bàn, vũ khí, công cụ hỗ trợ được sử dụng.
Cục trưởng CSGT, giám đốc công an cấp tỉnh; trưởng phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; trưởng phòng CSGT; trưởng công an cấp huyện sẽ quyết định việc mặc trang phục cảnh sát, mặc thường phục khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.
Vũ khí, công cụ hỗ trợ, gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn điện, súng bắn lưới, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn cay, súng bắn đạn đánh dấu, bình xịt cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8, gậy chỉ huy giao thông.
Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị, sử dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 135/2021/NĐ-CP và tiêu chuẩn, định mức theo quy định của Bộ Công an. Được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang trên các tuyến giao thông đường bộ, tại Trạm CSGT, trên phương tiện giao thông, trang bị cho Tổ CSGT, do cán bộ Cảnh sát giao thông trực tiếp vận hành, sử dụng để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định.