(ĐSPL) - Liên quan đến việc 214 giáo viên tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bỗng nhiên bị chấm dứt hợp đồng vừa qua, hôm nay (26/10), Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc tại địa phương.
Theo đó, do còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong việc 214 giáo viên ở huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh bị chấm dứt hợp đồng lao động trước thềm năm học mới, sáng 26/10, Bộ Nội vụ đã thành lập đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn dẫn đầu và có buổi làm việc tại địa phương này.
Về phía địa phương, buổi làm việc có ông Nguyễn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng với các sở, ban, ngành liên quan tham dự.
Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2014, UBND huyện Kỳ Anh (cũ) đã ban hành quyết định cho các trường học trên địa bàn ký kết hợp đồng với 214 giáo viên.
Đến tháng 8/2015, căn cứ trên cơ sở các văn bản chỉ đạo có liên quan cùng với nhu cầu thực tế trên địa bàn huyện đang còn thừa số lượng giáo viên, huyện Kỳ Anh (cũ) đã ra thông báo số 29/TT-UBND huyện về việc chấm dứt hợp đồng đối với 214 nhân viên hành chính, giáo viên trong đợt này. Huyện cũng đã tổ chức cuộc gặp gỡ vào trao đổi thẳng thắn và nắm bắt những tâm tư nguyện vọng của anh chị em giáo viên để có các biện pháp xử lý thỏa đáng.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
“Tại buổi gặp mặt hôm đó, có 16 giáo viên xin tiếp tục được ký tiếp hợp đồng và 1 ý kiến xin đề xuất vấn đề liên quan đến BHXH còn lại thì không có ý kiến bức xúc”, ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết.
Sau khi chấm dứt hợp đồng đối với 214 giáo viên, số lượng giáo viên theo yêu cầu biên chế được giao tại các trường vẫn đang còn thiếu. Thầy Nguyễn Phú Hoàng (Hiệu trưởng trường Tiểu học Kỳ Phú) cho biết: “Trường vẫn đang thiếu giáo viên, chỉ tiêu biên chế được giao là 52 nhưng trên thực tế trường mới chỉ có 47 chỉ tiêu biên chế”.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, do không bám sát, thực hiện kế hoạch tuyển dụng hàng năm nên các đơn vị liên quan ở huyện Kỳ Anh (cũ) chưa tuân thủ một cách nghiêm túc các nguyên tắc về việc tuyển dụng, ký hợp đồng. Thậm chí, một số bộ môn không thiếu giáo viên nhưng vẫn tuyển dụng lao động, hoặc tuyển dụng nhưng không tiến hành ký kết hợp đồng…
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện, Phó CT UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra các dẫn chứng cụ thể tại địa bàn, đối với THCS vẫn đang thừa 24 giáo viên (vẫn ký hợp đồng với 109 giáo viên), cấp Tiểu học thiếu 77 giáo viên (vẫn ký hợp đồng lên với 103 giáo viên). Số giáo viên còn thừa mà chính quyền địa phương vẫn ký hợp đồng, là để nói lên ý thức trách nhiệm của cơ quan nhà nước cũng như nhận thức giáo viên khi ký kết hợp đồng lao động.
Cũng tại đây, các thành viên đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, đồng thời phân tích, đưa ra một số hướng giải quyết dựa trên các quy định của pháp luật, chú trọng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh thừa nhận: “Việc ký kết hợp đồng với các giáo viên, xét về mặt khách quan là huyện Kỳ Anh (cũ) có địa bàn rộng, số lượng trường học thuộc thẩm quyền quản lý nhiều, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa khó khăn, dẫn đến tình tràng thiếu giáo viên; bên cạnh đó là do nhu cầu về việc làm của con em địa phương rất cao. Nhưng mặt khác, UBND huyện Kỳ Anh (cũ) chưa tuân thủ các quy định về tuyển dụng, quản lý sử dụng lao động theo Nghị định số 29 của Luật Viên chức. Việc thực hiện các thủ tục lao động chưa đúng quy định của pháp luật.
Đại diện phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh (cũ) cho biết: “Trong quá trình tuyển dụng phòng đã ký hợp đồng mà không đóng bảo hiểm cho người lao động. Vì nhu cầu việc làm của những người này và bản thân họ không yêu cầu nên phòng đã không thực hiện, như để hạn chế một khoản ngân sách chi thường xuyên”.
Về câu hỏi việc những người được đóng và không được đóng bảo hiểm thì sẽ giải quyết thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, đại diện đơn vị BHXH huyện cho biết: “Đối với những người được đóng BHXH thì giải quyết theo luật BHXH, còn những người không được đóng BHXH thì họ không được hưởng quyền lợi gì vì đơn vị sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi cho họ nên BHXH không có cơ sở để giải quyết quyền lợi theo quy định của luật BHXH. Nếu tạo điều kiện cho họ để đảm bảo quyền lợi sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì có thể thực hiện việc truy thu bảo hiểm đối với những người này nhưng phải xin phép ý kiến của cấp trên".
Tại buổi làm việc, về phía tỉnh cũng đã nhận trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát chưa cụ thể, sát sao việc làm của Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ chứ không riêng gì trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương.
Qua quá trình trao đổi, Thứ trưởng Bộ nội vụ chỉ đạo: Trước mắt, đề nghị UBND tỉnh, huyện và thị xã Kỳ Anh nên có thêm những buổi gặp gỡ, trao đổi để hiểu thêm những tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên. Nếu trong điều kiện tuyển dụng cho phép theo đúng yêu cầu, đúng chỉ tiêu thì nên tạo điều kiện cho những giáo viên này có công ăn việc làm cũng như thực hiện những chính sách hỗ trợ, bảo đảm việc làm mới đối với các trường hợp vừa chấm dứt hợp đồng lao động; Tổ chức rà soát, phân loại để có chính sách ưu tiên, thu hút những giáo viên tâm huyết, có năng lực trong quá trình tuyển dụng giáo viên sau này.
Ông Trần Anh Tuấn (đứng) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ. |
Với định hướng lâu dài, Thứ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra chặt chẽ hơn. Đồng thời, nên xác định rõ việc làm, nhu cầu của giáo viên để tuyển dụng cho phù hợp với yêu cầu và tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng trong quá trình tuyển dụng lao động; chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân được giao thẩm quyền nhưng không thực hiện đúng quy trình.
Tiếp thu các kiến nghị, ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nội vụ và thành viên đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện cho biết: “Trong năm 2015 – 2016, tỉnh đã cho phép huyện Kỳ Anh (cũ) tuyển dụng 72 chỉ tiêu bậc tiểu học nhưng do vẫn đề chia tách huyện nên đang trì hoãn để cân đối giáo viên sau khi phân chia địa giới hành chính giữa huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh được đảm bảo. Việc tuyển dụng này sẽ thực hiện sớm trong thời gian tới và việc tuyển dụng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện và thi tuyển một cách công khai, đúng pháp luật”.
Bên cạnh đó cũng đề nghị huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động, sai đến đâu, kiểm điểm, xử lý đến đó, tuyệt đối không né tránh trách nhiệm.
Cũng theo ông Thiện, sau buổi làm việc hôm nay, sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức thêm một cuộc họp báo để xử lý trách nhiệm của những người sai phạm cũng như là giải quyết thỏa đáng những nguyện vọng của những giáo viên bị chấm dứt hợp đồng.
Buồi làm việc đã phần nào giải đáp được những vướng mắc, lo lắng của các giáo viên mới chịu cảnh chấm dứt hợp đồng. |
Sau buổi gặp gỡ với thứ trưởng Bộ nội vụ, cô Nhã Phương (1 trong 214 giáo viên bị cắt hợp đồng) chia sẻ: “Hướng chỉ đạo của các cấp có nhiều chiều hướng tích cực nhưng mang tính chung chung chưa rõ ràng, cụ thể để chúng tôi nhận được câu trả lời thỏa đáng và thiết thực hơn. Bản thân chúng tôi mong sao tỉnh nhà giải quyết vấn đề sớm hơn để bản thân được sớm trở lại trường, tiếp tục cống hiến”.
Một số giáo viên khác mong muốn: “Theo như ý kiến chỉ đạo của cấp trên những người được đóng bảo hiểm thì sẽ xét theo một chế độ ưu tiên. Nhưng bản thân chúng tôi không được đóng bảo hiểm nên không được ưu tiên cũng không đúng. Riêng bản thân chúng tôi đi làm đã có nhiều đóng góp, tham gia nhiều hoạt động, việc không được đóng bảo hiểm đã là một thiệt thòi cho bản thân. Như vậy, không xứng đáng với công sức chúng tôi bỏ ra. Nguyện vọng của bản thân, đối với những người đã có thâm niên lâu năm nếu như được đặc cách thì nên xem xét. Còn những người mới công tác 2, 3 năm gần đây, dù chưa được đóng bảo hiểm như chúng tôi thì vẫn mong muốn vẫn được ký hợp đồng và tiếp tục đứng trên bục giảng”.
[mecloud]Q2Xjz1tues[/mecloud]
HƯƠNG LY
[mecloud]EZUJs4Hpqr[/mecloud]