Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Miền ký ức hào hùng của người chiến sỹ duy nhất sống sót trong Trung đội Mai Quốc Ca

  • Hiếu Nguyễn
(DS&PL) -

Với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, 20 chiến sỹ của Trung đội Mai Quốc Ca đã tiêu diệt 125 quân địch, 2 cố vấn quân sự Mỹ và phá hủy nhiều xe cơ giới.

“Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hóa thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người như chân lý sinh ra...”

Lời thơ trong bài “Hãy nhớ lấy lời tôi” của nhà thơ Tố Hữu ngợi ca người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi cũng đã trở thành tuyên ngôn cho một thế hệ những con người không tiếc máu xương chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do của quê hương, đất nước.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc Việt Nam, đâu đâu trên dải đất hình chữ S cũng có những chiến công oanh liệt nhưng đi kèm với nó là những mất mát, hy sinh không lời nào kể hết.

Một trong những minh chứng rõ nhất cho sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị - nơi được mệnh danh là “vùng đất lửa” bởi lẽ trên diện tích 3 km2 của Thành Cổ, quân Mỹ đã ném xuống hơn 328.000 tấn bom, đạn. Hơn 4.000 anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống, tạo nên bản hùng ca bất diệt vang mãi muôn đời.

Hơn 4.000 con người là từng ấy câu chuyện, số phận khác nhau nhưng đều có chung một lý tưởng cao đẹp, khát vọng đấu tranh, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Mỗi khi nhắc về Mùa hè đỏ lửa 1972, câu chuyện về 20 chiến sĩ của trung đội Anh hùng Mai Quốc Ca vẫn mãi là mảnh ghép trong trang sử chói lọi, được các thế hệ sau kể lại với sự cảm phục và niềm tự hào vô bờ bến.

“Trung đội 1 thắng 100”

Công lao và sự hy sinh của các chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca đã hóa thành biểu tượng bất diệt. Ghi nhớ chiến công hiển hách của Trung đội Mai Quốc Ca, một tượng đài tưởng niệm mô phỏng "20 giọt máu" đã được xây dựng bên bờ bắc dòng sông Thạch Hãn, như một sự nhắc nhở cho các thế hệ về tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh anh dũng của cha anh đi trước.

Đài tưởng niệm sự hy sinh của các chiến sỹ Trung đội Mai Quốc Ca mô phỏng "20 giọt máu" ở phía bắc cầu Thạch Hãn.

Những ngày tháng 7 lịch sử, tìm gặp cựu chiến binh Vũ Quang Thành - nhân chứng sống cuối cùng của Trung đội Mai Quốc Ca ngày ấy, PV Đời sống & Pháp luật lại có dịp lắng lại để sống trong những phút giây hào hùng của dân tộc.

Ở độ tuổi “xưa nay hiếm” và sức khỏe đã giảm sút nhiều, song người cựu chiến binh Vũ Quang Thành vẫn còn nguyên cốt cách của người lính bộ đội Cụ Hồ, bằng chất giọng sang sảng, hào hùng khi nói về ký ức của trận đánh đêm ngày 9/4/1972.

Trung đội quân giải phóng mang tên người Trung đội trưởng Mai Quốc Ca gồm có 20 chiến sĩ thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Những chàng trai năm ấy đều đang độ tuổi còn rất trẻ. Người lớn tuổi nhất là Đại đội phó Nguyễn Văn Thỏa vẫn chưa đến tuổi 30. Trung đội trưởng Mai Quốc Ca lúc này mới vừa tròn 22 tuổi.

 

Thời điểm chiến tranh ác liệt, thế hệ thanh niên chúng tôi đều mang lý tưởng, khát vọng muốn vào quân đội để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc

Cựu chiến binh Vũ Quang Thành - người chiến sĩ duy nhất của Trung đội Mai Quốc Ca còn sống sót sau trận đánh ngày 10/4/1972. 

“Thời điểm chiến tranh ác liệt, thế hệ thanh niên chúng tôi đều mang lý tưởng, khát vọng muốn vào quân đội để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Được cầm súng chiến đấu cho đất nước là cái gì đó thiêng liêng, cao cả lắm”, cựu chiến binh Vũ Quang Thành bồi hồi nhớ lại.

Sau giai đoạn đóng quân và huấn luyện ở ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, trung đội nhận lệnh vào chiến đấu tại Quảng Trị - một trong những chiến trường khốc liệt nhất lúc bấy giờ.

Đêm mùng 9 rạng sáng mùng 10/4/1972, 20 chiến sĩ của Trung đội được giao nhiệm vụ vận chuyển 100 kg bộc phá hỗ trợ cho Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 đánh vào các căn cứ vùng giáp ranh tại Đầu Mầu, núi Kiến (Quảng Trị).

“Trước khi lên đường, chúng tôi cũng không ngờ rằng đây là lần cuối được cùng sát cánh bên nhau”, người lính năm xưa nghẹn ngào kể lại.

Rạng sáng ngày 10/4/1972, trung đội di chuyển đến gần cầu Thạch Hãn thì vướng mìn của địch. Phát hiện quân ta, địch đã điều động một lực lượng 3 tiểu đoàn lính tinh nhuệ, gồm lính dù, biệt động và thủy quân lục chiến, huy động máy bay, pháo binh, xe tăng yểm trợ.

20 con người của trung đội bị bao vây bởi 3 tiểu đoàn. Bất chấp hỏa lực hạn chế và chênh lệch lực lượng hai bên quá lớn, các chiến sĩ quân giải phóng vẫn anh dũng chống trả, anh dũng chiến đấu cho tới giờ phút cuối cùng.

Trong giây phút sinh tử cận kề, các chiến sĩ nhanh chóng thiết lập thế trận, yểm trợ và bọc lót để chống lại những đợt mưa đạn của quân địch. Khi đã hết đạn, các chiến sĩ lại dùng lưỡi lê, báng súng xông lên đánh giáp lá cà với địch.

Đến trưa ngày 10/4/1972, 19 chiến sỹ trong trung đội hy sinh, chỉ còn lại người lính trẻ Vũ Quang Thành chiến đấu dù cũng đã bị thương nặng do trúng đạn. Bằng sự phi thường và tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, 20 con người ấy đã tiêu diệt 125 quân địch thuộc nhiều binh chủng, 2 cố vấn quân sự Mỹ và bắn cháy nhiều xe cơ giới.

Khi khép được vòng vây, quân địch mang thi thể các chiến sĩ phơi nắng để răn đe người dân. Bằng sự kiên cường và gan góc, những người dân ở thôn Nhan Biều, thôn An Đôn đã lên tiếng đấu tranh, yêu cầu cho mai táng các chiến sĩ hy sinh.

Đến sáng ngày 11/4/1972, bà con đã đưa được toàn bộ 19 chiến sĩ về với đất mẹ, mai táng tại mép sông ở bến Nhan Biều, phía bắc sông Thạch Hãn.

Cựu chiến binh Vũ Quang Thành cùng gia đình.

Về phần mình, sau trận đánh, ông Vũ Quang Thành bị quân địch bắt giữ. Ông được đi điều trị tại quân y viện Nguyễn Tri Phương - Huế. Tại đây ông được mổ nối ruột, sau đó được đưa vào bệnh viện Duy Tân, Đà Nẵng, để tiếp tục chữa trị trong suốt thời gian 2 tháng.

Sau khi ra viện, người chiến sĩ Vũ Quang Thành bị tạm giam tại khu vực chân bán đảo Sơn Trà, giam lỏng ở nhà lao Bạch Đằng khoảng 2 tháng với 7 lần hỏi cung. Tại đây, địch dùng đủ mọi xảo thuật từ thuyết phục, dụ dỗ cho đến dọa nạt để ông Thành chiêu hồi, song với lòng trung thành tuyệt đối với Đất nước, ý chí của người lính trẻ luôn trả lời đanh thép: “Thà chết, thà chấp nhận bị giam cầm, ngược đãi chứ nhất định không chịu chiêu hồi”.

Sáng mãi phẩm chất người lính Cụ Hồ

Ngày 10/3/1973, Hiệp định Paris được ký kết, ông và các chiến sĩ bị tù đày khác được trao trả tự do bên dòng Thạch Hãn và đưa về an dưỡng ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang khoảng 1 năm, trước khi được trở về quê nhà vào tháng 4/1974.

Trở về quê hương, với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, ông Vũ Quang Thành đi học lớp Trung cấp kế hoạch và tham gia công tác địa phương. Ông được tín nhiệm làm cán bộ kế hoạch của HTX nông nghiệp xã Vĩnh Phúc, sau đó có 12 năm làm Trưởng thôn Đồng Minh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Người lính Vũ Quang Thành trở về thăm lại đồng đội.

Ông Thành cũng là một những thành viên tích cực xây dựng và phát triển Ban liên lạc hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày huyện Vĩnh Lộc. Đây là nơi kết nối, giao lưu, gặp gỡ, giúp đỡ lẫn nhau của những người lính đã từng bị địch bắt, tù đày trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc.

“Tôi luôn tự nhủ mình phải sống sao cho thật ý nghĩa để trả ơn cuộc đời, cũng như xứng đáng với những anh em khác đã ngã xuống để đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc”, ông Thành bộc bạch.

Sau ngày thống nhất, hài cốt của các chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca được quy tập về nghĩa trang Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1973, Trung đội Mai Quốc Ca được Nhà nước truy tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đồng thời phong tặng danh hiệu “Trung đội 1 thắng 100”. Đến năm 2014, phần mộ của 16 chiến sỹ thuộc Trung đội Mai Quốc Ca đã được gắn tên, bổ sung thêm thông tin.

Tên ông Vũ Quang Thành được khắc trên bia mộ liệt sĩ.

Có một câu chuyện đặc biệt, vào giữa năm 1996, trong dịp cùng thân nhân đồng đội trở lại chiến trường xưa, tìm lại những người đồng đội đã ngã xuống, ông Thành đã bất ngờ phát hiện có tên mình khắc trên tấm bia liệt sĩ.

Ông Thành xúc động kể: “Chính ông cũng có một ngôi mộ được gắn tên, tuổi, quê quán ở Nghĩa trang Ái Tử. Ông vẫn không rời xa đồng đội, tên ông vẫn ở đó, trong danh sách 20 cái tên của trung đội anh hùng. Đó là điều thiêng liêng, niềm hãnh diện lớn lao mà ông mang theo suốt cuộc đời mình”.

Tin nổi bật