(ĐSPL) - Theo PGS -TS Nguyễn Tiến Dũng, bệnh viêm đa rễ dây thần kinh đáng lo ngại nhất là giai đoạn cấp tính ban đầu. Nếu không kịp thời chữa trị có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Như trước đó đã thông tin về trường hợp bệnh nhân N.T.H.Y. (2 tuổi, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) nhập viện chữa viêm phổi bỗng dưng bị liệt chân phải, PV có cuộc trao đổi với PGS -TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai về chứng bệnh viêm đa rễ dây thần kinh do Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận khi bé gái được chuyển lên.
Viêm đa rễ dây thần kinh... có thể nguy hiểm tính mạng
TS Dũng cho biết: "Bệnh viêm đa rễ dây thần kinh đôi khi không có biểu hiện từ trước. Có trường hợp em bé đang khỏe mạnh bỗng dưng hai chân yếu đi và có những trường hợp 2 ngày sau đã biểu hiện bị liệt. Liệt tới cơ chân và gây khó thở có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Ở khoa Nhi - bệnh viện Bạch Mai đã từng chữa nhiều trường hợp bệnh nhân như trên, thậm chí còn bị nặng hơn”.
Về nguyên nhân của bệnh viêm đa rễ dây thần kinh, TS Dũng cho hay, do 1 số virut gây ra nên việc chẩn đoán bệnh không phải dễ dàng. Ngoài ra theo TS Dũng, bệnh này có thể chẩn đoán qua kiểm chứng lâm sàng và xét nghiệm dịch não tủy.
Bé N.T.H.Y. (2 tuổi, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) bị liệt chân sau khi chữa bệnh viêm phổi. |
Bác sĩ Dũng phân tích, nếu bệnh nhân bị bệnh này, tình trạng liệt xuất hiện tăng dần trong vòng vài ngày đến vài tuần. Do đặc điểm tổn thương đối xứng ở tất cả các dây thần kinh ngoại vi nên thường thấy liệt hai chi dưới hoặc tứ chi. Liệt thường khởi đầu ở hai chi dưới đến hai chi trên, đặc điểm là liệt mềm đối xứng.
Sau đó, bệnh nhân sẽ liệt cơ thân (liệt cơ bụng, các cơ hô hấp (cơ gian sườn hoặc cơ hoành) gây tình trạng suy hô hấp) và liệt các dây thần kinh sọ não (dây VII (tỷ lệ 69%) thường liệt cả hai bên, dây IX, X (tỷ lệ tương đương với dây VII) gây liệt hầu họng kèm theo liệt dây thanh âm một hoặc cả hai bên. Các dây III, VI,VII, dây V vận động ít bị hơn).
Nói về phương pháp điều trị, TS Dũng cho hay: “Phương pháp trị bệnh có rất nhiều cách, phương pháp đơn giản nhất cho đến thời điểm này là uống các vitamin và rèn luyện sức khỏe, nhưng phương pháp này hồi phục rất lâu có thể hơn 1 năm".
Tuy nhiên, bác sĩ Dũng cảnh báo, có trường hợp phải truyền dịch, truyền huyết tương và dùng những loại thuốc đắt tiền để chữa mới điều trị được,
Với căn bệnh này, đáng lo ngại nhất là giai đoạn cấp tính ban đầu. Nếu không kịp thời chữa trị có thể nguy hiểm tới tính mạng. Còn trong trường hợp bị liệt có thể tập phục hồi chức năng.
Bác sĩ Dũng cho biết thêm, ở các bệnh viện tuyến huyện xác định nguyên nhân bệnh là rất khó. Nếu vi rút tấn công vào đường hô hấp, biểu hiện của bệnh giống như viêm phổi, tấn công vào đường tiêu hóa có thể bị tiêu chảy.
Theo bác sĩ Dũng, có cơ hội để phục hồi cho bé nhưng vấn đề là thời gian không phải ngày một ngày hai và cần điều trị lâu dài.
"Gia đình không nên lo lắng quá hoặc nghe sự mách bảo của người khác cho cháu uống các loại thuốc tây, thuốc nam không đúng theo đơn chỉ định của bác sĩ", bác sĩ Dũng cho hay.
TS Dũng cũng nhấn mạnh, khi thấy trẻ có biểu hiện giảm vận động chân, tay bố mẹ bé cần đưa đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời, không để bệnh lan rộng khiến liệt các cơ hô hấp, gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Chân cháu bé đã có phản ứng với nước ấm
Trước đó, bệnh viện chẩn đoán, bệnh nhân Y. liệt mềm chân phải chưa rõ nguyên nhân/Viêm phế quản phổi. Các bác sĩ của bệnh viện kê thuốc điều trị viêm phế quản phổi theo đơn hàng ngày và mời bác sĩ chuyên khoa Nhi khám và nhận định bệnh bệnh viêm phế quản phổi đã ổn định, liệt mềm chân phải không rõ nguyên nhân.
Hội chẩn khoa học thống nhất chẩn đoán, bệnh nhân giảm vận động chân phải chưa rõ nguyên nhân/viêm phế quản phổi ổn định. Bệnh nhân được quyết định chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương vào 16h ngày 26/9.
Khi chuyển lên BV Nhi Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm đa rễ dây thần kinh thể sợi trục và cho cháu chuyển vào khoa Thần kinh điều trị. Vài ngày sau, các bác sĩ đã kê thuốc cho cháu về điều trị tại nhà.
Hiện tại cháu bé vẫn chưa vận động được chân phải, tuy nhiên đã có phản ứng với nước ấm. Cháu bé đang được gia đình đưa đi tập vật lý trị liệu để phục hồi khả năng của chân.
Điều 73, Điều 74 Luật khám chữa bệnh: Khi xảy ra tai biến đối với người bệnh, việc xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật của y, bác sĩ sẽ do một Hội đồng chuyên môn kết luận. Hội đồng chuyên môn được thành lập bởi người đứng đầu cơ sở khám bệnh nếu có yêu cầu giải quyết tranh chấp; hoặc nếu người đứng đầu cơ sở khám bệnh không tự thành lập được thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập. Trong trường hợp vụ việc liên quan đến tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh được giải quyết theo thủ tục tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế thành lập hội đồng chuyên môn để tiến hành giám định. Hội đồng chuyên môn xác định y, bác sĩ “có sai sót chuyên môn kỹ thuật” khi đã thực hiện một trong các hành vi sau đây: “a) Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; b) Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; c) Xâm phạm quyền của người bệnh”. Kết luận của hội đồng chuyên môn là cơ sở để giải quyết tranh chấp hoặc để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định hướng xử lý, giải quyết vụ việc; là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với y, bác sĩ có sai phạm. Trong trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh thì ngoài trách nhiệm bồi thường theo quy định, y, bác sĩ có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |