Trong cơn điên cuồng, mù quáng, người cha đã tưới xăng, châm lửa đốt chính con trai ruột của mình. Trong nỗi đớn đau, người mẹ đã cắt da đùi của mình để bù đắp da thịt cho con.
Nỗi đau ập đến khi mà một cậu bé 3 tuổi còn chưa nhận thức được điều gì đang xảy ra với mình. Vượt qua cuộc chiến đấu với tử thần để tìm lại một hình dạng “một con người” là những chuỗi ngày đầy gian khổ của cậu bé và cả gia đình.
Vượt qua lưỡi hái tử thần
Hơn 3 năm sau vụ án cha tẩm xăng đốt con, chúng tôi đã tìm về Thôn 6, xã Tế Tân, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa để gặp lại hai mẹ con chị Lê Thị Hà và bé Vũ Quốc Linh.
|
Chị Hà và con trai (cháu Linh) với gương mặt biến dạng do bị bố đốt (Ảnh chụp tháng 8/2014). |
Cậu bé đã 6 tuổi, lớn hơn nhiều so với ngày cháu gặp nạn. Những vết thương trên người cậu bé đã thành sẹo, khuôn mặt của một cậu bé đã thành hình dạng hơn so với trước. Nhìn gương mặt của cháu, chúng tôi cảm nhận được một nghị lực phi thường trong cuộc chiến chống lại tử thần, giành lại hình dạng của cậu bé.
Người cha ác nhân đã phải lãnh nhận hình phạt trước pháp luật, để lại cho Linh và mẹ nỗi đau đớn tột cùng và nỗi buồn sâu thẳm... Mỗi khi nhìn hình hài đứa con bé bỏng bị biến dạng bởi chính bàn tay của cha nó, chị Hà đã không cầm được nước mắt.
Gạt những giọt nước mắt đang chực lăn xuống khi nhắc lại chuyện cũ, chị Hà kể: Người cha tàn bạo đã đổ xăng và đốt trực tiếp vào phần đầu của cháu bé. Nhưng lửa cháy ngược từ dưới lên, cho nên vùng đầu là vùng bị tổn thương nặng nhất.
Chỉ khi người cậu ôm đứa bé rồi ném xuống ao, đám lửa hung dữ mới được dập tắt. Gia đình vội vàng đưa cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Thanh Hoá. Nhìn cảnh tượng một cậu bé 3 tuổi bị đốt cháy xém, toàn than là những vết thương nham nhở không ai không khỏi xót xa.
Kể về thời điểm tiếp nhận bệnh nhân, Bác sĩ Hà Hoàng Minh – Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá cho biết: "Bé Linh được đưa vào viện trong tình trạng bỏng toàn thân, quần áo bị cháy hết. Kiểm tra ban đầu, các bác sĩ nhận định cháu bé bị bỏng 30\% da, trong đó 20\% là ở phần đầu, mặt và cổ, hai bàn tay, một phần bụng và một bên mông bị bỏng sâu nhất”.
|
Năm nay Linh đã 6 tuổi và cũng ham chơi như mọi đứa trẻ khác cùng trang lứa. |
Cũng theo bác sĩ Hà Hoàng Minh, thì may mắn phần mắt và bộ phận sinh dục của Linh không bị ảnh hưởng, lửa đã cháy vào mi mắt nhưng chưa vào giác mạc. Lúc này cháu bé chỉ thở rên, các bác sĩ đã phải tiêm thuốc giảm đau và sử dụng ống thở để cháu thở. Chiều cùng ngày, huyết áp dần ổn định, những chỗ thịt chín được cắt bỏ để không bị ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của máu.
Sau khi vượt qua được cơn nguy kịch, bé Linh phải cắt bỏ các chỗ thịt chín, tháo các khớp tay đã bị cháy không còn khả năng phục hồi. Toàn bộ cơ mặt của cháu bị cháy, hai lỗ mũi cũng bị lửa đốt chín rất khó hồi phục.
Sau quá trình điều trị tại Bệnh viên Nhi tỉnh Thanh Hóa, bé Linh được chuyển về Viện bỏng Quốc gia để điều trị. Tại đây, bé Linh được các bác sĩ cấy ghép da để phục hồi lại những chỗ da bị cháy. Tuy nhiên, đến lần cấy ghép cuối cùng thì phát hiện cháu bé bị nhiễm trùng máu, nên phải chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị.
Theo lời bác sĩ Đặng Ánh Dương, tại thời điểm đó là Phó trưởng Khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương thì trong máu của cháu Linh có vi khuẩn tụ cầu vàng. Cháu phải điều trị ở Khoa Nhiễm khuẩn.
Thời điểm này cháu Linh bị sốt cao, không ăn được nhiều. Sau đó, cậu bé được chuyển sang khoa Hồi sức ngoại, và được bố trí vào phòng cách ly để có môi trường tốt dưỡng bệnh.
May mắn, và nhờ sự tận tình của các y bác sĩ, đến tháng 7/2011, sau hơn 3 tháng điều trị, bé Linh được Bệnh viện cho về nhà. Đợi đến khi các vết thương thành sẹo và lành hẳn, Linh sẽ tiếp tục đi điều trị chỉnh hình và phục hồi chức năng.
Hai người mẹ và một hành trình cứu vớt khuôn mặt con
Quá trình điều trị cho bé Linh cũng là những ngày cực kỳ vất vả của mọi người trong gia đình, nhất là chị Hà. Chị Hà không chỉ vừa phải chăm sóc cho đứa con bị thương nặng, mà còn phải xoay sở để có đủ chi phí cho quá trình chữa bệnh.
|
May mắn, bàn tay chỉ còn 4 ngón và tháo gần hết đốt vẫn có thể cầm bút. |
Không những thế, chị còn phải cắt phần da đùi của mình để đắp vào những chỗ da bị cháy không thể phục hồi của con trai. Vừa phải lo cho con, vừa phải xoay sở tiền bạc, sau khi cắt bỏ phần da thịt của mình để bù đắp cho con, chị lại phải nằm để điều trị phục hồi sức khỏe sau quá trình phẫu thuật cắt da đùi.
Nghĩ lại thời điểm ấy, chị Hà nghẹn ngào: “Nhiều khi tôi nghĩ phải chăng đây là một giấc mơ, tôi không thể tưởng tượng nổi cái hình hài này của đứa con trai lại do chính người cha của nói gây nên. Tôi đã từng nghĩ không biết mình có vượt qua được cái cú sốc này không. Nhưng vì nghĩ cho con, vì mong nó sớm lành lại, tôi đã gắng gượng hết sức để cứu chữa cho con...".
Chị Hà cho biết, tháng 11/2011, qua thông tin trên báo chí, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc ở Bình Dương đã liên hệ với chị và tài trợ cho mẹ con chị vào gặp đoàn bác sĩ đến từ Hàn Quốc để xem xét, phẫu thuật thẫm mỹ miễn phí khuôn mặt cho cháu Linh.
"Cháu Linh lúc đó các bác sĩ Bệnh viện Hạnh Phúc đã tài trợ chi phí mổ để cháu bé sang Hàn Quốc phẫu thuật. Nhưng còn chi phí vé máy bay, đi lại, ăn ở trong quá trình điều trị thì gia đình phải tự lo. Một gia đình nhà nông, trước giờ tôi chưa bao giờ có được những khoản tiền lớn như vậy. Tuy nhiên sau đó, nhờ sự giúp đỡ của báo chí, có rất nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ hai mẹ con. Bản thân gia đình cũng đã chạy vạy khắp nơi để có them tiền cho con đi điều trị. Và cuối cùng chuyến đi sang Hàn Quốc điều trị cũng được diễn ra", chị Hà nghẹn lời.
|
Hình hài cháu Linh và người cha tàn độc trước khi được đưa đi Hàn Quốc chữa trị. |
Chị Lê Thị Hạnh, dì ruột của Linh chia sẻ: “Lúc cháu nằm viện tôi cùng với mẹ nó thay nhau chăm sóc. Lúc Hà đi nghỉ thì tôi lại thức để trông cháu, lúc nào tôi mệt nghỉ thì mẹ nó lại trông. Mấy đứa nhỏ của tôi ở nhà đến ngày đi học cũng phải hoãn lại, vì tôi không thể về lo tiền nong cho bọn trẻ, và đành phải ở lại một năm sau đó mới đến trường.
Lúc mẹ nó phẫu thuật cắt da để ghép vào phần da bị cháy của Linh, tôi đã thay mẹ nó chăm sóc cho cháu. Lúc đó chỉ có hai gì cháu, không được gần mẹ vì hai mẹ con nằm cách xa nhau, cháu đã gọi tôi là mẹ từ đó. Đến lúc mẹ về chăm sóc, cảm nhận của cháu với mẹ nó cũng không còn được như trước. Mãi mấy ngày sau, cháu mới thực sự quen với hơi ấm trong người mẹ nó. Nhưng từ đó đến bây giờ, cháu bé vẫn luôn gọi tôi là mẹ, và giờ thì nó có hai người mẹ”.
Nghĩ về những khó khăn mà gia đình gặp phải, chị Hạnh cho biết thêm: "Lúc đó cả nhà ai có gì góp nấy, mỗi người một ít. Rồi những người than trong gia đình cũng phải huy động bạn bè, mỗi người cố gắng giúp đỡ cho hai mẹ con để có tiền đi điều trị. Còn người thì còn của, mong muốn lớn nhất của mọi người trong nhà là làm sao chữa bệnh cho cháu càng sớm càng tốt. Nếu để lâu cháu không chỉ đau đớn mà những vết thương khó lành sẽ ảnh hưởng để tương lai của cháu sau này".
Quãng thời gian từ năm 2011 đến năm 2014, cháu Linh đã phải 3 lần sang Hàn Quốc để điều trị. Những lần đó là những lần tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền của của gia đình. Cũng may mắn nhờ "tấm lòng Bồ Tát" cộng đồng, xã hội nên gia đình cũng đỡ lo lắng hơn về những khoản chi phí.
|
Bé Linh trước và sau khi bị cha tưới xăng lên người và đốt. |
Nỗi đau của những vết thương thể xác chính là điều mà Linh phải chịu đưng nhiều nhất. Đến thời điểm hiện tại, dù đã được chữa trị nhiều lần, nhưng khuôn mặt của Linh đã biến dạng hoàn toàn. Trên đầu chỉ có một chùm tóc nhỏ mọc lên phía trước, vành tai bị cháy hết, các ngón tay bị tháo gần hết đốt, bàn tay chỉ còn 4 ngón, bị biến dạng.
"Đau đớn lắm chú ạ! Dù vết thương đã lành, nhưng hằng ngày nhìn con mà như đứt từng khúc ruột. Sẽ ra sao khi cháu lớn lên và biết rằng, đó chính là "sản phẩm" của chính người sinh ra cháu...?!", chị Hà nghẹn ngào, cúi đầu lau hai dòng nước mắt đang chực rơi...